Dẫn một số nguồn tin nội bộ, SCMP cho biết SMIC, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, đã sử dụng máy quang khắc sử dụng công nghệ in thạch bản nhúng (DUV) của ASML kết hợp với công cụ riêng để tạo ra mẫu chip trên dòng Mate 60. ASML từ chối bình luận.
Cuối tháng 8, Huawei gây tiếng vang khi công bố bộ ba Mate 60 với chip xử lý riêng, nhưng không đề cập thông tin chi tiết. Công ty nghiên cứu TechInsights (Mỹ) sau đó đã "mổ bụng" smartphone mới nhất và khẳng định máy chạy chip Kirin 9000s, được sản xuất bởi SMIC. Khi đó, giới chuyên gia đánh giá Trung Quốc đang đạt được bước tiến quan trọng trong xây dựng hệ sinh thái chip nội địa khi SMIC đã thành công với chip trên tiến trình 7 nm, bất chấp các lệnh cấm từ Mỹ.
Quang khắc là quá trình in sơ đồ mạch lên bề mặt cảm quang của tấm silicon bằng cách chiếu tia sáng về phía tấm nền silicon (wafer) qua một đĩa thủy tinh được vẽ sẵn sơ đồ mạch. Mạch càng nhỏ càng cần những đèn chiếu tia sáng có bước sóng ngắn hơn
ASML của Hà Lan đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu khi sở hữu hai cỗ máy sản xuất chip tiên tiến là DUV và hệ thống quang khắc sử dụng tia siêu cực tím EUV hiện đại hơn nhiều lần. Trong khi DUV sử dụng tia sáng với bước sóng 193 nanomet (nm), EUV có mức nhỏ hơn nhiều là 13,5 nm, từ đó cho phép sản xuất chip có tiến trình hiện đại, thường là 5 nm trở xuống.
Đến nay, ASML chưa bán máy EUV cho Trung Quốc vì các lệnh hạn chế xuất khẩu từ 2019, nhưng vẫn cung cấp máy DUV thời gian qua. Theo các nhà phân tích trong ngành bán dẫn, việc SMIC sản xuất chip dựa trên DUV có cơ sở. Thực tế, dù kém tiên tiến hơn, cỗ máy này vẫn có thể được cải tiến bộ phận lắng đọng và ăn mòn, từ đó sản xuất chip 7 nm và thậm chí tạo chip có tiến trình nhỏ hơn. Quá trình trên thường đắt đỏ hơn so với sử dụng EUV, khiến việc mở rộng quy mô sản xuất trở nên khó khăn, chỉ có các công ty tiềm lực kinh tế lớn mới đủ sức làm.
Dù vậy, các công ty Trung Quốc cũng sắp không còn được tiếp cận máy DUV do giới hạn mới từ chính phủ Hà Lan. Ngày 30/6, nước này cho biết sẽ yêu cầu các công ty trong nước phải nộp đơn xin phép nếu muốn bán thiết bị sản xuất chip ra nước ngoài. Quy định ban đầu dự kiến có hiệu lực từ 1/9 và doanh nghiệp được nhắc đến nhiều nhất là ASML và quốc gia được đánh giá bị ảnh hưởng nhất là Trung Quốc. Tuy nhiên, Hà Lan sau đó nới rộng quy định thêm bốn tháng, tức đến hết năm nay.
Theo bản thuyết trình trước giới đầu tư tuần trước, doanh số của ASML tăng 46% tại Trung Quốc trong quý III/2023, cao hơn mức 24% quý trước đó và 8% của quý đầu năm. Với việc sắp bị thắt chặt quy định, ASML sẽ mất đi một nguồn doanh thu lớn. CEO ASML Peter Wennink thừa nhận tổng doanh thu của công ty năm 2024 sẽ mất ít nhất 15% sau biện pháp hạn chế mới của Mỹ và Hà Lan.
Ý kiến ()