Quy định mới về thời hạn điều chỉnh giá điện; tiêu chuẩn lãnh đạo quản lý; thành lập đơn vị hành chính mới tại Hải Dương, Tiền Giang là chính sách nổi bật từ tháng 5.
Giá điện được điều chỉnh 3 tháng một lần
Từ ngày 15/5, giá điện được xét thay đổi ba tháng một lần khi chi phí đầu vào tăng từ 3% trở lên, theo Quyết định 05/2024 có hiệu lực từ 15/5 của Thủ tướng. Như vậy, thời gian điều chỉnh giá điện được rút ngắn từ 6 xuống 3 tháng. Mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi giá.
Giá bán điện bình quân được cập nhật hàng quý theo chi phí phát điện. Khi chi phí này giảm từ 1% trở lên so với hiện hành, giá điện sẽ giảm tương ứng. Giá bán lẻ tới người tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ tăng khi chi phí sản xuất biến động 3% trở lên.
Giá bán lẻ điện bình quân tăng 3-5%, EVN được quyền quyết định điều chỉnh. Thẩm quyền tăng giá là Bộ Công Thương khi giá điện bình quân tăng 5-10% và trên 10% do Thủ tướng xem xét, quyết định.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương hướng dẫn EVN tính toán giá bán điện bình quân, kiểm tra, giám sát việc điều chỉnh giá điện. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về giá.
Hiện, giá bán lẻ điện thực hiện theo Quyết định 24/2017, thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá điện là 6 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên.
Năm tiêu chuẩn chung cho lãnh đạo quản lý
Tại Nghị định 29/2024 có hiệu lực từ 1/5, Chính phủ quy định tiêu chuẩn áp dụng cho chức danh công chức lãnh đạo, quản lý. Các nhóm chức danh được áp dụng gồm công chức lãnh đạo thuộc bộ như thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ, phó vụ trưởng, phó cục trưởng, trường phòng; công chức lãnh đạo thuộc tổng cục như tổng cục trưởng, phó tổng cục trưởng; và công chức lãnh đạo cấp sở như giám đốc, phó giám đốc, chi cục trưởng...
Năm nhóm tiêu chuẩn chung gồm: Chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; trình độ; năng lực và uy tín; sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác. Trong đó, công chức lãnh đạo phải có lập trường, bản lĩnh vững vàng; có tinh thần yêu nước, đặt lợi ích của Đảng, quốc gia, dân tộc, nhân dân, tập thể trên lợi ích cá nhân.
Công chức lãnh đạo không được tham vọng quyền lực; có khả năng trọng dụng người tài; kiên quyết chống tham nhũng, bè phái, lợi ích nhóm; có trình độ từ đại học và ngoại ngữ phù hợp, tư duy đổi mới, năng lực tổng hợp, phân tích, dự báo; phát hiện bất cập trong thực tiễn và đề xuất giải pháp.
Để được bổ nhiệm vị trí công chức lãnh đạo cao hơn, cán bộ cần kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở vị trí cấp dưới trực tiếp, có kết quả cụ thể. Người được bổ nhiệm từ nguồn nhân sự bên ngoài cần có kinh nghiệm, thành tích, sản phẩm. Trường hợp đặc biệt về tuổi, kinh nghiệm công tác, bổ nhiệm vượt cấp sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định.
Quy định mới về xét tặng danh hiệu nhà giáo, nghệ sĩ
Nghị định 35/2024 đưa ra một số điểm mới trong xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân (NGND) và Nhà giáo ưu tú (NGƯT), có hiệu lực từ ngày 25/5. Theo đó, thầy cô ở vùng khó khăn hay giảng viên một số trường được giảm tiêu chí, các giáo viên cũng được dùng chức danh Tổng phụ trách Đội hay chủ nhiệm lớp để xét nhà giáo nhân dân, ưu tú.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan chủ trì soạn thảo, cho biết thực tế ngành giáo dục không chỉ có danh hiệu giáo viên dạy giỏi. Do đó, Bộ bổ sung chức danh giáo viên chủ nhiệm, tổng phụ trách đội vào diện xét NGƯT, NGND. Ngoài ra, Bộ thêm một số tiêu chuẩn để đánh giá khả năng của nhà giáo.
Giáo viên được minh chứng về năng lực sư phạm, kỹ năng mềm, khả năng tổ chức các hoạt động chuyên môn hay tính lan tỏa, ảnh hưởng bằng việc biên soạn báo cáo chuyên đề tại hội nghị, hội thảo; chủ trì biên soạn tài liệu bồi dưỡng.
Nghị định 36/2024 quy định về giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, có hiệu lực từ 20/5. Nghị định quy định tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật của tác giả chỉ được đề nghị xét tặng một chuyên ngành về văn học, nghệ thuật. Tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật của tác giả đã được tặng Giải thưởng Nhà nước sẽ không được kết hợp với tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật khác để đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Tác giả được xét tặng giải thưởng có tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật thuộc chuyên ngành âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc, múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, văn học, văn nghệ dân gian. Tác giả phải đảm bảo các điều kiện như: Trung thành với Tổ quốc, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tác giả là người nước ngoài phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp và phong tục tập quán tốt đẹp của Việt Nam...
Thành lập hai thành phố thuộc tỉnh Bình Dương và Tiền Giang
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thành lập TP Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương, TP Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang, hiệu lực từ 1/5.
TP Bến Cát được thành lập trên cơ sở thị xã Bến Cát, rộng 234,35 km2, dân số gần 364.600, gồm 7 phường: An Điền, An Tây, Chánh Phú Hòa, Hòa Lợi, Mỹ Phước, Tân Định, Thới Hòa và xã Phú An. Thành phố này giáp TP Tân Uyên, TP Thủ Dầu Một, các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và TP HCM.
TP Gò Công được lập trên cơ sở thị xã Gò Công, diện tích 101,69 km2, dân số 152.000. Thành phố giáp huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây và tỉnh Long An. Sau khi sắp xếp, TP Gò Công gồm 7 phường: 1, 2, 5, Long Chánh, Long Hòa, Long Hưng, Long Thuận và 3 xã Bình Đông, Bình Xuân, Tân Trung.
Ý kiến ()