Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 19:59 (GMT +7)
Chính sách thu hút giảng viên Đại học Hạ Long
Thứ 6, 12/12/2014 | 06:37:31 [GMT +7] A A
Tại kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khoá XII (từ ngày 9 đến 12-12), đang tiến hành xem xét, quyết định ban hành một số cơ chế chính sách của tỉnh, trong đó có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Trường Đại học Hạ Long.
Quảng Ninh chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực, trong đó tập trung đầu tư và tổ chức thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực Quảng Ninh”. Một trong những giải pháp để thực hiện chiến lược này là nhanh chóng đưa Trường Đại học Hạ Long vào hoạt động với chất lượng đào tạo cao nhất, với những ngành thiết yếu nhất với tỉnh hiện nay.
Chính vì vậy tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh Quảng Ninh cần thông qua được Nghị quyết về chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Trường Đại học Hạ Long giai đoạn 2015-2017. Do đó nội dung tờ trình và Dự thảo Nghị quyết này đã được các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, thảo luận sôi nổi và đều khẳng định, việc Trường Đại học Hạ Long được thành lập và đưa vào hoạt động sẽ là cơ hội tốt để Quảng Ninh đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đối tượng thu hút theo chính sách này có quy định cụ thể về loại văn bằng, học hàm, học vị cùng cam kết làm việc tại Đại học Hạ Long 6 năm liên tục trở lên, được hưởng hỗ trợ một lần và hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, hỗ trợ về nhà ở, cùng các chế độ ưu đãi khác.
Dự thảo về chính sách này cụ thể cho từng đối tượng, đối với chính sách hỗ trợ một lần, mức cao nhất không quá 700 triệu đồng. Về hỗ trợ hàng tháng, ngoài lương và phụ cấp (nếu có) theo quy định hiện hành còn được hỗ trợ hàng tháng. Mức hỗ trợ cao nhất không quá 10 lần mức lương cơ sở. Nếu có nhu cầu về nhà ở, đối tượng được bố trí nhà ở công vụ tại cơ sở 1 của nhà trường ở phường Nam Khê, TP Uông Bí. Nếu có nhu cầu về đất ở, các đối tượng là Giáo sư - Tiến sĩ, Phó Giáo sư - Tiến sĩ, Tiến sĩ sẽ được tỉnh hỗ trợ tiền để tạo lập nhà ở tại TP Uông Bí hoặc TP Hạ Long theo các mức: Đối tượng thu hút thuộc các mã ngành ngôn ngữ, nuôi trồng thuỷ sản, quản lý nguồn lợi thuỷ sản được hỗ trợ tối đa không quá 4,5 tỷ đồng; các mã ngành còn lại với mức 3,5 tỷ đồng.
Đại biểu Vũ Hồng Thanh, tổ đại biểu Hạ Long cho rằng, để Trường Đại học Hạ Long hoạt động hiệu quả thì rất cần đội ngũ giáo viên giảng dạy giỏi ngay từ ban đầu để xây dựng thương hiệu cho trường. Do đó, việc ban hành chính sách thu hút đội ngũ giáo viên giỏi là rất quan trọng và cần thiết. Để duy trì hoạt động, tỉnh cũng cần nghiên cứu, duy trì, bổ sung chính sách nuôi dưỡng tiếp đội ngũ này và mở rộng tới các đối tượng khác phù hợp với sự phát triển kinh tế của tỉnh, đại biểu Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Đại biểu Vũ Thị Lan Phương, tổ đại biểu Uông Bí, có ý kiến không nên dừng lại ở các chính sách thu hút mà cần nghiên cứu, tiến tới ban hành cả các chính sách thu hút sinh viên để Trường Đại học Hạ Long trở thành sự lựa chọn của các học sinh giỏi của tỉnh và các tỉnh lân cận. Bên cạnh chính sách về học bổng cho các sinh viên có kết quả học tập tốt, chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên nghèo vượt khó, chúng ta nên có chương trình đào tạo cử nhân chất lượng cao với chương trình giáo dục tiên tiến và có các chính sách ưu tiên đặc biệt cho các sinh viên thuộc lớp chất lượng cao. Quan trọng nữa là bố trí công việc cho các sinh viên này sau khi tốt nghiệp.
Đại biểu Phạm Thị Thu Hà, tổ đại biểu Hạ Long cho rằng, cần có những biện pháp rõ ràng, những ưu đãi đặc biệt để thu hút đội ngũ giảng viên có học hàm, học vị cao về công tác tại Đại học Hạ Long trong những năm đầu thành lập. Cần bổ sung thêm đối tượng thu hút là nhân lực chất lượng cao các ngành văn hoá nghệ thuật. Bởi đây là thế mạnh tạo nên tiếng vang cho tỉnh ta trong những năm qua. Đối với nguồn giảng viên hiện có của trường, cần có chính sách khuyến khích riêng cho đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ.
Cùng với thảo luận tại kỳ họp, nhiều bạn đọc cũng quan tâm, chia sẻ về chính sách này của Quảng Ninh. Có ý kiến cho rằng, chính sách đưa ra phù hợp với đối tượng trẻ, cần có thêm chính sách thu hút các giảng viên cao cấp trong và ngoài nước cộng tác với Trường Đại học Hạ Long ngay từ năm học đầu tiên.
Đại học Hạ Long ra đời trong bối cảnh không ít các trường đại học thuộc tỉnh đang gặp khó khăn, vì vậy, ngay từ đầu nhà trường phải được đầu tư mạnh về đội ngũ giảng dạy, về cơ sở vật chất và phải tạo được thương hiệu về chất lượng đào tạo. Thành công của Đại học Hạ Long sẽ góp phần quan trọng phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh, đồng thời góp phần xây dựng thương hiệu tỉnh Quảng Ninh.
Nguyên Đan
Liên kết website
Ý kiến ()