Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 04/12/2024 15:49 (GMT +7)
Cho một Hạ Long mãi xanh
Thứ 6, 31/10/2014 | 06:03:46 [GMT +7] A A
Có thể ví Vịnh Hạ Long như cô gái tuyệt sắc, được bao người tìm kiếm, ngưỡng mộ, thời gian qua đã từng bước bước ra với thế giới muôn màu và khẳng định những vẻ đẹp, giá trị trong mình từ 3 lần “đăng quang” di sản và kỳ quan thế giới. Gìn giữ và làm cho vẻ đẹp nguyên sơ ấy ngày càng toả sảng, ngày càng được bạn bè, du khách quốc tế biết đến nhiều hơn là kết quả đáng tự hào của Quảng Ninh trong công tác bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản Vịnh Hạ Long 20 năm qua.
Vịnh Hạ Long đã và đang trở thành điểm đến của du khách bốn phương. Trong ảnh: Bãi tắm Soi Sim trên Vịnh Hạ Long. |
Cơ hội lớn
Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thế giới lần đầu tiên năm 1994 có thể xem là thành công lớn, cũng là cơ hội lớn thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Ngay sau thời điểm đó, Quảng Ninh đã thành lập Ban Quản lý (BQL) Vịnh Hạ Long, cơ quan quản lý nhà nước về bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản. Cùng với đó, các cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản từng bước được nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện. Tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động chuyên đề về Vịnh Hạ Long, trong đó có nhiều giải pháp quyết liệt và tích cực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nâng cao vị thế và sự hấp dẫn của Vịnh Hạ Long ở trong nước cũng như ở nước ngoài.
Cùng với đó, danh hiệu Di sản thế giới cũng là một tấm “hộ chiếu văn hoá” cho Vịnh Hạ Long để thu hút và mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế. Đến nay, chúng ta đã thiết lập được mối quan hệ trực tiếp với nhiều tổ chức trong khu vực và thế giới. Từ đó, mở rộng hoạt động giao lưu với các nước bạn, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý, bảo tồn di sản. Nhiều chương trình, dự án được tài trợ thực hiện, từng bước đưa Vịnh Hạ Long hội nhập với các hoạt động quốc tế về bảo vệ di sản thế giới. Tiêu biểu như Dự án “Nghiên cứu hệ thực vật tự nhiên ở Vịnh Hạ Long” do Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tài trợ thực hiện năm 2000. Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn nằm trong dự án “Nghiên cứu tiền khả thi Bảo tàng sinh thái Hạ Long”, đã được xây dựng tại làng chài Cửa Vạn và đưa vào sử dụng từ tháng 5-2006. Rồi từ năm 2005, với sự hỗ trợ và phối hợp của Tổ chức Động - Thực vật quốc tế (FFI), dự án “Con thuyền sinh thái Ecoboat”, chương trình giáo dục nâng cao nhận thức bảo tồn biển đã thu hút trên 10.000 học sinh, sinh viên, giáo viên, đoàn viên thanh niên trong nước và quốc tế đi học tập, thực tế và tìm hiểu về di sản...
Khách du lịch tham quan hang Sửng Sốt trên Vịnh Hạ Long. |
Bên cạnh đó, công tác đầu tư, tôn tạo nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng du lịch, tạo ra các điểm tham quan, hấp dẫn trên Vịnh Hạ Long cũng được chú trọng. Thời gian qua, nhiều dự án quan trọng đã được đầu tư trực tiếp vào Vịnh Hạ Long, như: Tu bổ, tôn tạo động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hang Sửng Sốt, bãi tắm Ti tốp, các điểm lưu trú, nghỉ đêm trên Vịnh; nâng cấp cảng bến, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật tại các điểm tham quan… Những dự án này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc bảo tồn các giá trị tự nhiên, đồng thời nâng cao giá trị, sức hấp dẫn của di sản. Ngoài ra, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về Vịnh Hạ Long cũng đã được triển khai, từng bước làm sáng tỏ thêm giá trị đặc biệt, tiềm năng nổi trội của di sản.
Trải qua 20 năm, các dịch vụ du lịch đặc trưng trên Vịnh Hạ Long đã được hình thành, phát triển, tạo thành những sản phẩm hấp dẫn riêng, được nhiều khách du lịch lựa chọn, đặc biệt là khách nước ngoài. Hiện nay, chiến lược khai thác phát triển du lịch trên Vịnh tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và có những bước đột phá mới. Các tuyến tham quan mới trên Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long cũng đã được mở ra, nhằm giảm áp lực tại vùng lõi của di sản, tăng sự lựa chọn cho du khách… Thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, vì vậy, Quảng Ninh cũng đang xúc tiến tìm kiếm các nhà đầu tư có tâm - có tầm để thực hiện quản trị, khai thác dịch vụ trên Vịnh Hạ Long. Chủ trương này nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trên Vịnh, đồng thời cũng để tăng tính chuyên sâu trong công tác quản lý, bảo tồn các giá trị nguyên gốc của di sản.
Giữ mãi Hạ Long xanh
Với Vịnh Hạ Long, công tác bảo vệ môi trường di sản luôn được ưu tiên hàng đầu, đã nhận được sự đồng thuận, vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương liên quan. Như ngành Than đã có những giải pháp hữu hiệu, cụ thể, nhằm bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long, như: Di chuyển các cơ sở sản xuất cơ khí, sàng tuyển, luyện than, vận chuyển, bốc rót than ra khỏi trung tâm TP Hạ Long. Dự án nghiên cứu, đánh giá tác động của sản xuất than và du lịch đối với môi trường Vịnh cũng đã được triển khai. Việc bốc xếp, chuyển tải clinker, xi măng và các loại hàng hoá rời trên Vịnh Hạ Long cũng đã bị cấm kể từ cuối năm 2012, để góp phần gìn giữ, bảo vệ môi trường nước của Vịnh Hạ Long.
Đặc biệt quan tâm và dành nhiều đầu tư cho bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long, nhiều chương trình được triển khai có hiệu quả như: Dự án xử lý nước thải tại khu vực Bãi Cháy, dự án cấp thoát nước tại Hạ Long, Cẩm Phả. Từ năm 2009 cho đến nay, Quảng Ninh đã phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (Jica) thực hiện hàng loạt các dự án bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long, như: Trồng cây xanh trên các bãi thải mỏ, xây dựng các nhà vệ sinh không dùng nước theo công nghệ Bio-Toilet, xử lý rác hữu cơ thành phân vi sinh, trồng rừng ngập mặn trên Vịnh, thiết lập hệ thống vận chuyển rác thải trên Vịnh bằng tàu chạy nhiên liệu sinh học... Các dự án này đã góp phần quan trọng trong công tác quản lý, bảo tồn giá trị Vịnh Hạ Long phù hợp với xu hướng quản lý di sản trên thế giới. Gần đây nhất, Quảng Ninh đã thực hiện chủ trương di dời ngư dân sinh sống trên Vịnh Hạ Long lên bờ, với mục tiêu đảm bảo về an sinh xã hội tốt hơn cho ngư dân, đồng thời góp phần giảm thiểu những tác động lên môi trường di sản...
Giải bài toán bảo tồn và phát triển
20 năm qua thực sự là một chặng đường đầy khó khăn, thử thách nhưng cũng là chặng đường gắn liền với những kết quả quan trọng, đáng tự hào trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long. Du lịch nơi đây nhờ đó đã có bước đột phá, tăng trưởng nhanh. Theo thống kê, từ năm 1996 đến tháng 8-2014, Vịnh Hạ Long đã đón tổng cộng hơn 28,8 triệu lượt khách, trong đó có 14 triệu lượt khách quốc tế, thu phí tham quan đạt hơn 1.400 tỷ đồng. Vịnh Hạ Long đã trở thành trung tâm du lịch của Quảng Ninh, điểm nhấn trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế.
Tuy nhiên, với nhiều giá trị đặc biệt, lại nằm trong khu vực có sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác nhau nên việc giải bài toán bảo tồn và phát triển luôn là thách thức không nhỏ, để đảm bảo tính toàn vẹn và bền vững của di sản. Bởi thế, bên cạnh niềm tự hào về những kết quả đã đạt được, chúng ta cũng đừng quên sự khuyến cáo của một chuyên gia nước ngoài, rằng: “Nếu Vịnh bị ô nhiễm, di sản Hạ Long huy hoàng ngày nay với tương lai đầy hứa hẹn có thể chỉ là một câu chuyện cổ tích, giống như chuyện con rồng lớn đã tạo ra những hòn đảo này. Chúng ta phải làm sao cho điều đó đừng xảy ra…”. Đó là thách thức, cũng là trách nhiệm của những người yêu mến di sản và mong muốn gìn giữ Vịnh Hạ Long cho hôm nay và cho cả mai sau.
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()