Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 27/12/2024 10:31 (GMT +7)
Chủ động phòng ngừa đột quỵ
Thứ 5, 26/12/2024 | 11:28:42 [GMT +7] A A
Không khí lạnh kéo dài ở miền Bắc đã và đang gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Đặc biệt, số ca bệnh nhập viện vì đột quỵ chảy máu não do thời tiết lạnh có chiều hướng gia tăng.
Tai biến mạch máu não, hay còn gọi là đột quỵ (stroke) là tình trạng mất lưu thông máu đột ngột đến một khu vực của não, xảy ra khi mạch máu não bị tắc nghẽn bởi cục máu đông hoặc bị nứt vỡ, gây chảy máu trong não. Hậu quả nghiêm trọng có thể gặp chính là tử vong. Đặc biệt, bệnh hay xảy ra vào mùa lạnh, khi thời tiết thay đổi đột ngột. Thời tiết lạnh không chỉ gây co thắt mạch máu làm tăng huyết áp, mà còn làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, dẫn đến đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu não (xuất huyết não và nhồi máu não).
Trường hợp bà Phan Thị Hòa (74 tuổi, TP Cẩm Phả) đã có dấu hiệu đột quỵ nhẹ với tình trạng tê chân trái. Nhưng do chưa được điều trị đúng nên sau đó tình trạng của bà nặng hơn, nói khó, liệt nửa người bên trái. Sau khi được cấp cứu, chuyển tuyến đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các bác sĩ đã nhanh chóng đánh giá và tiêm thuốc tiêu sợi huyết. Đây là biện pháp được khuyến cáo hàng đầu cho bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não trong giai đoạn cấp đến sớm, giúp giảm thiểu tỷ lệ tử vong cũng như di chứng.
Bà Hòa chia sẻ: Nhờ được cấp cứu, điều trị kịp thời nên chỉ sau 1 ngày sức khỏe của tôi đã hồi phục hoàn toàn. Bản thân tôi cũng có nhiều bệnh lý huyết áp, tiểu đường, rối loạn tiền đình, nên khi được các bác sĩ tư vấn, tôi sẽ cẩn trọng hơn trong việc theo dõi sức khỏe và tiếp tục điều trị thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Còn ông Ng.T.H (67 tuổi, TP Hạ Long) được đưa vào cấp cứu trong tình trạng đột quỵ nặng, hôn mê, liệt nửa người phải; tắc hoàn toàn động mạch cảnh trong bên trái. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện can thiệp mạch lấy huyết khối và đặt stent động mạch cảnh trong trái. Sau khi can thiệp, ông H đã thoát khỏi nguy cơ tử vong, hạn chế những di chứng nặng nề về thần kinh. Tuy nhiên theo bác sĩ đánh giá, tình trạng ông H nặng nên quá trình phục hồi kéo dài với các di chứng như liệt nửa người bên phải, khó nói.
Theo bác sĩ CKI Lê Quang Khương, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Thận nhân tạo - Đơn vị đột quỵ (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), hiện nay tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được phát hiện sớm còn thấp. Nhiều người bệnh đột quỵ do thiếu kiến thức, nhất là về nguyên nhân, các dấu hiệu của đột quỵ, đặc biệt là "giờ vàng" trong điều trị đột quỵ. Có trường hợp bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu đột quỵ nhưng người nhà không đưa đến bệnh viện kịp thời mà tự ý điều trị ở nhà, chỉ khi bệnh không thuyên giảm mới đưa đến bệnh viện, thì lúc đó tình trạng bệnh nặng hơn, khó điều trị. Chưa kể người bệnh chưa được đưa đến đúng cơ sở y tế có khả năng chẩn đoán, điều trị đột quỵ. Bởi khi người bệnh đến viện sau 4,5-6 giờ có biểu hiện đột quỵ thì cơ hội điều trị tối ưu đã bị bỏ qua. Thời gian đó càng lâu thì phần tế bào não bị chết do thiếu oxy càng lớn vì không thể phục hồi. Người bệnh sẽ phải chấp nhận các di chứng như hôn mê, liệt nửa người, rối loạn ý thức, rối loạn nuốt, mất ngôn ngữ không thể tự ăn uống, sinh hoạt cá nhân… thậm chí là tử vong.
Để chăm sóc, điều trị đột quỵ toàn diện, từ tháng 12/2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thành lập Đơn vị đột quỵ thuộc Khoa Hồi sức tích cực - Thận nhân tạo, với sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa, như: Điện quang can thiệp, gây mê hồi sức, cấp cứu, phẫu thuật thần kinh, phục hồi chức năng, thần kinh lão khoa và tim mạch. Bệnh viện cũng đã chuẩn hóa quy trình cấp cứu đột quỵ, đồng thời làm chủ và triển khai đầy đủ phương pháp điều trị đột qụy não hiện nay. Nổi bật là các kỹ thuật như dùng thuốc tiêu sợi huyết, can thiệp lấy huyết khối mạch não bằng dụng cụ cơ học trong nhồi máu não cấp, đặt stent động mạch não, can thiệp nút phình mạch não với vòng xoắn kim loại (coil) có thể kết hợp bóng chẹn, phẫu thuật kẹp phình mạch não bằng clip trong chảy máu dưới nhện, ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo Rapid giúp mở rộng cửa sổ điều trị nhồi máu não cấp… Qua đó đã cứu sống nhiều trường hợp đột quỵ nặng, nguy kịch, mang đến cơ hội sống và hồi phục cho người bệnh.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần chuyển người bệnh nghi ngờ đột quỵ đến các cơ sở y tế có đơn vị điều trị đột quỵ càng sớm càng tốt. Nếu được nhập viện kịp thời, tỷ lệ can thiệp tái thông mạch máu não thành công vẫn rất cao và bệnh nhân có thể hồi phục ngoạn mục.
Để phòng tránh đột quỵ, người dân cần tự trang bị những kiến thức cần thiết thông qua các kênh thông tin chính thống. Bên cạnh đó, cần tầm soát sức khỏe định kỳ, duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tập luyện hợp lý và phòng ngừa các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, tăng cholesterol trong máu, hút thuốc lá, béo phì, ít vận động…
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()