Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:04 (GMT +7)
Chủ động phòng, chống bệnh dại
Thứ 4, 10/04/2024 | 07:53:09 [GMT +7] A A
Theo thống kê của CDC Quảng Ninh, các ổ dịch dại trên chó có xu hướng xuất hiện sớm từ đầu năm 2024, gia tăng đột biến so với năm 2023.
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận trường hợp mắc bệnh dại, không có ca tử vong do bệnh dại. Tuy nhiên số ổ dịch dại trên chó tăng lên, với 5 ổ dịch tại 3 địa phương: Đầm Hà (3 ổ), Hạ Long (1 ổ), Bình Liêu (1 ổ). Ở 5 ổ dịch dại có 34 trường hợp bị chó dại cắn; nhiều nhất ở huyện Đầm Hà có 23 người bị chó dại cắn tại 3 ổ dịch ở thị trấn Đầm Hà, xã Tân Bình, xã Dực Yên.
Ổ dịch dại tại xã Dực Yên được phát hiện ngày 28/2 vừa qua, chó dại cắn 19 người (18 học sinh, 1 thầy giáo Trường TH&THCS Dực Yên). Các trường hợp bị chó dại cắn đã được tiêm huyết thanh dại và vắc-xin phòng bệnh dại. Hiện sức khỏe của 19 người đã ổn định, không ghi nhận các phản ứng sau tiêm chủng. Đến nay ngành Y tế phối hợp với địa phương đã xử lý ổ dịch dại trên chó tại xã Dực Yên, không ghi nhận ổ dịch mới, không phát hiện thêm trường hợp phơi nhiễm liên quan ổ dịch. Đồng thời các ổ dịch dại trên chó tại thị trấn Đầm Hà, xã Tân Bình đã được xử lý thành công.
Ổ dịch dại trên chó tại xã Tân Dân (TP Hạ Long) ghi nhận ngày 9/3 vừa qua, sau 21 ngày không phát hiện thêm chó mắc dại mới, không có người phơi nhiễm. Ổ dịch dại tại thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu) ghi nhận ngày 12/3, sau 19 ngày không phát hiện thêm chó mắc dại trong ổ dịch; 9 người bị chó dại cắn hiện sức khỏe ổn định, đã hoàn thành tiêm 4 mũi vắc-xin phòng dại.
Quảng Ninh hiện có 41 điểm tiêm vắc-xin phòng dại tại 13/13 địa phương; 7 điểm tiêm huyết thanh kháng dại tại các địa phương Hạ Long, Móng Cái, Đầm Hà, Đông Triều, Ba Chẽ. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.951 trường hợp bị chó, mèo cắn, cào đã tới các điểm tiêm chủng để tiêm vắc-xin dự phòng, tăng 46,69% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó có 145 trường hợp cần chỉ định tiêm huyết thanh kháng dại, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Không chủ quan với việc bị chó cắn, bà Nguyễn Thị Lan (xã Thống Nhất, TP Hạ Long) đã đến Phòng tiêm chủng vắc-xin CDC Quảng Ninh để bác sĩ tư vấn và tiêm vắc-xin phòng dại. Bà Lan cho biết: Khi đi trên đường bà bất ngờ bị chó của hàng xóm cắn vào chân, chảy nhiều máu. Bà đã đến Trạm Y tế xã để khử trùng vết thương, được bác sĩ tiêm uốn ván và tư vấn đi tiêm vắc-xin phòng dại. Sau khi được bác sĩ CDC Quảng Ninh tư vấn, bà yên tâm tiêm phòng để bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Hùng, Phó trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (CDC Quảng Ninh), cho biết: Bệnh dại do vi rút dại (Rhabdovirus) gây ra, lây từ động vật sang người qua chất tiết, thường là nước bọt. Thời gian ủ bệnh thường 2-8 tuần, ngắn thì khoảng 10 ngày, dài có khi 1-2 năm, tùy lượng vi rút và độ nặng vết thương. Người bệnh sẽ nhiễm vi rút cấp tính tại hệ thần kinh trung ương. Bệnh dại hiện không thể điều trị. Khi lên cơn dại, 100% trường hợp tử vong. Biện pháp phòng bệnh là tiêm vắc-xin phòng dại ngay sau khi bị chó, mèo cắn, cào.
Khi bị chó, mèo cắn, cào, mọi người cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để phòng chống bệnh dại. Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%, cồn iod hoặc povidone-iodine (nếu có). Hạn chế làm dập nát vết thương và không băng kín vết thương. Sau đó đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.
Theo thống kê của CDC Quảng Ninh, năm 2023 toàn tỉnh đã ghi nhận các ổ dịch dại trên chó, mèo ở 6 địa phương: Hải Hà, Móng Cái, Ba Chẽ, Bình Liêu, Uông Bí, Hạ Long; trong đó có 2 ca tử vong tại Hải Hà và Uông Bí.
|
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()