Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 08:41 (GMT +7)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bắt đầu thăm chính thức Campuchia
Thứ 5, 21/11/2024 | 17:05:42 [GMT +7] A A
Chuyến thăm khẳng định chính sách đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó dành ưu tiên cao cho mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện với Campuchia.
Theo đặc phái viên TTXVN, đúng 14 giờ 30 ngày 21/11, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam đến thủ đô Phnom Penh, bắt đầu thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) và Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP) từ ngày 21-24/11.
Đón Chủ tịch Quốc hội và đoàn Việt Nam tại sân bay quốc tế Pochentong ở thủ đô Phnom Penh có: Phó Chủ tịch thứ hai Quốc hội Campuchia Vong Soth; Phó Chủ nhiệm Ủy ban 5 Quốc hội Campuchia Nim Chantara; Thư ký Ủy ban 6 Quốc hội Campuchia, thành viên Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Campuchia-Việt Nam Keo Pisth.
Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng, các cán bộ Đại sứ quán và đại diện các cơ quan, cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia nồng nhiệt chào mừng đoàn.
Trong những năm qua, quan hệ hai nước Việt Nam-Campuchia tiếp tục được duy trì và phát triển.
Hợp tác kênh Đảng giữ vai trò định hướng quan hệ hai nước. Hợp tác quốc phòng-an ninh tiếp tục giữ vai trò nòng cốt, làm nền tảng thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác khác.
Hợp tác kinh tế thương mại-đầu tư đang là điểm sáng, đặc biệt kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng ở mức cao...
Trong tổng thể chung quan hệ hai nước, quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp phát triển tốt đẹp trên cả bình diện song phương và đa phương.
Tháng 11/2022, Quốc hội hai nước đã ký Thỏa thuận hợp tác, tạo động lực mới và cơ sở pháp lý cho việc tăng cường quan hệ hợp tác song phương giữa cơ quan lập pháp hai nước đi vào chiều sâu bền vững.
Dự kiến, trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ chào Quốc vương Norodom Sihamoni; hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary; chào Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Hun Sen; hội kiến Thủ tướng Hun Manet; thăm nguyên Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin; tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia-Việt Nam, Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Campuchia-Việt Nam Men Sam An; dự lễ Khánh thành Tòa nhà Hành chính Quốc hội Campuchia - công trình quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam và một số hoạt động khác.
Đây là chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trên cương vị người đứng đầu cơ quan lập pháp Việt Nam.
Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, khẳng định chính sách đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó dành ưu tiên cao cho mối quan hệ "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" với Campuchia, thể hiện sự tin cậy, gắn bó giữa lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như giữa cá nhân Chủ tịch Quốc hội Việt Nam với lãnh đạo cấp cao Campuchia.
Chuyến thăm cũng nhằm tiếp tục đưa quan hệ Việt Nam-Campuchia đi vào giai đoạn phát triển mới trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác hiệu quả, tôn trọng lợi ích của nhau; góp phần củng cố tin cậy chiến lược và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội và Thượng viện Vương quốc Campuchia.
Việc Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đại diện Đảng Cộng sản Việt Nam tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của ICAPP nhằm đẩy mạnh sự tham gia đóng góp tích cực của Đảng Cộng sản Việt Nam tại ICAPP, thúc đẩy quan hệ với các đảng chính trị châu Á, đóng góp vào các vấn đề chung của khu vực; tăng cường quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), thể hiện sự coi trọng đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước Campuchia.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng tham dự Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của IPTP với tư cách khách mời của nước chủ nhà nhằm thể hiện sự ủng hộ và thiện chí đối với Campuchia, đặc biệt là trong nhiệm kỳ Campuchia là Chủ tịch IPTP; qua đó, góp phần tăng cường củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai quốc hội nói riêng và hai nước nói chung./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()