Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 14:24 (GMT +7)
Chùa Thanh Vân ở xã Sơn Dương
Chủ nhật, 26/11/2023 | 14:34:46 [GMT +7] A A
Tại thôn Vườn Cau, xã Sơn Dương (TP Hạ Long) có ngôi chùa Thanh Vân được xây dựng từ thời Lê, mang những dấu vết kiến trúc chứa đựng nhiều thông tin quan trọng về lịch sử.
Chùa có tên chữ là Thanh Vân tự, vốn thuộc thôn Vân Phong, xã Sơn Dương, tổng Trí Xuyên, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên xưa. Đây là ngôi chùa cổ có từ lâu đời, đã được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2018. Trong hồ sơ lý lịch di tích chùa Thanh Vân đang được lưu trữ tại Bảo tàng Quảng Ninh, có ghi rõ: “...Chùa Thanh Vân (chùa Vân Phong) là một ngôi chùa cổ trên vùng đất Hoành Bồ, chùa được xây dựng muộn nhất là vào thời Lê (cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII)”.
Ông Hoàng Xuân Hòe, 81 tuổi, ở thôn Vườn Cau, cho biết: Nhân dân trong làng quen gọi là chùa Vân Phong theo tên làng xưa. Trước đây, làng Vân Phong có địa giới từ sông Đồng Giang (nay thuộc thôn Đồng Giang, xã Sơn Dương) đến cầu Khe Lửa (nay thuộc địa phận thôn Vườn Rậm, xã Sơn Dương). Chùa là nơi cộng đồng dân cư làng, xã cùng nhau thực hành tín ngưỡng thờ Phật, hướng con người tới cõi thiện, được nâng đỡ, san sẻ, thỏa nguyện về cả vật chất lẫn tinh thần.
Ông Phạm Văn Phẩm, 80 tuổi, ở thôn Vườn Cau, cho biết: Chùa Thanh Vân là nơi thờ cúng linh thiêng cho đến khi bị tàn phá vào khoảng năm 1960. Chùa Thanh Vân từng là nơi sinh hoạt Đảng, tổ chức các cuộc họp quan trọng của cán bộ và nhân dân địa phương thời kháng chiến chống Pháp. Sau nhiều biến cố lịch sử, chùa chỉ còn là phế tích, hiện chùa được chính quyền địa phương khoanh vùng bảo vệ di tích.
Di tích chùa Thanh Vân hiện nay gồm hai điểm: Thứ nhất là chùa Hạ, còn được gọi là chùa Vân Phong và thứ hai là chùa Thượng, còn được gọi là chùa Cao. Cả hai ngôi chùa đều nằm ở vị trí đắc địa trên một quả đồi thấp kéo dần lên đến sườn núi theo hướng "gối sơn, đạp thủy". Vào những năm 60 của thế kỷ trước, huyện Hoành Bồ đắp chặn dòng suối tạo thành hồ thủy lợi trước mặt chùa tạo ra phong cảnh hữu tình.
Hiện nay, vẫn còn dấu tích của một ngôi chùa cổ với chân cột đá đế vuông u tròn nổi cao, bát cổ, thống đá tắm Bụt, bờ kè đá, cây hương bằng đá. Cùng với đó còn có một tấm bia bằng đá xanh hình chữ nhật, trán bia tròn có rồng chầu mặt nguyệt, không có hoa văn, trên bia nhiều chữ đã bị mờ. Có dòng được Viện Hán Nôm dịch nghĩa đại ý: Chùa Vân Phong được tu bổ vào năm Duy Tân thứ 8 (1914).
Đáng chú ý, bia đá có những cụm từ như: "Vân Phong thôn", "Thanh Vân tự". Văn bia "Tôn tạo bi ký" được lập vào đầu đời nhà Nguyễn cho biết: Chùa được sư trụ trì Chiếu Phổ là người gốc ở xã Lạc An, huyện Vũ Tiên, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định kêu gọi công đức, tôn tạo chùa, đúc chuông đồng, mua pháp khí. Bia còn ghi danh sách những người công đức tôn tạo chùa. Rất tiếc những dòng chữ về năm tháng trên bia đã bị mờ.
Chùa cũng còn lưu giữ hệ thống tượng Phật bằng gỗ và bằng đồng được tạc từ đầu thế kỷ XX. Cuộc thăm dò khảo cổ học tiến hành vào năm 2016 còn phát hiện nhiều gạch vỡ, ngói mũi sen, đồ sành, đất nung, chén gốm trang trí hoa văn hình rồng, lọ gốm men nâu, tượng rồng bằng đất nung v.v.. Những hiện vật còn sót lại đều mang dấu ấn lịch sử phong cách tạo tác của thời đại mà nó xuất hiện. Đồng thời, hệ thống hiện vật cũng chứa đựng những thông tin lịch sử về sự hình thành và phát triển của Phật giáo ở mảnh đất Hoành Bồ xưa dưới thời Lê - Nguyễn.
Cuộc khảo cổ nói trên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã làm phát lộ nhiều dấu vết chùa cũ. Trên chùa Thượng có hai phân khu là khu vườn tháp và khu tam bảo. Tại khu vực chùa Hạ xuất lộ 3 dấu vết kiến trúc của tam bảo, nhà tăng, tam quan và một khoảng sân rộng.
Chùa được nhiều thế hệ người dân Hoành Bồ xưa trùng tu nhiều lần nhưng sau đã xuống cấp nghiêm trọng và bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn phế tích. Hiện nay, chùa Thanh Vân đang được phật tử và nhân dân công đức để trùng tu lại, tôn tạo.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()