Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 18/11/2024 02:18 (GMT +7)
Chung tay vì nạn nhân chất độc da cam
Thứ 6, 09/08/2024 | 09:48:58 [GMT +7] A A
Sau 63 năm thảm họa da cam, di chứng của chất độc da cam (CĐDC)/dioxin, nhiều người vẫn hằng ngày phải mang trong mình những di họa. Khắc phục hậu quả CĐDC là một vấn đề có ý nghĩa với các nạn nhân, toàn xã hội và cộng đồng. Hành trình xoa dịu nỗi đau da cam trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, vào cuộc kiên trì, bền bỉ, kịp thời nhằm hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần cho các gia đình bị ảnh hưởng.
Vượt lên nỗi đau da cam
Trở về cuộc sống đời thường sau những năm dài cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp bảo vệ đất nước, nhiều CCB bị nhiễm CĐDC/dioxin. Song bằng nỗ lực không ngừng, ý chí vươn lên, phẩm chất của người lính Cụ Hồ, họ luôn tích cực phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc, đóng góp cho quê hương.
Năm 1970, ông Phạm Văn Cát (SN 1946 tại Thái Bình) nhập ngũ, chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ; sau đó chiến đấu giúp đất nước bạn Campuchia. Năm 1976 ông phục viên trở về quê hương, làm việc tại trang trại lợn Đông Mai (TX Quảng Yên), đến năm 1993 thì trang trại giải thể.
Ông đã làm nhiều nghề để có thêm nguồn thu trang trải cuộc sống gia đình. Từ mô hình trồng vải thiều trên diện tích đất đồi trước kia là trang trại lợn Đông Mai, ông từng bước chuyển sang trồng các loại cây ăn quả: Cam, bưởi, na bở, na Đài Loan, hồng…; cho thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng/năm. Nhờ đó ông xây dựng được ngôi nhà khang trang, rộng rãi, tiện nghi để an hưởng tuổi già. Bằng nghị lực phi thường của người lính, ông luôn đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Ông Cát chia sẻ: "Mang trong mình thương tật cùng CĐDC/dioxin, nên mỗi khi trái gió, trở trời, tôi lại đau nhức. Thế nhưng tôi còn may mắn khi các con, cháu của tôi không bị phơi nhiễm CĐDC/dioxin. Đó là nguồn động lực rất lớn để tôi yên tâm phát triển sản xuất...".
Cũng giống như ông Cát, năm 1971 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Nguyễn Quý Nho (SN 1954 tại Bắc Ninh) lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại Lào, chiến trường miền Nam. Đến năm 1977 ông được điều đi học lớp cán bộ quân đội, được phân công công tác tại Ban CHQS huyện Hoành Bồ (nay là Ban CHQS TP Hạ Long), tiếp tục phục vụ trong Quân đội đến năm 1991 thì nghỉ chế độ.
Hành trang của ông khi trở về với đời thường là những ký ức tự hào về một thời hoa lửa, phẩm chất của người chiến sĩ kiên cường, quả cảm trong trận chiến với CĐDC/dioxin. Ông cùng vợ khai hoang, đào ao, thả cá. Từ ao cá ban đầu 500m2, đến nay gia đình ông có trên 10.000m2 nuôi cá. Trang trại của gia đình ông còn có chăn nuôi gà, vịt… mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nhiều năm liền ông vinh dự được nhận danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của các cấp trao tặng. Ông còn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương. Ông có 21 năm (1994-2015) là Trưởng khu 4, thị trấn Trới, huyện Hoành Bồ (nay là phường Hoành Bồ, TP Hạ Long).
Ông Nho chia sẻ: "Để có được ngày hôm nay, vợ chồng tôi cứ vừa học vừa làm, cũng trải qua bao thất bại, mất trắng mấy mùa, rồi mới tích lũy được kinh nghiệm. Trải qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, nên bất cứ người lính nào, dù cuộc sống thường nhật có khó khăn, vất vả đến đâu cũng không đầu hàng. Giờ đây 4 người con của tôi được học hành đầy đủ, việc làm ổn định, gia đình đủ đầy. Đó là niềm hạnh phúc không có gì sánh bằng".
Ở tuổi 70, thương binh hạng 4/4, nạn nhân nhiễm CĐDC/dioxin Nguyễn Văn Cử (khu Bùi Xá, phường Tân An, TX Quảng Yên) vẫn còn nhớ như in những ngày tháng chiến đấu tại chiến trường Tây Nam. Với ông đó là khoảng thời gian phải đối mặt với nhiều hiểm nguy nhưng rất đỗi tự hào của tuổi đôi mươi. Thời gian trong quân ngũ ở nơi chiến trường khốc liệt ấy đã rèn luyện cho ông ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn, gian khổ.
Rời quân ngũ, trở về quê hương, mang trong mình nỗi đau do thương tích của chiến tranh để lại, sức khỏe có phần hạn chế, nhưng ông vẫn hăng say lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Tận dụng lợi thế địa phương, ông Cử đã chủ động tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm trên sách, báo, mạng Internet, tham quan thực tế để thực hiện mô hình nuôi ong lấy mật, nuôi hàu, nuôi hà… Thất bại là không ít, song không khiến ông Cử nản lòng.
Đến nay ông Cử nuôi 100 đàn ong mật, cho thu hoạch từ 4-6 tấn mật/năm, nuôi 1 vạn dây hà, thu hoạch 20 tấn/năm, thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm. Ông Cử tích cực chia sẻ những kinh nghiệm phát triển kinh tế cho người dân địa phương để cùng nhau làm giàu.
Mệnh lệnh từ trái tim!
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện còn trên 4.000 trường hợp nhiễm CĐDC/dioxin. Thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, chia sẻ những mất mát, thấu hiểu những nỗi đau mà những nạn nhân da cam và gia đình của họ phải chịu đựng, những năm qua từ tỉnh đến địa phương đã thực hiện nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ của trung ương, tỉnh dành cho các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, nạn nhân CĐDC/dioxin.
Việc quan tâm chăm lo, hỗ trợ cho nạn nhân CĐDC/dioxin và gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự chia sẻ, chung tay của các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm và cộng đồng.
Ông Đào Xuân Thịnh (SN 1950, khu 3, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long) xuất ngũ trở về năm 1976, mang trong mình những di chứng của chiến tranh. Ông bị phơi nhiễm CĐDC/dioxin, 3 trong số 5 người con của ông lần lượt ra đi, để lại cho vợ chồng ông nỗi đau không nguôi. Đến thế hệ thứ 3, một người cháu trai của ông bị bệnh thần kinh. Bản thân ông sức khỏe yếu, con, cháu bị bệnh, cuộc sống khó khăn. Nhiều năm gia đình ông phải sống trong căn nhà xuống cấp, nằm ở đỉnh đồi, có thể sập đổ bất cứ lúc nào. Trước hoàn cảnh khó khăn đó, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh đã phối hợp với Hội CTĐ, Hội CCB tỉnh vận động các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ 150 triệu đồng hỗ trợ gia đình ông Thịnh được ở trong ngôi nhà mới từ cuối năm 2023.
Ông Thịnh chia sẻ: "Tôi từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ. Từ chiến trường trở về, sức khỏe của tôi giảm sút nhiều, công việc không ổn định, con cháu đau yếu, nên có được ngôi nhà khang trang là mơ ước xa vời đối với gia đình tôi. Được sự quan tâm của các cấp hội, cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm, giờ đây tôi được ở trong căn nhà khang trang, được hưởng đầy đủ chế độ, được tặng quà thường xuyên vào các dịp lễ, Tết. Tôi thực sự cảm ơn các cấp, ngành, đơn vị đã luôn quan tâm, đồng hành, giúp đỡ gia đình tôi".
Hậu quả của chiến tranh vẫn còn hiện hữu. Trong ngôi nhà của CCB Phạm Văn Hẹn (khu Đường Ngang, phường Cộng Hòa, TX Quảng Yên), nỗi đau da cam còn kéo dài đến thế hệ sau. Năm 1985 con gái của ông ra đời, nhưng không may mắn, bị mù 1 mắt, sức khỏe yếu, trí não chậm phát triển. Khi con gái của ông lên 7 tuổi, vợ của ông đã bỏ nhà ra đi, để lại 2 con thơ dại.
Ông thường xuyên đau ốm, con gái chậm phát triển, con trai làm công nhân với đồng lương ít ỏi. Vì vậy mà hơn 40 năm qua gia đình ông vẫn ở trong căn nhà cấp 4 xuống cấp. Trước hoàn cảnh của ông, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin TX Quảng Yên đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ gia đình 80 triệu đồng, cùng sự ủng hộ của họ hàng, làng xóm, người thân xây nhà mới kiên cố, hoàn thành tháng 12/2023.
Ông Hẹn chia sẻ: "Do ảnh hưởng của CĐDC/dioxin cùng với tai nạn lao động, tai biến, sức khỏe của tôi yếu đi nhiều. Bao năm qua, nhờ sự quan tâm của tỉnh và các cấp, gia đình tôi mới có cuộc sống ổn định. Giờ đây được hỗ trợ xây nhà khang trang, tôi có thể yên tâm tới khi nhắm mắt xuôi tay, nhất là con gái tôi đã có một nơi nương náu bình an".
Ông Lê Quang Đãng, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh, cho biết: Hội đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh tuyên truyền, vận động ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân CĐDC theo từng địa bàn, địa chỉ, nạn nhân cụ thể. Từ đầu năm 2024 đến nay, Hội đã huy động được trên 2,3 tỷ đồng để trao tặng quà, tặng thẻ BHYT cho thế hệ thứ 2, thứ 3 của người bị nhiễm CĐDC/dioxin, hỗ trợ sửa chữa nhà ở... Bên cạnh đó Hội vận động các cơ quan, tổ chức ủng hộ, phối hợp trao tặng 265 suất quà, tổng trị giá 102,5 triệu đồng, giúp đỡ các nạn nhân, động viên tinh thần, tạo điểm tựa để họ vươn lên trong cuộc sống. Thời gian tới Hội sẽ triển khai khám sàng lọc dị dạng, dị tật thế hệ thứ 3 bị phơi nhiễm CĐDC/dioxin để phân loại xác định đối tượng cần hỗ trợ, hướng điều trị, phục hồi chức năng; vận động nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ nạn nhân hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp, bị bệnh tật nặng; tẩy độc phục hồi sức khỏe cho nạn nhân; tiếp tục tham mưu, đề xuất với tỉnh chính sách chế độ đối với người hoạt động kháng chiến và con cháu của họ, để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đất nước được hòa bình, độc lập và phát triển như ngày hôm nay, biết bao người lính đã phải hy sinh. Chiến tranh đã đi qua từ rất lâu, nhưng với các nạn nhân CĐDC, “lửa chiến tranh” vẫn ngày đêm âm ỉ. Việc xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện nhân đạo, mà chính là hoạt động thiết thực để đền ơn đáp nghĩa đối với những người có công với đất nước. Hóa giải những tàn dư của cuộc chiến không chỉ là lương tâm, trách nhiệm, nghĩa vụ của cộng đồng mà là tiếng gọi từ trái tim của mỗi người.
Ngày 10/8/1961 là ngày đầu tiên Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam, sử dụng CĐDC/dioxin nhằm triệt hạ nguồn sống của thảm thực vật, sức khỏe của LLVT và nhân dân Việt Nam. Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ xúc tiến ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất và gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.
Ngày 10/8 hằng năm được lấy là Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, để nhắc nhở mọi người về một thảm họa đối với môi trường và sức khỏe con người, đồng thời kêu gọi cộng đồng xã hội chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.
|
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()