Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 08:28 (GMT +7)
Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội đề xuất bán bất động sản qua sàn
Thứ 6, 28/04/2023 | 14:11:07 [GMT +7] A A
Tại dự thảo luật mới nhất trình Quốc hội, Chính phủ vẫn đề xuất chủ đầu tư bán, cho thuê nhà hình thành trong tương lai phải qua sàn.
Một trong những nội dung tại dự thảo trước đây của Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) nhận được nhiều quan điểm trái chiều là quy định mua bán, cho thuê nhà ở bất động sản hình thành trong tương lai (bất động sản trên giấy) phải giao dịch qua sàn.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sau khi thẩm tra dự thảo luật tại phiên họp ngày 12/4, đã yêu cầu Chính phủ rà soát lại quy định này để đảm bảo quyền tự do lựa chọn của người dân.
Tại tờ trình mới nhất ngày 26/4, sau khi tiếp thu, Chính phủ giữ nguyên quan điểm cần bắt buộc. Theo bản trình dự thảo luật mới nhất, 2 loại giao dịch bất động sản phải qua sàn, gồm chủ đầu tư bán, cho thuê mua nhà ở hoặc công trình hình thành trong tương lai và chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại đất đã có hạ tầng kỹ thuật. Còn các giao dịch khác được khuyến khích thông qua sàn.
Về lý do đưa ra đề xuất này, Chính phủ cho biết căn cứ vào loạt chủ trương của Đảng, Trung ương và khẳng định "đã đánh giá tác động kỹ".
Hiện không quy định bắt buộc giao dịch qua sàn nhưng theo Chính phủ, 99% các chủ đầu tư đều bán hàng qua sàn hoặc môi giới. Các chủ đầu tư quy mô lớn còn tự tổ chức sàn giao dịch hoặc bộ phận bán hàng riêng.
Bên cạnh đó, tờ trình cũng đánh giá, quy định buộc giao dịch qua sàn cũng không làm tăng chi phí bất hợp lý cho chủ đầu tư, hay giá bán. Bởi, thay vì chủ đầu tư bỏ chi phí để tự tổ chức bán hàng, họ thuê sàn bất động sản thực hiện sẽ tiết kiệm chi phí (vì sàn bất động sản là đơn vị bán hàng chuyên nghiệp nên hiệu quả, hiệu suất cao hơn).
"Việc quy định giao dịch qua sàn không làm giảm tính cạnh tranh của thị trường hay tạo độc quyền của các sàn giao dịch", tờ trình Chính phủ nêu.
Do đó, quy định buộc bán bất động sản hình thành trong tương lai qua sàn sẽ tăng kiểm soát, minh bạch, bảo vệ người dân trong các giao dịch nhưng không làm ảnh hưởng tới quyền tự do và góp phần tăng cạnh tranh giữa các sàn giao dịch. Nhà nước sẽ có công cụ quản lý thông tin, điều tiết thị trường nhanh và kịp thời khi có biến động, chống thất thu thuế, rửa tiền.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - cho rằng, việc giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai không thông qua sàn sẽ đẩy người mua nhà phải tự mình kiểm chứng chất lượng, pháp lý, giá cả… bất động sản.
Vì vậy, theo ông Đính, việc quy định tất cả các giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai cần thực hiện thông qua sàn để gắn trách nhiệm (của sàn giao dịch, nhà môi giới bất động sản trong việc mua bán sẽ bảo vệ quyền và lợi ích cho người mua nhà). Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng giúp cân bằng lợi ích các bên và giúp thị trường bất động sản Việt Nam phát triển lành mạnh, ổn định và bền vững.
"Giao dịch thông qua sàn, cá nhân môi giới là bên liên đới, chịu trách nhiệm nếu cung cấp thông tin không chính xác. Ngoài ra, nhà nước có thể thông qua các sàn để nắm bắt đầy đủ hơn thông tin về thị trường bất động sản, qua đó có thể đưa ra các quyết sách vĩ mô đúng đắn", ông Đính nói.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()