Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:18 (GMT +7)
Chú trọng giáo dục thể chất cho trẻ ở các trường mầm non
Thứ 7, 14/09/2024 | 11:25:06 [GMT +7] A A
Năm học mới 2024-2025, cùng với việc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, giáo dục thể chất cũng được các nhà trường, đặc biệt là các trường mầm non xem trọng. Nhiều cơ sở giáo dục mầm non đã tích cực sử dụng các thiết bị đồ chơi vận động, giúp trẻ nâng cao thể chất, từ đó có những buổi học lý thú, vui vẻ.
Ghi nhận tại huyện miền núi Ba Chẽ, có thể thấy, những năm gần đây, công tác giáo dục mầm non của huyện đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Toàn huyện hiện có 7 trường mầm non, trong đó có 27 điểm trường lẻ tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa.
Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ hằng năm đều đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra; 100% trẻ đến trường được học 2 buổi/ngày và ăn ngủ bán trú tại trường; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm, khống chế trẻ em mắc hội chứng béo phì. 100% trẻ được đảm bảo an toàn về thể chất, tinh thần. Theo bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Chẽ thì tại các trường học, trẻ mầm non được khám sức khỏe ít nhất 1 lần/năm, được cân đo theo dõi trên biểu đồ tăng trưởng về chiều cao, cân nặng; khai thác và sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi được trang cấp để thực hiện hoạt động giáo dục thể chất cho trẻ.
Cùng với huyện Ba Chẽ, những năm học gần đây, tại nhiều trường mầm non ở nhiều địa phương trong tỉnh cũng chú trọng giáo dục thể chất cho trẻ. Một số trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa để trẻ trở nên linh hoạt hơn. Tiêu biểu như Trường Mầm non Hà Khẩu (TP Hạ Long) đã tổ chức hoạt động ngoại khóa “Ngày hội thể dục – thể thao của bé”, giúp trẻ nâng cao thể chất, phát triển các tố chất nhanh nhẹn, khéo léo, tăng cường tính độc lập, mạnh dạn, tự tin và rèn luyện kỹ năng vận động, phối hợp hoạt động nhóm, tập thể để các em phát triển toàn diện.
Hay như Trường Mầm non Quảng Long (huyện Hải Hà) cũng từng tổ chức Ngày hội thể thao cho bé, với sự tham gia của các bé ở các nhóm lớp. Tại ngày hội, các bé đã được tham gia vào các trò chơi nâng cao khả năng vận động.
Để phát triển vận động cho trẻ, các trường mầm non trong tỉnh đã tích cực chỉ đạo giáo viên làm thêm các đồ dùng, đồ chơi tự tạo từ thiên nhiên, hoặc những phế liệu an toàn như: Quả bông, ghế băng thể dục, bục cho trẻ bật… Mặt khác, khu vui chơi ngoài trời cũng được nhiều trường sắp xếp hợp lý, bố trí khoa học, sử dụng hiệu quả, thuận tiện để trẻ vui chơi.
Theo Sở GD&ĐT, đến nay, 100% trường mầm non toàn tỉnh đều có sân chơi, bao gồm cả sân chơi trong nhà và sân chơi ngoài trời (tính trên số lượng đầu trường, không tính các điểm lẻ của các trường). 100% giáo viên mầm non được bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng về giáo dục phát triển thể chất cho trẻ em; 100% cơ sở giáo dục mầm non thực hiện tổ chức hoạt động giáo dục phát triển thể chất cho trẻ theo hướng tích hợp với các hoạt động giáo dục khác.
Bên cạnh sự vào cuộc của ngành Giáo dục, thời gian qua, bằng nhiều cách làm, các cấp, các ngành liên quan cũng phối hợp có hiệu quả, chú trọng đến việc chăm sóc sức khỏe, cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em.
Tháng 3 vừa qua, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở Y tế Quảng Ninh tổ chức Hội thảo cấp tỉnh về "Giải pháp cải thiện dinh dưỡng, thể lực, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tỉnh Quảng Ninh", đưa ra các giải pháp góp phần cải thiện dinh dưỡng, thể lực, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em, nhất là trẻ em vùng cao, vùng đồng bào DTTS, miền núi.
Hay như năm nay, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh (NKT-TMC) phối hợp cùng các nhà hảo tâm trao tặng thiết bị cầu trượt phục vụ học sinh tại Điểm trường Mầm non Nà Thổng, xã Quảng An (huyện Đầm Hà).
Được biết, ngày 7/7/2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 1889/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, vận động cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào DTTS, miền núi tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2022-2025”. Theo đó, địa bàn triển khai Đề án được thực hiện tại 64 xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo thuộc các địa phương: Hạ Long, Móng Cái, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn.
Trong đó, tập trung vào 16 xã (với 132 thôn, bản) có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng ở mức cao nhất trong tỉnh hiện nay (cả thể nhẹ cân và thể thấp còi), bao gồm các xã: Đồng Sơn, Kỳ Thượng (TP Hạ Long); Đạp Thanh, Thanh Lâm (huyện Ba Chẽ); Điền Xá, Hải Lạng, Hà Lâu, Phong Dụ (huyện Tiên Yên); Lục Hồn, Vô Ngại, Húc Động (huyện Bình Liêu); Quảng An, Quảng Lâm (huyện Đầm Hà); Quảng Sơn, Quảng Đức (huyện Hải Hà); Vạn Yên (huyện Vân Đồn).
Có thể thấy, việc chú trọng giáo dục thể chất cho trẻ trong các trường mầm non là rất cần thiết. Hoạt động này sẽ là điều kiện để Quảng Ninh phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 11%, thể thấp còi xuống dưới 17%. Qua đó, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào DTTS, miền núi.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()