Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:45 (GMT +7)
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực
Thứ 6, 18/02/2022 | 09:24:06 [GMT +7] A A
Nhận thức rõ tầm quan trọng của nguồn nhân lực, góp phần đáp ứng tốt yêu cầu sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, nhiều năm qua, tỉnh luôn coi phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 khâu đột phá chiến lược trong phát triển KT-XH của tỉnh, thu hút đầu tư, kinh doanh trên địa bàn.
Những năm qua, bên cạnh triển khai chính sách của Trung ương về phát triển nguồn nhân lực, Quảng Ninh ban hành nhiều cơ chế, chính sách riêng có, ưu việt, đặc thù của tỉnh, thu hút nhiều nhân tài, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC, nâng cao kỹ năng, tay nghề cho người lao động theo nhu cầu xã hội. Điển hình như: HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 220/2015/NQ-HĐND về ban hành chính sách hỗ trợ đối tượng học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2016-2020; UBND tỉnh ban hành Quyết định 344/2016/QĐ-UBND quy định thực hiện chính sách hỗ trợ đối tượng học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2016-2020; Quyết định 1139/2017/QĐ-UBND quy định hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp trên địa bàn tỉnh; Quyết định 35/2018/QĐ-UBND điều chỉnh, bổ sung danh mục nghề khuyến khích đào tạo...
Nhằm tiếp tục tạo đột phá mới trong đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, ngày 27/8/2021 HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND về việc quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh. Với việc ban hành mở rộng chính sách, cơ chế tại Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND đã thể hiện sự quan tâm sâu sát của tỉnh, là động lực mới góp phần thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt ở những ngành, nghề cần cho sự phát triển KT-XH của tỉnh trong giai đoạn tới.
Để công tác đào tạo, bồi dưỡng đạt hiệu quả cao, giúp học viên được tiếp cận môi trường hiện đại, kiến thức mới, kỹ năng tiên tiến của các cơ sở đào tạo uy tín trong và ngoài nước, tỉnh đẩy mạnh liên kết vùng, hợp tác trong nước và quốc tế trong phát triển nguồn nhân lực. Tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo với các trường Đại học hàng đầu Việt Nam và quốc tế như: Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Đại học Công nghệ Auckland New Zealand nhằm liên kết đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC của tỉnh, tăng cường đào tạo đối với các ngành, lĩnh vực quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng, kinh tế, luật kinh doanh, thương mại quốc tế, du lịch, chuyên gia về quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp, đào tạo trình độ sau đại học cho đội ngũ CBCCVC của tỉnh, đào tạo giáo viên của Trường Đại học Hạ Long, đồng thời thu hút nhân tài cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đề ra. Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương vận dụng tích cực, linh hoạt, sáng tạo có hiệu quả các mô hình hợp tác công tư trong giáo dục để đào tạo nguồn nhân lực.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức đã được thực hiện toàn diện, bám sát các mục tiêu, kế hoạch đề ra ở tất cả các nội dung. Một số nghề nghiệp đặc thù, các đơn vị, sở, ngành chủ động trong tổ chức lớp đào tạo chuyên môn sâu, chuyển giao công nghệ, chuyển giao kỹ thuật. Đặc biệt, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực quản lý, điều hành doanh nghiệp là một chương trình riêng của tỉnh Quảng Ninh được ban hành theo Đề án 293 (Đề án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020). Trong đó, đối tượng tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng về quản lý, điều hành doanh nghiệp tập trung vào đội ngũ quản lý, cán bộ và nhân viên của doanh nghiệp.
Đối với nguồn nhân lực trực tiếp sản xuất trong xã hội, từ năm 2015 đến nay, tỉnh tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho hàng triệu lượt người, góp phần giải quyết nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo của doanh nghiệp, đáp ứng sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động...
Qua thống kê, quy mô nguồn nhân lực của tỉnh hiện hơn 780.000 người (tăng 8,2% so với năm 2015). Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45,5% (tăng 8,9% so với năm 2015). Có thể thấy, với những đổi mới, sáng tạo, quyết liệt trong triển khai, đồng bộ các giải pháp, phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn đã tạo lợi thế về nhân lực để thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn.
Trần Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()