Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:30 (GMT +7)
Chuyển đổi số trong ngành giáo dục Chủ động bắt nhịp, tạo bước đột phá
Thứ 3, 26/12/2023 | 13:48:36 [GMT +7] A A
Chuyển đổi số trong giáo dục chính là ứng dụng công nghệ kỹ thuật số và hệ thống thông tin Intenet vào lĩnh vực giáo dục để nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và quản lý giáo dục. Chuyển đổi số giúp tạo ra môi trường học tập, nơi mà mọi thứ kết nối với nhau. Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, thời gian qua, ngành Giáo dục Quảng Ninh đã chỉ đạo triển khai rất nhiều hoạt động, giải pháp chuyển đổi số giáo dục, đảm bảo đồng bộ, toàn diện, kiên trì và có lộ trình hợp lý, đáp ứng yêu cầu GD&ĐT.
Thầy hiệu trưởng tâm huyết với chuyển đổi số
Đó là thầy giáo Phạm Ngọc Quang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (TP Hạ Long). Trải qua nhiều đơn vị công tác, thầy giáo Quang luôn đi đầu sáng tạo, tìm tòi, nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị, điều hành, giảng dạy, được ngành giáo dục thành phố và tỉnh ghi nhận.
Thầy giáo Quang chia sẻ: Ngày nay, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng chung trong mọi ngành nghề, khắp mọi nơi trên toàn cầu. Giáo dục cũng không phải là ngoại lệ. Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng phát làm đình trệ mọi hoạt động kinh tế - xã hội, học sinh không thể đến trường, chuyển đổi số thực sự trở thành một quá trình mà kết quả của nó có thể là một diện mạo giáo dục hoàn toàn mới, với phương thức, cách thức, phương pháp, kỹ thuật, công cụ và phương tiện mới. Chính vì thế, từ năm 2021 khi đang là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Hạ Long), cá nhân tôi đã áp dụng phần mềm quản lý điểm, mã định danh học sinh, giáo viên (SMAS, truong.csdl.moet.gov.vn); phần mềm quản lý cán bộ (http://qlcb.quangninh.gov.vn); phần mềm tập huấn bồi dưỡng thường xuyên, đánh giá công chức (ETEP, TEMIS, K12online).
Để việc triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường được hiệu quả, thầy giáo Quang đã xác định được mục tiêu chuyển đổi số: Đó là xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung làm nền tảng xây dựng quy trình, công cụ, ứng dụng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục. Thầy giáo Quang cũng xây dựng môi trường làm việc, môi trường học tập thông minh trên nền tảng số; tạo điều kiện cho học sinh chủ động tiếp cận và an toàn trên môi trường số. Tổ chức nhiều buổi bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin để các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong nhà trường thực hiện có hiệu quả khi triển khai các phần mềm.
Nhờ đó, tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản đã thực hiện số hóa toàn bộ các hồ sơ, sổ sách, quy trình làm việc - nhiệm vụ rất quan trọng mang tính tiên quyết trong công cuộc chuyển đổi số. Toàn bộ hồ sơ, sổ sách liên quan đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh được chuyển sang định dạng kỹ thuật số và có thể lưu trữ tài liệu trên Cloud. Trong dạy học, kiểm tra, đánh giá, nhà trường số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm).
Trường Tiểu học Trần Quốc Toản cũng đã thực hiện số hóa quy trình làm việc nội bộ (kiểm tra đánh giá xếp loại, phân công nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện); quy trình làm việc với học sinh, cha mẹ học sinh (công tác tuyên truyền, trao đổi góp ý, thu thập xử lý thông tin); quy trình làm việc với các cơ quan quản lý cấp trên và các đơn vị phối kết hợp (thực hiện báo cáo, cung cấp số liệu)… Tháng 6/2023, khi làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (ngôi trường được tách ra từ Trường Tiểu học Trần Quốc Toản), thầy giáo Quang tiếp tục kiên trì với mục tiêu chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái chung để đồng bộ tất cả dữ liệu cũng như các hoạt động giáo dục trong nhà trường.
Việc chuyển đổi số trong ngành giáo dục thời gian qua đã được nhiều cán bộ, giáo viên, học sinh trên địa bàn tỉnh áp dụng, thực hiện có hiệu quả tại các đơn vị trường học. Cô giáo Ngô Thị Thái, giáo viên Trường Tiểu học Hạ Long (TP Hạ Long) chia sẻ: Thời gian qua nhà trường được đầu tư trang thiết bị hiện đại, như loa, đài, micro, kết nối wifi, bảng thông minh... Đây là cơ sở rất thuận lợi để cô, trò chúng tôi sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong các tiết dạy. Đặc biệt, tôi đã tìm tòi các phần mềm để thực hiện đánh giá học sinh theo hình thức trắc nghiệm. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, tôi có thể kiểm tra được kiến thức của tất cả học sinh. Các em cũng thích thú, không áp lực gì cả.
Xây dựng nền giáo dục mở, thích ứng trên nền tảng số
Đến nay, 100% cơ sở giáo dục có đường truyền Internet cáp quang và máy tính phục vụ công tác quản lý điều hành. Giai đoạn 2014-2020, tỉnh đã đầu tư 105 phòng họp trực tuyến cho các cơ quan quản lý giáo dục, 89 trường phổ thông, Trung tâm Hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên tỉnh, Trường Đại học Hạ Long.
Tỉnh cũng đầu tư trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin với 1.395 phòng học tương tác thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến cho 89 trường phổ thông. Riêng dự án trường học thông minh được triển khai cho 57 trường học và Phòng GD&ĐT TP Hạ Long với 1.236 phòng học thông minh (263 phòng học cấp độ 1 và 973 phòng học cấp độ 2); 58 phòng học/họp trực tuyến; 57 hệ thống camera giám sát hành lang; 12.242 máy tính xách tay; 816 máy điều hòa không khí; 57 hệ thống hạ tầng và thiết bị công nghệ thông tin, mạng LAN, đường truyền FTTH.
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, 100% công tác chỉ đạo điều hành của Sở GD&ĐT, 13 phòng GD&ĐT, 645 cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đều được xử lý trên hệ thống nền tảng dùng chung của tỉnh (hệ thống quản lý văn bản chỉ đạo và điều hành, hệ thống thư điện tử công vụ, dịch vụ công trực tuyến). 100% văn bản đều được ký số khi giải quyết hồ sơ công việc. 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện triển khai dịch vụ công trực tuyến, tích hợp vào dịch vụ công quốc gia và xử lý toàn trình theo quy định.
Các cơ sở giáo dục đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành trên phần mềm quản lý trường học trực tuyến http://qlth.quangninh.edu.vn. Hiện nay, hệ thống phần mềm đã thu thập được cơ sở dữ liệu của toàn bộ người học, nhà giáo các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh và được kết nối đồng bộ với cơ sở dữ liệu ngành của Bộ GD&ĐT. Theo đó, 100% trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên được cập nhật đầy đủ thông tin, mã định danh cá nhân trên cơ sở dữ liệu ngành. Trong đó 100% học sinh lớp 9, lớp 12 có mã định danh cá nhân hợp lệ đã được xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ đăng ký thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT.
Đến nay, 100% trường có cấp THPT sử dụng cơ sở dữ liệu ngành phục vụ tuyển sinh vào lớp 10; có 70,4% trường tiểu học, THCS sử dụng cơ sở dữ liệu ngành phục vụ tuyển sinh lớp 1, lớp 6. 100% cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng cơ sở dữ liệu ngành để phát triển các ứng dụng quản trị trường học, lập báo cáo, kế hoạch.
100% cơ sở giáo dục phổ thông thường xuyên có kế hoạch, quy chế tổ chức dạy học trực tuyến được xây dựng lồng ghép trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và thống kê giáo dục năm học. 100% cơ sở giáo dục phổ thông, thường xuyên đã triển khai thực hiện quản lý, sử dụng sổ điện tử (sổ theo dõi và đánh giá học sinh, sổ gọi tên và ghi điểm, sổ học bạ, sổ chủ nhiệm, sổ sinh hoạt chuyên môn…) thay thế cho hồ sơ giấy.
Về thực hiện phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục, nhiều trường đã ký liên kết với các ngân hàng thương mại để mở tài khoản trung gian thực hiện thu học phí qua ngân hàng không dùng tiền mặt tại đơn vị; phối hợp hợp với ngân hàng làm thẻ ATM, cấp mã cho học sinh để nộp học phí. Đến nay, toàn tỉnh có 88,5% cơ sở giáo dục chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức không dùng tiền mặt.
Đáng chú ý, trong giai đoạn diễn ra đại dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của tỉnh và Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đã tích cực triển khai việc tổ chức các hoạt động dạy và học thông qua việc xây dựng bài giảng điện tử, học liệu số trên các nền tảng/phần mềm dạy học trực tuyến đáp ứng yêu cầu thực tế của việc dạy và học. Đồng thời, đẩy mạnh khai thác và sử dụng các phần mềm, như: Hệ thống K12online, VioEdu, olm.vn, VNPT… các phần mềm dạy học trực tuyến Zoom meeting, Microsoft Teams, Google Meet, Facebook, Zalo, Teamlink, Cisco webex meetings, Big Blue Button…
Trong kế hoạch tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số ngành giáo dục giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030, Sở GD&ĐT xác định sẽ tiếp tục tạo đột phá trong hoạt động giáo dục và đào tạo; đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước về giáo dục; tác động tích cực, toàn diện tới phương thức hoạt động, chất lượng, hiệu quả và công bằng trong giáo dục đảm bảo kế thừa, phát huy hiệu quả các hạng mục đã đầu tư trong Đề án xây dựng chính quyền điện tử, các đề án, dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục, đặc biệt là các dự án xây dựng trường học thông minh, tiên tiến đã triển khai.
Mặt khác, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo gắn với phát triển các nền tảng, tài nguyên số dùng chung, góp phần phát triển chính quyền số, xã hội số, xây dựng dữ liệu quốc gia về dân cư của tỉnh.
Phấn đấu đến 2025, 100% cơ sở giáo dục chấp nhận thu học phí và các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ người học bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. 100% số tiền học phí và các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ người học của các cơ sở giáo dục ở vùng thành thị, nông thôn. 65% ở vùng DTTS và miền núi thực hiện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. 100% cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học triển khai sổ sách, sổ điểm, học bạ điện tử thay thế hoàn toàn hồ sơ giấy. 100% trường phổ thông tuyển sinh đầu cấp lớp 1, lớp 6, lớp 10 hoàn toàn trên môi trường số. 100% cơ sở giáo dục triển khai cho nhà giáo sử dụng chữ ký số.
Việc chuyển đổi số trong ngành giáo dục là xu thế tất yếu. Chuyển đổi số không chỉ đơn giản là về mặt công nghệ mà yếu tố con người mới là điều cần chú trọng. Để chuyển đổi số thành công, thiết nghĩ, mỗi nhà trường cần có nguồn nhân lực chất lượng cao với kiến thức chuyên môn chắc chắn và tư tưởng mở, luôn sẵn sàng thay đổi. Thêm vào đó, cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường cũng cần được đào tạo cách làm việc khoa học, hiệu quả và linh hoạt để có thể thích ứng được với chuyển đổi số.
Qua đây, góp phần thực hiện mục tiêu chung của toàn ngành là ứng dụng tiến bộ KHCN, khai thác sử dụng hiệu quả phương tiện thiết bị công nghệ thông tin trên cơ sở bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng, nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục. Từ đó, xây dựng nền giáo dục mở, thích ứng trên nền tảng số, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia, góp phần phát triển chính quyền số, xã hội số.
Lan Anh
- TP Móng Cái: Sáng tạo trong thực hiện chuyển đổi số
- Trung tâm Truyền thông tỉnh phải tạo bứt phá trong chuyển đổi số; chăm lo cho đội ngũ cán bộ và phát triển nguồn nhân lực
- Tập trung phát triển nguồn nhân lực số
- Đẩy mạnh chuyển đổi số trong đồng bào dân tộc thiểu số
- Chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm nông sản
- Ba Chẽ: Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện
Liên kết website
Ý kiến ()