Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 11:54 (GMT +7)
Chiêm ngưỡng “Đôi mắt” Pleiku
Chủ nhật, 15/07/2012 | 13:18:03 [GMT +7] A A
Dân gian vẫn lưu truyền rằng, xưa kia những người khai thác gỗ ở Pleiku chỉ cần thả gỗ xuống Biển Hồ, sau đó theo đường bộ đi về cảng Quy Nhơn, Bình Định để đón là có thể lấy gỗ đem bán... Chẳng biết thực hư thế nào, nhưng câu chuyện ấy cũng đủ kích thích trí tò mò của chúng tôi khi về đây ngắm “đôi mắt” Pleiku...
Lung linh huyền thoại
Cô bạn tôi rủ rê: “Anh em mình tắm biển ở Quy Nhơn nhiều rồi, nay thử lên Tây Nguyên xem biển ra sao đi anh!”. Lời mời gọi ấy đã đánh trúng vào tâm lý của tôi, một “tín đồ” của “chủ nghĩa xê dịch”… Thế là tôi và em lên đường trên một con ngựa sắt cà khổ. Từ Quy Nhơn, sau khoảng 3 giờ xe chạy, chúng tôi đã có mặt ở Biển Hồ - “Đôi mắt Pleiku” - như một nhạc sĩ từng ví như vậy. Đây là một hồ nước ngọt nằm ở phía Tây thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Biển Hồ là tên do người Kinh đặt, còn tên gốc mà người bản địa vẫn gọi là “T’Nưng”, nghĩa là “biển trên núi”…
“Đôi mắt Pleiku” - Biển Hồ đầy. |
Ngay từ khi đặt chân tới, tôi đã như bị hút hồn bởi màu xanh bất tận của mây trời, cỏ cây và non nước. Hồ có hình bầu dục, sâu khoảng 30m, với diện tích 230ha, là một trong những hồ lớn nhất và đẹp nhất ở Tây Nguyên. Có rất nhiều huyền thoại được thêu dệt khiến Biển Hồ lại càng thêm lung linh. Ngay cái tên Biển Hồ có lẽ cũng là do khát vọng của con người khao khát biển mà ra chăng? Soi bóng lòng Biển Hồ là đỉnh Hàm Rồng, cũng là một miệng núi lửa khổng lồ. Người ta nhận ra sự sóng đôi của Hàm Rồng - Biển Hồ như ẩn chứa trong lòng khát vọng phồn thực. Hàm Rồng nhô lên, Biển Hồ thụt xuống, giống như Yoni và Linga. Hàm Rồng là dương, hiên ngang như tấm bình phong chắn gió. Ngược lại, Biển Hồ là âm, thẳm sâu xuống lòng đất bao dung. Nếu có vị thần quyền năng nào bê Hàm Rồng nhấn xuống Biển Hồ thì sẽ vừa khít như một cuộc hôn phối diệu kì. Có lẽ, cuộc tình “ái ân” nồng thắm ấy đã truyền khí xuân cho đất trời Gia Lai thêm sức sống, cho đôi má con gái Gia Lai thêm rực hồng. Chẳng biết Biển Hồ có thông xuống biển Quy Nhơn hay không, nhưng có một thực tế là mực nước Biển Hồ hầu như không đổi trong suốt sáu tháng trời mùa khô Tây Nguyên không một giọt mưa. Đồng bào Gia Rai thì lại nhắc tới Biển Hồ như một hồi ức đau buồn: “Ngày xưa nơi đây là buôn làng sầm uất. Hàng ngày tiếng chiêng, tiếng trống âm vang khắp núi rừng. Thế rồi một năm nọ, trâu bò cả làng đều chết. Dân làng cho là Giàng ghét bỏ nên vào rừng săn bắt nai đem về làm lễ cúng. Lễ xong, mặt đất bỗng nhiên rung chuyển mạnh, nhấn chìm cả làng xuống vực sâu, nước tràn ngập, không còn ai sống sót. Riêng có vợ chồng Mạc Mây bận đi thăm bà con ở xa nên đã tránh được tai nạn thảm khốc…”. Còn có chuyện khác lý giải hồ mang tên T’Nưng là tên một làng cổ trong huyền thoại. Chuyện kể về ngôi làng xưa to và đẹp lắm bỗng một hôm, ngọn núi lửa ập tới vùi lấp làng. Những người may mắn còn sống sót đã khóc thương người thân không ngớt, nước mắt chảy thành suối, suối đổ về thành hồ. Hồ mang tên T’Nưng là ký ức chung của làng cổ đó... Có lẽ vì vậy mà Biển Hồ cưu mang một vẻ đẹp u buồn.
Hòn ngọc Tây Nguyên
Biển Hồ trong xanh, làn gió mát lành như xua tan đi cái oi nồng, mặn mòi của gió biển cát trắng nơi chúng tôi sống. Giữa mùa nắng nóng oi nồng mà ở đây không khí rất dễ chịu. Chúng tôi mở căng lồng ngực để hít thật nhiều cái trong lành, phóng khoáng của khí trời Tây Nguyên. Tại đây, khách có thể thuê xuồng máy dạo chơi trên mặt hồ. Nước ở đây có chất lượng tốt nhất trong tất cả các hồ lớn tại Tây Nguyên cũng như toàn quốc. Trước đây, người ta đồn rằng, đáy Biển Hồ có những cái vực rất sâu, hun hút như giếng, giờ các nhà khoa học xác định là nó khá bằng phẳng. Con đường dẫn xuống hồ đẹp như tranh, hai bên là những rặng thông xanh một màu xanh bất tận. Cuối con đường, các bậc tam cấp bằng đá sẽ dẫn lối bước chân du khách đến một lầu cao, rất thơ mộng được xây trên một ngọn đồi, ở giữa lòng hồ. Biển Hồ không chỉ là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, nước sản xuất mà còn cung cấp cho dân trong vùng hàng trăm tấn cá, tôm mỗi năm. Khi lặng gió, mặt nước như một tấm gương khổng lồ mà có lẽ tạo hoá đã ưu ái ban tặng để cho các thiếu nữ Gia Lai ngàn đời soi bóng. Đứng bên hồ, du khách có thể phóng tầm mắt để nhìn bao quát cả một vùng. Xa xa là những cánh rừng bạt ngàn, những ngọn đồi uốn lượn trập trùng. Du khách còn gặp ở đây những ngôi nhà rông cao vút. Biển Hồ làm say đắm lòng người còn bởi nó là nơi hội tụ của nhiều loài hoa đẹp, nhiều loài chim, cá quý...
Du khách đến Gia Lai và ghé thăm Biển Hồ bên phố núi Pleiku thơ mộng, ai cũng bị quyến rũ bởi thắng cảnh có một không hai này. Xung quanh thắng cảnh hữu tình ấy còn ẩn chứa nhiều câu chuyện khá thú vị. Có lẽ vì thế mà nhiều người ví Biển Hồ như viên ngọc bích giữa mênh mông đất đỏ Tây Nguyên, là “đôi mắt” trong veo của phố núi Pleiku…
Phạm Văn Học
Liên kết website
Ý kiến ()