Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:04 (GMT +7)
Đưa nông sản sạch đến bếp ăn
Thứ 5, 30/12/2021 | 10:50:34 [GMT +7] A A
Tỉnh Quảng Ninh có khoảng 33.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, trong đó hơn 1.000 cơ sở có quy mô tập trung, số còn lại là cơ sở nhỏ lẻ. Các cơ sở này cung ứng cho thị trường tại chỗ hàng trăm ngàn tấn nông sản mỗi năm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Số lượng tiêu thụ là rất lớn, tuy nhiên trên địa bàn tỉnh thời gian qua không xảy ra vụ ngộ độc nguy hiểm nào từ sử dụng nông sản.
Kết quả đáng ghi nhận trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) của Quảng Ninh thời gian qua là sự phối kết hợp từ nhiều phía, trong đó các đơn vị chức năng đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực; các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản cũng chủ động tạo ra nông sản sạch, an toàn, chất lượng.
Nhanh chóng xử lý sản phẩm thiếu an toàn
Nhận được thông tin từ phía bạn hàng về một số lô sản phẩm hàu tách ruột xuất khẩu của Quảng Ninh có nhiễm Norovirus, một loại vi rút gây hại cho dạ dày, đầu năm 2021, các đơn vị chức năng của tỉnh đã triển khai ngay những giải pháp kiểm tra, xác thực và khắc phục.
Chi cục Quản lý chất lượng (QLCL) nông, lâm, thủy sản (Sở NN&PTNT) trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình đã thực hiện việc lấy mẫu, phân tích dư lượng chất độc hại trong con hàu; lấy mẫu kiểm tra các lô hàu xuất khẩu; tiến hành cấp mã vùng nuôi hàu an toàn - trong đó có cấp mã tài khoản tham gia quản lý cho một số cơ sở sản xuất, sơ chế sản phẩm hàu; cấp tem truy xuất và tem chống hàng giả cho sản phẩm; xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàu.
Đặc biệt, các cơ sở sơ chế hàu trên địa bàn huyện Vân Đồn, nơi cung ứng lượng lớn sản phẩm hàu tách ruột xuất khẩu đã được chấn chỉnh công tác đảm bảo ATTP. 100% cơ sở ở Vân Đồn muốn được hoạt động đều phải nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị, nhà xưởng, quy trình sản xuất, trang bị bảo hộ cho người lao động... theo đúng quy định đề ra.
Từ các giải pháp này, chỉ trong thời gian ngắn, các lô sản phẩm hàu tách ruột của Quảng Ninh xuất khẩu sang thị trường nước ngoài đã chuyển từ “luồng đỏ” sang “luồng xanh”; được người tiêu dùng chấp nhận, từ đó đạt sản lượng xuất khẩu lớn.
Ông Trần Văn Út, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và XNK Vĩ Tuyến (địa chỉ tại TP Móng Cái) cho biết: Là đơn vị chuyên xuất khẩu thủy sản, trong đó trọng tâm là sản phẩm hàu, việc xử lý dứt điểm Norovirus trên con hàu có tính quyết định đến sản lượng xuất khẩu sản phẩm này. Hiện đơn vị xuất bằng đường bộ, đường biển, đường bay cả trăm tấn mỗi tháng, đáng mừng là khách hàng tiếp tục tin dùng sản phẩm hàu tách ruột của Quảng Ninh.
Đồng bộ các giải pháp đảm bảo ATTP
Bài học từ các giải pháp đảm bảo ATTP đối với con hàu cũng được áp dụng cho nhiều sản phẩm nông nghiệp khác của Quảng Ninh, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm OCOP. Các đơn vị chức năng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, vận chuyển và kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp; thẩm định, cấp giấy chứng nhận về ATTP cho các cơ sở.
Theo báo cáo của Chi cục QLCL nông, lâm sản và thủy sản, chỉ tính riêng cấp tỉnh, từ đầu năm đến nay các đơn vị đã kiểm tra đột xuất 259 cơ sở; xử phạt vi phạm hành chính 33 cơ sở với số tiền xử phạt trên 160 triệu đồng. Cùng với đó, toàn tỉnh đã tổ chức thẩm định, chứng nhận sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện ATTP đối với 901 cơ sở; theo đó, 16 cơ sở được xếp loại A (tốt), 852 cơ sở xếp loại B (đạt), số còn lại là cơ sở xếp loại C (không đạt). Các cơ sở xếp loại A, B đều đảm bảo cao các tiêu chí ATTP đề ra.
Điển hình là Cơ sở sản xuất rau thủy canh 188 Green farm (phường Mạo Khê, TX Đông Triều) đang sản xuất 20 loại rau đều được trồng trong nhà màng, nhà lưới để tránh côn trùng, sâu hại; được cấp dinh dưỡng nuôi cây dưới dạng nước với tỷ lệ pha trộn khoa học, qua đó tránh tình trạng dư lượng kháng sinh quá mức cho phép. Đặc biệt, quy trình sản xuất từ khâu hạt giống, giá thể, ươm mầm, trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, đóng gói đến vận chuyển, tiêu thụ tại 188 Green farm là khép kín, khoa học, theo tiêu chuẩn VietGAP.
Để đảm bảo ATTP sản phẩm nông nghiệp, một trong những việc khó là quản lý chất lượng đối với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, các nông hộ sản xuất. Số cơ sở này trên toàn tỉnh hiện là hơn 32.000 cơ sở. Các đơn vị chức năng của tỉnh, của địa phương đã tiến hành ký cam kết ATTP với hơn 29.200 cơ sở, đạt trên 91%; đồng thời tiến hành hậu kiểm thực tế trên đồng ruộng sau cam kết.
Ông Vũ Đình Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLCL nông, lâm sản và thủy sản, khẳng định: Qua kiểm tra cho thấy các hộ sản xuất nông nghiệp đều nắm được kiến thức, quy định và có kinh nghiệm, ý thức về sản xuất an toàn. Đa số nông hộ đã và đang giảm dần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón gốc hóa học thay bằng gốc sinh học.
Toàn tỉnh hiện có trên 1.000ha sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, 45ha trồng trọt hữu cơ, 28 cơ sở có chứng nhận VietGAP trong lĩnh vực chăn nuôi; 416 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, SSOP, HACCP...); 14 vùng trồng cây ăn quả, 5 cơ sở đóng gói quả tươi và 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận với 59 loại sản phẩm.
Từ những nỗ lực và giải pháp của các cơ quan chức năng, các địa phương, công tác đảm bảo ATTP trong nông nghiệp đã đạt mục tiêu đề ra, toàn tỉnh không để xảy ra vụ việc ngộ độc thực phẩm lớn từ sử dụng sản phẩm nông nghiệp. Quan trọng hơn, kết quả này đã góp phần ngày càng nâng cao ý thức đảm bảo ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản. Đây chính là điều kiện để Quảng Ninh phát triển tiến đến mục tiêu nền nông nghiệp an toàn, bền vững và giá trị cao.
Việt Hoa
- Khơi thông tiêu thụ và xuất khẩu nông sản
- Tăng cường cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nông sản
- Thương mại điện tử thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong mùa dịch
- Xuất khẩu nông sản cần chiến lược bền vững
- Thích ứng tiêu chuẩn mới về xuất khẩu nông sản
- Đưa nông sản Quảng Ninh xuất ngoại
- Thay đổi nhận thức, nâng cao chất lượng nông sản Việt
Liên kết website
Ý kiến ()