Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:05 (GMT +7)
Chung tay vì người nghèo
Thứ 2, 18/12/2023 | 06:37:09 [GMT +7] A A
Tỉnh Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm chăm lo đặc biệt cho nhân dân, nhất là người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hoàn cảnh khó khăn. Tất cả vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân.
Những món quà ý nghĩa
Khe O là thôn xa của xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu), có 90% dân số là đồng bào dân tộc Dao. Khe O bao quanh bởi ruộng nương, núi đồi và những rừng quế, hồi, keo, khiến mùa đông ở Khe O dường như lạnh hơn. Từ trung tâm xã tới Khe O là con đường bê tông nhỏ, quanh co, uốn lượn, khiến việc đi lại của người dân khá vất vả.
Thôn hiện có 28 hộ dân/212 nhân khẩu. Người dân phần lớn làm nông, đi rừng, thu nhập còn bấp bênh. Cuộc sống còn nhiều lo toan, vất vả, niềm mong mỏi con em có cuộc sống đủ đầy, ấm cúng là trăn trở của nhiều hộ dân.
Nhằm chia sẻ với những khó khăn của người dân nơi đây, nhiều đoàn thiện nguyện đã chọn Khe O là điểm đến cho hành trình của mình. Vượt hàng trăm cây số, qua con đường bê tông uốn lượn quanh những ngọn đồi, leo từng con dốc, những món quà thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân đã đến tận tay từng người. Đó là áo ấm, chăn ấm, ba lô, cặp sách, quyển vở, thùng mì tôm, hay có khi chỉ là chú gấu bông xinh xắn, có giá trị vật chất không lớn, nhưng với trẻ em và người dân nơi đây thực sự có ý nghĩa.
Trần Phương Linh (11 tuổi, thôn Khe O) chia sẻ: "Bố mẹ em làm nông nghiệp, nhà em đông anh em, hoàn cảnh khó khăn. Vừa qua em rất vui được các anh chị trong đoàn thiện nguyện của Đài Truyền hình Việt Nam (THVN) và Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đến thăm, tặng quà áo ấm, đồ dùng học tập, balo... Em sẽ luôn cố gắng học tập tốt, giúp đỡ bố mẹ, tích cực tham gia các hoạt động để trở thành người có ích".
Nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn xã Lục Hồn ngày càng được chăm lo, đủ đầy và sung túc hơn. Vy Thị Đoan (thôn Bản Chuồng) có bố phải chạy thận nhiều năm, mọi chi tiêu của gia đình phụ thuộc vào mấy sào ruộng do một tay mẹ em cày cấy. Nhận được món quà ý nghĩa của đoàn thiện nguyện Đài THVN và Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh với số tiền 2 triệu đồng đã mang lại niềm vui không nhỏ cho cô bé.
Đoan chia sẻ: "Thời gian qua em luôn nhận được sự quan tâm của các bác, cô, chú, anh, chị ở xã và các đoàn thiện nguyện. Sự quan tâm đó đã giúp em và gia đình vơi bớt khó khăn. Em cảm ơn sự hỗ trợ của mọi người dành cho em".
Mả Thị Tâm (thôn Cao Thắng, xã Lục Hồn) thì chia sẻ: "Em sinh ra đã mắc bệnh chân voi, nên đi lại khó khăn. Bố mẹ em làm nông nghiệp, thu nhập thấp. Mỗi dịp Tết đến, em nhận được nhiều món quà tặng ý nghĩa như áo ấm, học bổng, đồ dùng học tập... Những món quà này sẽ giúp em yên tâm học tập, tiếp tục đến trường, hoàn thành ước mơ của mình".
Trong cuộc sống hối hả, tất bật và vội vã, những chuyến thiện nguyện, những món quà nhỏ, những yêu thương được trao đi bỗng khiến người ta sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn.
Đưa nước sạch về vùng cao
Nằm xa trung tâm xã, địa hình phức tạp, người dân thưa thớt, nhiều năm nay người dân thôn Thành Công (xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ) phải sử dụng nguồn nước từ khe suối. Mùa khô, người dân thôn phải băng rừng, vượt đèo, lội suối để mang về từng gánh nước sinh hoạt.
Tiếp nhận kiến nghị này của người dân, huyện Ba Chẽ đã phân công cán bộ khảo sát địa bàn; lên phương án đầu tư xây dựng công trình cung cấp nước sạch sinh hoạt trên địa bàn xã Thanh Sơn, đầu tư đồng bộ tuyến ống cung cấp nước sạch đến các hộ dân 2 thôn là Thành Công và Khe Lọng Ngoài.
Bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của TKV và ngân sách địa phương, huyện Ba Chẽ đã đầu tư xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình cấp nước sạch sinh hoạt tại xã Thanh Sơn từ cuối tháng 10/2023. Công trình có tổng kinh phí trên 60 tỷ đồng, gồm: Trạm xử lý nước, đường ống dẫn nước, đồng hồ... Đáng chú ý, địa phương đã đầu tư lắp đặt đường ống dẫn nước từ trạm xử lý nước tới từng hộ dân. Nhờ đó đến nay, 130 hộ dân của 2 thôn Thành Công và Khe Lọng Ngoài của xã đã được sử dụng nước sạch sinh hoạt, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân từ nhiều năm nay.
Chị Triệu Thị Dung (thôn Thành Công) chia sẻ: Mỗi khi khô hạn, nhất là mùa đông, người dân phải băng qua những cánh rừng dưới cái lạnh thấu xương để gánh từng xô nước. Giờ đây, được Nhà nước quan tâm đầu tư, người dân không còn sống trong nỗi lo thiếu nước, nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt vào mùa đông, các gia đình đã có nước nóng để phục vụ sinh hoạt.
Bằng nhiều nguồn lực, đến nay đã có hàng trăm công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân, nhất là khu vực miền núi, vùng cao, biên giới của tỉnh được đầu tư, đưa vào sử dụng, không chỉ đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân, đảm bảo sức khỏe, nuôi dưỡng thế hệ tương lai, mà còn là sự quan tâm chăm lo của các cấp ủy, chính quyền vì mục tiêu hạnh phúc của nhân dân.
Do dân số ít, nằm thưa thớt, địa hình phức tạp, trước đây 28 nóc nhà của người dân thôn Khe O (xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu) quanh năm “trông trời, trông đất” mong cho mưa thuận, gió hòa, để cho khe suối quanh năm không cạn, người dân có nước sinh hoạt. Tết năm nay chắc chắn Khe O sẽ vui hơn bởi người dân đã có nước hợp vệ sinh sử dụng thường xuyên.
Bằng nguồn xã hội hóa, Đoàn Thanh niên Đài THVN và Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã ủng hộ kinh phí 45 triệu đồng cho thôn Khe O để lắp đặt téc nước, đường ống dẫn nước tới từng hộ dân.
Anh Choỏng Quay Sinh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe O, phấn khởi cho biết: Khe O trước đây có nhiều chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm sát nơi ở, sát nơi nấu ăn, bãi chăn thả nằm giữa thôn, dọc tuyến đường là chất thải của vật nuôi. Cả thôn mùi xú uế, có rất nhiều ruồi, muỗi. Từ những nỗ lực rất lớn, Khe O đã có “chung cư” cho trâu bò, là những dãy chuồng được xây dựng tập trung, cách xa khu dân cư. Chất thải chăn nuôi được bà con thu dọn về cánh đồng, sử dụng chế phẩm để ủ hoai mục, phục vụ cấy trồng. Từ một "điểm nóng" về ô nhiễm môi trường nông thôn, Khe O nay trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách. Người dân đã đủ nước sinh hoạt, không còn nỗi lo về thiếu nước.
Bằng nhiều cách làm, mỗi người dân của tỉnh hôm nay đang thực sự được thụ hưởng thành quả của sự phát triển, được quan tâm chăm lo, nhất là các hộ nghèo, đối tượng chính sách.
Hiểu Trân
Liên kết website
Ý kiến ()