Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:42 (GMT +7)
Chủ động phòng sởi, thủy đậu
Thứ 3, 21/02/2023 | 14:09:50 [GMT +7] A A
Giai đoạn mùa Đông Xuân (tháng 1- tháng 3) với nền nhiệt thay đổi thất thường, độ ẩm cao làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, bên cạnh các bệnh về đường hô hấp, đây cũng là thời điểm sởi và thủy đậu dễ bùng phát.
Thông tin từ Bệnh viện E cho biết, những ngày gần đây lượng bệnh nhi đến khám tăng 3 lần so với trước. Bệnh nhi mắc các bệnh lý về đường hô hấp, bệnh truyền nhiễm do virus tăng lên rõ rệt như cúm, thủy đậu, sởi…
Tình trạng tương tự cũng ghi nhận tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông, BS Trần Thị Kim Anh - Trưởng khoa Nhiệt đới thông tin: “Thời tiết lạnh ẩm là một trong những điều kiện thuận lợi để nhiều căn bệnh Đông Xuân “vào mùa”. Trong những ngày qua, Bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp mắc cúm, thủy đậu, sởi tới thăm khám”.
Mới đây, Bệnh viện Nhi trung ương cũng phát đi khuyến cáo về nguy cơ bùng phát bệnh sởi ở trẻ nhỏ. TS. BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, giai đoạn mùa Đông Xuân với nền nhiệt trong ngày thay đổi thất thường và độ ẩm cao sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Thời gian này cũng là mùa lây lan các bệnh sởi, thủy đậu.
Một trường hợp cụ thể, bệnh nhi N. K. H. (6 tháng tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt cao, ho nhiều, nổi nốt đỏ ở mặt, loét khoang miệng. Khai thác tiền sử cho thấy, trước khi nhập viện 2 ngày, trẻ có biểu hiện sốt cao nhưng gia đình không đưa đi khám mà cho con điều trị tại nhà bằng thuốc hạ sốt. Tại bệnh viện, trẻ được chẩn đoán xác định mắc bệnh sởi biến chứng viêm phổi và phải nhập viện điều trị.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, khi trẻ mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể trẻ sẽ giảm sút nên trẻ dễ mắc các biến chứng. Hiện nay, căn bệnh này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Cách chữa chủ yếu là cải thiện triệu chứng, vệ sinh cá nhân và chế độ ăn.
“Cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng bệnh. Đối với trẻ 9 tháng tuổi tiêm mũi 1 thì hiệu quả bảo vệ đạt được 85%. Tiêm mũi 2 khi trẻ 18 tháng tuổi, hiệu quả bảo vệ tăng lên là 95%. Tất cả những trẻ đã quá lịch tiêm chủng mà chưa bị mắc sởi nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ. Đây cũng là cách để phòng nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng” - bác sĩ Lâm thông tin.
Trong khi đó, bệnh thủy đậu cũng đang có diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Thông tin từ Sở Y tế Hải Dương cho biết, đã ghi nhận 4 ổ dịch thủy đậu với 46 trường hợp mắc, đều là trẻ em dưới 12 tuổi và chưa được tiêm phòng thủy đậu. Tất cả 4 ổ dịch đều bùng phát ở các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học.
TS. BS Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết: Thủy đậu thường bùng phát thành dịch vào mùa Xuân. Khi khởi phát, người bệnh có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ… Một số trường hợp, nhất là trẻ em có thể không có triệu chứng báo trước. Thủy đậu được đánh giá là bệnh lành tính với trẻ lớn nhưng ở trẻ sơ sinh, đây là một bệnh nặng với nguy cơ tử vong cao lên đến 30% do tổn thương đa cơ quan. Nếu không được điều trị bệnh kịp thời và đúng phác đồ, trẻ có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, sốc nhiễm trùng nhiễm độc, bội nhiễm vi khuẩn, các biến chứng về thần kinh như: Viêm màng não, viêm tủy, viêm dây thần kinh thị giác, viêm đa dây thần kinh. Hoặc 1 số biến chứng khác như suy thượng thận, viêm cầu thận, tổn thương mắt, thậm chí là tử vong. Đương nhiên, với trẻ lớn, nếu không theo dõi và chăm sóc kỹ, biến chứng của bệnh cũng rất nặng nề, có thể gây viêm não, xuất huyết, viêm gan...
Theo các chuyên gia y tế, cha mẹ cần nâng cao ý thức, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho trẻ tại gia đình để phòng các bệnh truyền nhiễm dễ bùng phát. Cụ thể, tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ đầy đủ và đúng lịch. Giữ ấm cho trẻ, nhất là các vị trí quan trọng như: Bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Tuy nhiên, không nên mặc quá nhiều áo cho trẻ, có thể làm trẻ bị toát mồ hôi và ngấm ngược lại vào cơ thể gây cảm lạnh. Tạo môi trường sinh hoạt thông thoáng, hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người. Giữ vệ sinh thân thể và môi trường sống sạch sẽ, hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng đúng cách, vệ sinh mũi, họng hàng ngày. Cho trẻ ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng.
Bên cạnh đó, nếu thấy trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cha mẹ không nên tự ý điều trị tại nhà mà phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Cũng theo các chuyên gia y tế, tiêm vaccine phòng bệnh là một trong những việc không thể bỏ qua. Người dân nên tiêm chủng đầy đủ với các bệnh đã có vaccine dự phòng.
Theo TS. BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương, trẻ nhỏ với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện là đối tượng rất dễ mắc bệnh. Sởi là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi ho, hắt hơi, nói chuyện. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, dễ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy… nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong.
|
Theo daidoanket.vn
Liên kết website
Ý kiến ()