Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 09:03 (GMT +7)
Chủ động bảo vệ nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão
Thứ 6, 24/09/2021 | 13:50:26 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh trở thành hướng phát triển kinh tế hiệu quả, làm giàu cho nhiều hộ dân. Tuy nhiên, cũng như nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khác, nuôi trồng thủy sản phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện thời tiết. Để tránh thiệt hại, việc chủ động các biện pháp phòng, chống thiên tai, đặc biệt là trong mùa mưa bão là rất cần thiết.
Quảng Ninh hiện là địa phương đứng đầu các tỉnh thành phía Bắc về nuôi tôm với diện tích trên 5.700ha, tập trung chủ yếu tại các địa phương: Tiên Yên, Móng Cái, Quảng Yên, Đầm Hà, Vân Đồn. Theo số liệu thống kê, sản lượng thu hoạch tôm 6 tháng đầu năm trên địa bàn đạt 5.470 tấn, chiếm 16,6% tổng sản lượng thủy sản nuôi. Dù có giá trị kinh tế cao, nhưng tôm là loại thủy sản rất nhạy cảm với thời tiết. Vào mùa mưa, bão độ PH và độ mặn trong nước giảm khiến các loại vi khuẩn, nhất là các loại gây bệnh đốm trắng, chân đỏ phát triển mạnh, làm tăng nguy cơ tôm chết hàng loạt. Để đảm bảo các điều kiện nuôi ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai, thời gian qua ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã khuyến khích các hộ nuôi trồng trên địa bàn đẩy mạnh áp dụng công nghệ và chủ động các biện pháp ứng phó với thời tiết cực đoan, đặc biệt là trong mùa mưa bão.
Vụ tôm năm nay, gia đình anh Phạm Quốc Huy, thôn Thượng, xã Đồng Rui, thả nuôi 2,2ha tôm thẻ chân trắng theo công nghệ 3, 4 giai đoạn. Theo anh Huy, phương pháp nuôi tôm truyền thống trước đây có hạn chế đó là tôm dễ chịu các ảnh hưởng do thiên tai, mưa lớn; dịch bệnh do không kiểm soát được nguồn nước, chất thải từ thức ăn, nhiệt độ, môi trường. Nên bắt đầu từ cuối vụ nuôi năm 2020, gia đình anh đã chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm công nghệ 3, 4 giai đoạn ở bể tròn. Qua đó, gia đình anh đã đầu tư các bể nổi; đồng thời lắp đặt hệ thống nhà lưới và thiết bị tự động kiểm soát môi trường, không khí, nhiệt độ ở các bể nuôi. Với cách làm này, con tôm vẫn sinh trưởng tốt trong điều kiện thời tiết nhiệt độ thấp, mưa nhiều. Nhờ đó, 2 vụ tôm gần đây rất hiệu quả, tôm sinh trưởng, phát triển tốt, đồng đều, trọng lượng lớn, sản lượng gấp 3-4 lần so với trước.
Thời gian qua, các mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi trong nhà kính, nuôi công nghệ Biofloc, nuôi đa giai đoạn... đang được áp dụng rộng rãi. Ngoài ra, nhiều cơ sở đã áp dụng nuôi tôm trong nhà màng, nhà kính, hiệu quả cao, nuôi được trong thời tiết nhiệt độ thấp, mưa nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh đó, diện tích nuôi tôm theo hướng thâm canh và bán thâm canh vẫn là chủ yếu, do vậy để chủ động ứng phó với tác động trong mùa mưa bão, ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo các hộ nuôi tôm trong toàn tỉnh một số biện pháp quan trọng. Cụ thể là cần tăng cường gia cố, tu sửa bờ ao, cống lấy nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở do mưa lũ làm thất thoát sản phẩm, nhất là khu vực nuôi tôm chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão từ biển đổ vào; thường xuyên theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết để có biện pháp thu hoạch trước khi lũ lụt xảy ra. Cùng với đó, người nuôi phải có kế hoạch điều tiết nước để hạn chế hiện tượng giảm độ mặn đột ngột trong ao nuôi tôm; có các biện pháp phòng bệnh, nâng cao sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung Vitamin C, khoáng vi lượng, men tiêu hóa vào khẩu phần ăn của tôm định kỳ 10-15 ngày/đợt, mỗi đợt từ 5-7 ngày…
Ngoài nuôi tôm, trên địa bàn tỉnh còn phát triển nuôi trồng các loại thủy sản khác, như: Các loại nhuyễn thể, với diện tích nuôi bãi triều và mặt nước là 4.457ha; nuôi cá biển diện tích 1.348ha với 14.506 ô lồng; nuôi trồng thủy sản nước ngọt diện tích trên 3.000ha. Thời gian qua, ngoài việc thường xuyên khuyến cáo các biện pháp bảo vệ thủy sản mùa mưa bão, Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) đã phối hợp với một số đơn vị thực hiện việc quan trắc và nhắn tin định kỳ 2 lần/tháng về các thông số trong nguồn nước của một số vùng nuôi trọng điểm của tỉnh cho các hộ nuôi để xử lý kịp thời khi có bất thường xảy ra.
Dự báo mùa mưa bão năm nay diễn biến phức tạp, thường xuất hiện những cơn mưa lớn, kéo dài làm thay đổi các yếu tố thủy, lý, hóa, dẫn đến môi trường nuôi trồng thuỷ sản diễn biến theo chiều hướng xấu. Những sự thay đổi này làm động vật thủy sản giảm sức đề kháng và mẫn cảm hơn với các tác nhân gây bệnh có sẵn trong nước như vi khuẩn, virus, kí sinh trùng, từ đó dễ dẫn đến dịch bệnh và giảm hiệu quả nuôi thủy sản… Do vậy, để bảo vệ các đối tượng nuôi, nâng cao hiệu quả kỹ thuật - hiệu quả kinh tế, Chi cục Thủy sản khuyến cáo đối với các hộ nuôi thủy sản cần khẩn trương thu hoạch thủy sản nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm để hạn chế thiệt hại do mưa bão, lũ lụt gây ra. Cùng với đó tích cực kiểm tra và gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào khu vực kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão gây hư hỏng lồng; thực hiện các biện pháp phòng và trị bệnh trong mùa mưa bão, lũ, lụt như bổ sung Vitamin C vào thức ăn cho cá để tăng cường sức đề kháng; chủ động xử lý môi trường nước bằng vôi bột với lượng 2-3kg/100m3 nước ao hoặc một số hóa chất được phép sử dụng trong nuôi thủy sản (như TCCA, BKC, Chlorine...) theo đúng liều lượng hướng dẫn của nhà sản xuất để khử trùng nước ao nuôi, phòng bệnh cho thủy sản nuôi…
Nguyễn Thanh
- Khai thác lợi thế biển để nuôi trồng thủy sản
- Tháo gỡ vướng mắc trong nuôi trồng thủy sản Vân Đồn
- Doanh nghiệp đầu tư dự án nuôi trồng thủy sản được hỗ trợ 15 tỉ đồng
- Phát huy thế mạnh nuôi trồng thủy sản
- Vân Đồn phát huy thế mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển
- Vân Đồn: Chưa xem xét việc cho thuê mặt nước ngắn hạn để nuôi trồng thủy sản
Liên kết website
Ý kiến ()