Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 01:30 (GMT +7)
Chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, giáo viên
Thứ 7, 21/09/2024 | 05:27:47 [GMT +7] A A
Những năm qua, công tác bố trí, sắp xếp, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục luôn được ngành GD&ĐT tỉnh quan tâm. Tuy nhiên, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn diễn ra. Năm học 2024-2025, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giáo viên tiếp tục là nhiệm vụ được ngành GD&ĐT tỉnh quan tâm, đặt lên hàng đầu.
Năm học 2023-2024 giáo dục Quảng Ninh có bước phát triển bứt phá chưa từng có, được xem là kỳ tích lớn nhất từ trước đến nay. Kết quả thi học sinh giỏi quốc gia THPT, Quảng Ninh lần đầu tiên đứng thứ 8 trong top 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ học sinh giỏi cao nhất nước. Đặc biệt, Quảng Ninh có thứ hạng cao nhất từ khi có xếp hạng điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT của các địa phương trong nước. Kết quả đó khẳng định sự cố gắng, nỗ lực và cống hiến của các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành GD&ĐT tỉnh.
Theo đó, chất lượng và số lượng đội ngũ nhà giáo không ngừng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Tỷ lệ cán bộ, giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên tương đối cao so với trung bình chung cả nước ở tất cả các cấp học, bậc học. Cán bộ quản lý 100% đạt trình độ từ chuẩn trở lên; giáo viên cấp mầm non cao hơn cả nước là 2%, cấp tiểu học cao hơn cả nước là 5,1%, cấp THCS cao hơn cả nước là 0,7%, cấp THPT cao hơn cả nước là 0,1%.
Toàn ngành có 121 Nhà giáo Nhân dân và Nhà giáo Ưu tú. Năm học 2023-2024 tỉnh có 15 nhà giáo vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, cao nhất từ trước đến nay.
Năm học 2023-2024, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên công lập các cấp học, bậc học toàn tỉnh được giao là 17.309 người; trong đó làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non là 4.857 người, tiểu học là 6.619 người, THCS là 4.193 người, THPT là 1.640 người.
Số lượng cán bộ quản lý, giáo viên có mặt là 17.741 người; trong đó cấp mầm non là 5.101 người, tiểu học là 6.430 người, THCS là 4.474 người, THPT là 1.736 người.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song ngành vẫn gặp phải những trở ngại, khó khăn nhất định. Các cấp học đều chưa đảm bảo định mức giáo viên theo quy định (năm học 2024-2025 toàn tỉnh thiếu so với định biên khung của trung ương khoảng 1.587 giáo viên).
Đặc biệt, còn tình trạng thiếu giáo viên và chưa có nguồn tuyển dụng một số môn học đặc thù như Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh. Hầu hết các địa phương thiếu nguồn tuyển giáo viên, nhất là các địa phương miền núi, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn dân tộc thiểu số.
Nhiều trường do thực hiện tinh giản dẫn đến thiếu nhân viên; nhân viên phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, nên việc quản lý tổ chức hoạt động thư viện, thiết bị, y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm… còn bất cập, hiệu quả chưa cao. Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; công tác chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy chưa đồng đều giữa các vùng miền và tại các cơ sở giáo dục.
Để nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giáo viên, năm học 2024-2025 Sở GD&ĐT đặt ra nhiều giải pháp. Trong đó tiếp tục kiện toàn công tác cán bộ; thực hiện luân chuyển, điều động, bổ nhiệm CBCCVC, người lao động đảm bảo quy định và nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Sở GD&ĐT, các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương tích cực tham mưu và xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cơ bản bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ đào tạo, có phẩm chất đạo đức tốt, có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng để thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút giáo viên về công tác tại các vùng miền núi, biên giới, hải đảo; đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh giỏi tham gia học ngành sư phạm gắn theo hướng giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên, đảm bảo lộ trình bổ sung đủ nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao cho ngành giai đoạn tiếp theo.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()