Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 20:27 (GMT +7)
Ngành Nông nghiệp: Rộn ràng khí thế sản xuất đầu năm
Thứ 3, 07/02/2023 | 09:45:47 [GMT +7] A A
Trong điều kiện thuận lợi về thời tiết, ngay từ ngày mùng 6 tết (tức 27/1) những người nông dân, những tổ đội sản xuất nông nghiệp, những doanh nghiệp nông nghiệp trên toàn tỉnh đã tích cực đẩy mạnh hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, phát triển rừng, khai thác, nuôi trồng thuỷ sản… Đây chính là những chuyển động khá đáng mừng cho toàn ngành nông nghiệp tỉnh.
Điểm nhấn vụ trồng rừng đầu tiên trong năm
Bước vào đầu tháng 2, những cơn mưa xuân xuất hiện cũng là lúc báo hiệu vụ trồng rừng tập trung đầu tiên trong năm bắt đầu. Năm nay, toàn tỉnh có diện trồng rừng rộng lớn, do trước đó bà con đã khai thác hàng loạt những cánh rừng keo trưởng thành. Cùng với đó các điều kiện trồng rừng về cây giống, cuốc hố, bón lót… đã được bà con chuẩn bị khá đầy đủ, đảm bảo tính thành công của hoạt động trồng rừng tập trung.
Tại huyện Ba Chẽ, Trung tâm lâm nghiệp của tỉnh, bà con trồng rừng theo cách đổi công cho nhau. Anh em họ hàng hoặc các hộ xóm láng tập trung hoàn thành diện tích trồng rừng cho một hộ, sau đó đến các hộ khác. Nhờ đó nâng cao tỷ lệ sống của cây, cây sinh trưởng và phát triển tốt, đảm bảo thành rừng sau trồng.
Trước đó, ngay trong ngày làm việc đầu tiên sau tết nguyên đán, ngày 27/1, toàn tỉnh ra quân trồng cây đầu năm, hưởng ứng Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm 2023. Chỉ trong 1 ngày, các đơn vị, địa phương trồng được trên 200.000 cây xanh, tương đương gần 180ha, chiếm 20% kế hoạch thực hiện tết trồng cây năm 2023 của toàn tỉnh. Đáng nói trong trên 200.000 cây trồng được, bao gồm trên 60% là cây lim, giổi, lát, còn là cây bản địa, cây đô thị lâu năm. Kết quả này bám sát chỉ đạo trồng cây đầu năm của tỉnh là gắn với mục tiêu phát triển rừng, đặc biệt là mục tiêu trồng lim, giổi, lát.
Những chuyển động trồng rừng nói trên tạo nên khí thế trồng rừng sôi động, phấn khởi, tiếp nối sự thành công trong phát triển kinh tế rừng của Quảng Ninh năm 2022.
Theo ông Nguyễn Văn Bông, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh, năm 2022, toàn tỉnh trồng mới rừng trên 14.000ha, cao nhất trong nhiều năm qua, khai thác gỗ rừng trồng đạt gần 840.000m3, cùng sản lượng lớn lâm sản ngoài gỗ. Đặc biệt, giá thu mua lâm sản năm 2022 tăng cao đột biến, có thời điểm cao gấp đôi so với mức trung bình nhiều năm, tạo nên giá trị cho những cánh rừng, mang lại thu nhập cao cho các chủ rừng. Năm 2022 cũng là năm Quảng Ninh có điểm nhấn về trồng rừng lim, giổi, lát, với diện tích trên 2.000ha. Đây là những thông số có tính động lực để năm 2023 này, người làm nghề rừng toàn tỉnh đầu tư, chí thú cho rừng, hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2023 đặt ra là trồng rừng tập trung đạt từ 12.000ha trở lên, trong đó có 2.000ha lim, giổi, lát.
Mọi hoạt động kinh tế nông nghiệp đều chuyển động
Cùng với kinh tế rừng, các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác thuỷ sản trong những ngày đầu, tháng đầu của năm cũng được đẩy mạnh.
Nông dân khu Mễ Xá, phường Hưng Đạo, TX Đông Triều có lẽ là những nông dân ra đồng sớm nhất tỉnh, ngay từ chiều ngày mồng 1 tết. Trước đó, các hộ dân ở đây liên kết với doanh nghiệp tiếp nhận một số lượng mạ gieo khay nên cần kiểm tra liên tục, bám sát sự phát triển của cây mạ, đảm bảo khi cấy trên đồng ruộng sẽ cho kết quả tốt nhất.
Những ngày sau đó nông dân Mễ Xá nói riêng, nông dân Đông Triều cũng như toàn tỉnh nói chung khẩn trương kết thúc vụ đông, chính thức bước vào canh tác vụ xuân. Các địa phương đều chỉ đạo thu hoạch những cánh đồng ngô, khoai tây, khoai lang, hoa tươi cuối cùng của vụ đông, tập trung vệ sinh đồng ruộng, giám sát tình hình dịch hại, kiểm tra kênh mương tưới tiêu để xuống giống cây trồng…
Tính đến đầu tháng 2, khu vực miền tây đã có những héc ta gieo sạ, cấy mạ xuân đầu tiên. Khu vực miền đông đang chuẩn bị về diện sản xuất, mạ cấy và các giống cây trồng khác. Mục tiêu đến hết tháng 2, toàn tỉnh sẽ cơ bản hoàn thành việc gieo cấy lúa xuân, song song tiến hành xuống giống các loại cây trồng khác hợp thời vụ.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, cái thuận là trong những ngày qua nhiệt độ không xuống quá thấp, không dẫn đến trường hợp gia súc gia cầm bị chết rét như từng xảy ra những năm trước đây. Tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi cũng được kiểm soát, không phát sinh những ổ dịch lớn. Toàn tỉnh hiện đang tiếp tục tiêm các loại vắc xin còn thiếu để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi, là sơ sở để tổng đàn, nhất là đàn gia súc lớn tăng trưởng và phát triển nhanh trong tiết xuân này.
Ở lĩnh vực thuỷ sản, kể từ tháng 1 đến nay, ghi nhận là hoạt động khai thác thuỷ sản ổn định. Các tàu cá sau thời gian nằm bờ do giá nhiên liệu tăng cao, giá bán thuỷ hải sản thấp đều đã ra khơi để có thể mang về sản lượng thuỷ sản phục vụ dịp tiêu dùng cao nhất trong năm, tết nguyên đán. Hoạt động nuôi trồng thuỷ sản chủ yếu là nuôi tôm vụ đông, được triển khai do những cơ sở nuôi có hàm lượng khoa học công nghệ cao, làm chủ được nhiều yếu tố thời tiết nên đảm bảo được sự sinh trưởng, phát triển con tôm, đảm bảo thành quả sản xuất.
Có thể nói, từ chuyển động của các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng, khai thác và nuôi trồng thuỷ sản những ngày đầu tháng đầu vừa qua, đã tạo nên khí thế phấn khởi bước vào thực hiện các mục tiêu phát triển năm 2023 của ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể, chỉ tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp được tỉnh giao là 4,21%. Đây vốn là chỉ tiêu không dễ thực hiện, nhất là trong bối cảnh đặc thù sản xuất nông nghiệp trên địa bàn ít nhiều phụ thuộc nhiều vào các yếu tố tự nhiên, khách quan.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()