Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:07 (GMT +7)
Bình Liêu: Chung tay giữ gìn văn hóa truyền thống
Thứ 2, 10/10/2022 | 10:40:58 [GMT +7] A A
Với trên 96% dân số là đồng bào DTTS, huyện sở hữu những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Những nét đẹp văn hóa được huyện gìn giữ và phát huy, có sự chung tay, góp sức rất lớn của hội viên, phụ nữ trên địa bàn.
Năm 2022 là năm đầu tiên huyện tổ chức Hội thi “Người trình diễn trang phục dân tộc đẹp nhất”. Từ vòng sơ loại, Ban Tổ chức Hội thi đã nhận được hơn 100 hồ sơ đăng ký tham gia của các thí sinh đến từ các địa phương, đơn vị, trường học trong toàn huyện. Các thí sinh đều có sự đầu tư, chuẩn bị chu đáo khi đến với Hội thi, nhằm góp tiếng nói, hình ảnh đẹp để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Chị Chu Thị Hạnh (xã Lục Hồn) là một trong 16 thí sinh xuất sắc được chọn vào vòng Chung kết, dự kiến diễn ra trong khuôn khổ của Hội Mùa vàng Bình Liêu tháng 11/2022, chia sẻ: "Trong vòng tuyển chọn, tôi lựa chọn trình diễn trang phục Tày cổ với mong muốn giới thiệu hình ảnh trang phục Tày cổ đến gần hơn với thế hệ trẻ và du khách. Qua đó, để mỗi người dân, đặc biệt là dân tộc Tày, được biết và thêm yêu trang phục truyền thống, góp phần gìn giữ bộ trang phục Tày trong đời sống hiện đại hôm nay".
Chị Lài Thị Hiền, Chủ tịch Hội LHPN huyện, cho biết: Với mục đích tôn vinh vẻ đẹp và giá trị trang phục dân tộc truyền thống, Hội đã tham mưu Ban Tổ chức Hội thi không tổ chức phần thi tài năng như các hội thi sắc đẹp, mà thay vào đó là phần giới thiệu, thể hiện sự am hiểu về trang phục. Thí sinh bên cạnh mặc đẹp, trình diễn tốt, còn cần am hiểu về lịch sử, ý nghĩa, thậm chí là các chi tiết, cách may bộ trang phục. Không chỉ để quảng bá văn hóa, du lịch, hy vọng thông qua Hội thi sẽ lan tỏa, nhân lên tình yêu, sự trân trọng của mỗi người dân, đặc biệt là các hội viên phụ nữ, với trang phục dân tộc nói riêng, văn hóa truyền thống nói chung, để không ngừng gìn giữ và phát huy thật tốt.
Cùng với kêu gọi và phát động hội viên tích cực tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân tộc, Hội LHPN huyện đẩy mạnh tuyên truyền để các nữ giáo viên, cán bộ, công chức, viên chức tích cực hưởng ứng và thực hiện quy định của huyện (phát động năm 2019) về mặc trang phục dân tộc tới trường và công sở vào các ngày thứ 2 và thứ 6 hằng tuần. Đến nay, việc này đã trở thành nền nếp.
Trong mỗi gia đình, phụ nữ đóng vai trò không thể thay thế trong truyền thụ phong tục tập quán, truyền thống của dân tộc cho con cháu. Họ cũng là lực lượng nòng cốt tham gia tích cực ở 22 CLB văn hóa, văn nghệ truyền thống của huyện, tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình, thôn, khu văn hóa. Vai trò của phụ nữ được nâng lên trong việc tham gia bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của địa phương, cả trong đời sống thường nhật cũng như trong lễ hội, với nhiều hình thức: Diễn xướng hát then - đàn tính, hát soóng cọ, hát pả dung, thêu thùa thổ cẩm... Trong ẩm thực, người phụ nữ Bình Liêu dù thuộc dân tộc nào cũng là người giữ lửa, giữ gìn, phát huy các món ăn truyền thống của dân tộc mình.
Bằng nhiều cách làm hiệu quả, phụ nữ huyện đã đóng góp tích cực vào nỗ lực tiếp nối mạch nguồn văn hóa truyền thống, bảo vệ những giá trị văn hóa quý báu khỏi nguy cơ bị mai một, lan toả trong đời sống hôm nay.
Đào Linh
Liên kết website
Ý kiến ()