Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 15:59 (GMT +7)
Chủ động các giải pháp tiêu thụ nông sản
Thứ 6, 31/12/2021 | 14:34:57 [GMT +7] A A
Với chính sách kiểm soát chặt chẽ hàng nông sản xuất, nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19 của Trung Quốc, việc thông quan bị ảnh hưởng nặng nề khiến hàng nghìn xe container hàng hóa của Việt Nam bị ùn tắc tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh.
Trước tình hình đó, sáng 31/12, Diễn đàn Kết nối nông sản 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức phiên kết nối sản xuất-chế biến nông sản và thúc đẩy thị trường nội địa.
Tại diễn đàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn Đinh Thị Thu cho biết, lượng xe thông quan tại các cửa khẩu của tỉnh hiện nay chỉ dưới 100 xe/ngày/cửa khẩu và đa số là sản phẩm khô, rất ít hoa quả tươi. Tổng lượng xe ùn tắc tại Lạng Sơn hiện nay vào khoảng 2.900 xe, đang giảm dần nhưng nguyên nhân chính là do nhiều xe quay đầu về tiêu thụ nội địa, đặc biệt là sau khi phía Bằng Tường thông báo ngừng nhập khẩu thanh long từ 0 giờ ngày 29/12 đến 24 giờ ngày 26/1/2022. Thời gian qua, Lạng Sơn đã có nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, lái xe đường dài đang bị tắc tại cửa khẩu như: giảm phí dịch vụ, điều trị miễn phí nếu tài xế mắc Covid-19. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thường xuyên củng cố, tăng cường quan hệ, thông tin với các địa phương phía Trung Quốc để hỗ trợ thông quan nông sản.
Bà Đinh Thị Thu cũng cho biết thêm, trong thời gian tới việc xuất khẩu nông sản dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang đến gần, phía Trung Quốc sẽ tạm dừng nhập khẩu hàng hóa trên container lạnh trong 28 ngày của dịp Tết Nhâm Dần, trong đó 14 ngày trước Tết và 14 ngày sau Tết. Do đó, tỉnh kiến nghị các đơn vị cấp trên cần tổ chức thêm các cuộc hội đàm cấp cao để thông quan lượng xe đang còn ùn tắc trước Tết Nguyên đán. Ngoài ra, cũng đàm phán với Trung Quốc để tăng thời gian làm việc tại các cửa khẩu vẫn còn hoạt động, từ 4 giờ, 8 giờ lên 12 giờ mỗi ngày để nâng cao năng lực thông quan.
Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, những vấn đề xuất khẩu ở biên giới đặt ra yêu cầu về việc chế biến nông, lâm, thủy sản của Việt Nam phải thay đổi vì hiện nay một số mặt hàng như thủy sản, rau quả bảo quản lạnh sẽ được Trung Quốc giám sát chặt chẽ. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến năng lực thông quan tại cửa khẩu giảm thời gian qua.
Nhằm giải quyết các vấn đề ùn tắc nông sản, ông Lê Thanh Hòa thông tin, ngành nông nghiệp đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình lưu thông, xuất nhập khẩu nông sản ở cửa khẩu và các địa phương nhưng việc điều tiết hàng hóa vẫn gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần định hướng tập trung tiêu thụ tốt các sản phẩm đang vào mùa vụ. Những doanh nghiệp có khả năng chế biến sâu, hoặc có công nghệ bảo quản cần tham gia vào quá trình này, tránh tình trạng nông sản ùn tắc, giá giảm sâu.
Từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc áp dụng Lệnh 248, Lệnh 249, và chủ trương quản lý chặt kinh tế biên mậu, và thúc đẩy việc xuất nhập khẩu chính ngạch. Đây cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng Việt Nam cần lưu ý để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý thông tin ở các cửa khẩu và quan tâm hơn đến vấn đề tiêu thụ nội địa vì sắp bước vào kỳ nghỉ Tết kéo dài. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu, đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu đi các thị trường khác. Với các đơn vị chế biến trong nước, tăng cường kết nối thông tin với các vùng nguyên liệu để hỗ trợ tiêu thụ trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Thời gian qua, lãnh đạo ngành nông nghiệp đã làm việc thường xuyên với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, đồng thời thống nhất 6 tháng họp 1 lần để giải quyết kịp thời các vấn đề về xuất khẩu nông sản.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()