Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:21 (GMT +7)
Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau
Thứ 3, 09/07/2024 | 06:10:24 [GMT +7] A A
6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giảm 121 hộ nghèo và 828 hộ cận nghèo xét theo tiêu chí đa chiều của tỉnh (tại Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND). Tổng chi an sinh xã hội 6 tháng của tỉnh cũng đạt gần 1.144 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước... Những con số tích cực này càng thêm khẳng định về sự quyết tâm và hiệu quả trong hành động của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp của Quảng Ninh, với mục tiêu đảm bảo mỗi người dân được hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau.
Cộng đồng thấu hiểu, chung tay
Trong cuộc sống, ai cũng đều mong muốn có cho mình một mái ấm an cư. Nhưng vì xây nên một căn nhà vững chãi, khang trang, được xem là việc đại sự của cả đời người, nên có nhiều hoàn cảnh vì quá khó khăn mà không thể tự mình thực hiện được ước nguyện ấy. Để góp phần đảm bảo an sinh xã hội, những năm qua MTTQ các cấp trong tỉnh và các tổ chức thành viên duy trì thực hiện hiệu quả công tác hỗ trợ xóa nhà ở xuống cấp, dột nát phát sinh trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Mặt trận tổ quốc đã phát huy vai trò trung gian, vừa tiến hành rà soát, lựa chọn đúng người cần hỗ trợ, không chồng chéo trong thực hiện chính sách. Đồng thời vừa là kênh kết nối tới các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, giúp lựa chọn hình thức hỗ trợ phù hợp nhất, không chậm trễ, không lãng phí nguồn lực.
Với cách làm bài bản như vậy, nhiều đơn vị doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã rất yên tâm đồng hành cùng với các hoạt động hỗ trợ xây, sửa nhà cho hộ nghèo được triển khai. Cụ thể hóa thành các công trình mang tên gọi như nhà Đại đoàn kết, Nhà tình nghĩa, Mái ấm công đoàn... Và trong 6 tháng đầu năm nay, tiếp tục có thêm 29 trường hợp trên địa bàn tỉnh được MTTQ và các đoàn thể vào cuộc hỗ trợ, trao 40 triệu đồng cho mỗi nhà sửa chữa và 80 triệu đồng cho mỗi căn nhà xây mới. Đồng thời có 10 hộ được hỗ trợ kinh phí để xây nhà tiêu hợp vệ sinh, đảm bảo tiêu chí xây dựng NTM cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa, đồng bào DTTS.
Để thực hiện giảm nghèo bền vững trên địa bàn, Quảng Ninh đã nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng chương trình giảm nghèo thông qua việc ban hành nghị quyết của cấp ủy về giảm nghèo. Trong đó, gắn trách nhiệm người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo trên địa bàn. Đặc biệt, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp; xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các chủ trương, chính sách, phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN, giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác giảm nghèo, về thực hiện các chính sách giảm nghèo.
Với đặc thù địa phương, Thành ủy Móng Cái đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU (ngày 9/8/2021) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội trên địa bàn TP Móng Cái đến năm 2025” để huy động sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Trong đó xác định ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách để đầu tư cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền để công tác đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội được thực hiện công khai minh bạch, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, không để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật... Thành phố đã hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các ngành dịch vụ, du lịch; chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn và thu hút tuyển dụng lao động vào KCN.
Còn tại huyện vùng cao, miền núi như Bình Liêu, việc hỗ được tiến hành trên cơ sở khảo sát chặt chẽ nhu cầu, nguyện vọng, điều kiện thực tế của từng trường hợp. Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo được mở rộng theo chuẩn nghèo mới của tỉnh trên địa bàn huyện Bình Liêu được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất; hưởng hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo như việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh, thông tin truyền thông... Qua đó đã giúp các hộ gia đình tiếp tục có cơ hội tăng thu nhập, có cuộc sống ổn định hơn.
Tại các địa phương, cơ sở khác của tỉnh cũng ghi nhận tinh thần quyết tâm, chủ động, sáng tạo trong an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau. Điểm chung nhất trong những nỗ lực ấy là những cơ chế, chính sách, nguồn lực của Nhà nước chỉ đóng vai trò khuyến khích, hỗ trợ để khơi dậy động lực vươn lên của người dân. Đồng thời, trách nhiệm của cán bộ địa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong phân bổ nguồn lực, không chồng chéo; triển khai thực hiện chính sách kịp thời, đúng đối tượng, không chậm trễ, không bỏ sót. Cụ thể như: Hỗ trợ giới thiệu học nghề, đào tạo việc làm tại chỗ để phát triển sản xuất, kinh doanh sau học nghề; hỗ trợ vốn vay ưu đãi để chăn nuôi hay đầu tư buôn bán; thiếu tư liệu sản xuất thì được hỗ trợ cây trồng, con giống, đất đai, tư vấn mô hình sinh kế phù hợp; khó khăn về nhà ở thì được hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết, nhà Mái ấm tình thương... để yên tâm an cư lạc nghiệp.
Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” được Thủ tướng Chính phủ phát động từ năm 2016. Kể từ đó tới nay, bằng nhiều giải pháp cụ thể, Quảng Ninh đã huy động được sự chung tay của cả cộng đồng với sự thấu hiểu, chia sẻ sâu sắc, giúp người nghèo có thêm niềm tin, động lực để vươn lên trong cuộc sống, hướng về một tương lai tốt đẹp hơn.
Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân
Thực tế cho thấy, tỉnh Quảng Ninh thực sự quyết tâm hành động để kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với thực hiện tốt chính sách xã hội, đảm bảo mọi sự phát triển đều hướng về mục đích vì hạnh phúc của nhân dân. Các nghị quyết của HĐND tỉnh về an sinh xã hội đã được ban hành, triển khai thực hiện hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho cử tri và nhân dân. Đơn cử như tại Kỳ họp thứ 13 (diễn ra vào tháng 3/2023), HĐND tỉnh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND “Quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025”, với mức áp dụng riêng của tỉnh cao hơn Trung ương đề ra. Hơn 1 năm triển khai, Nghị quyết đã có những tác động quan trọng tới đời sống nhân dân toàn tỉnh, đúng với mục tiêu được xác định ngay từ ban đầu là tạo điều kiện cho những hộ dân còn khó khăn tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của tỉnh. Nhiều trường hợp người khó khăn, yếu thế, nhờ được “bao phủ” chính sách theo quy định của tỉnh mà được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất; hưởng hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh, thông tin truyền thông... Qua đó đã giúp các hộ gia đình tiếp tục có cơ hội tăng thu nhập, có cuộc sống ổn định hơn.
Tiếp tục phát huy tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, mới đây tại Kỳ họp thứ 18 (diễn ra vào tháng 4/2024), HĐND tỉnh khóa XIV tiếp tục ban hành Nghị quyết số 35/2024/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ đóng BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo, hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2024-2025. Theo đó, các trường hợp thuộc diện cận nghèo theo chuẩn áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 sẽ được hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHYT ngoài mức hỗ trợ quy định tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Còn các hộ thuộc diện làm nông, lâm, ngư nghiệp mà có mức sống trung bình, sẽ được hỗ trợ thêm 50% mức đóng BHYT ngoài mức hỗ trợ quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ, tương ứng với việc hưởng 80% mức đóng BHYT. Như vậy, trong năm 2024 và 2025, tỉnh Quảng Ninh sẽ dành khoảng 87 tỷ đồng để hỗ trợ BHYT theo Nghị quyết số 35. Đây được xem là giải pháp quan trọng, góp phần hoàn thành chỉ tiêu mà tỉnh đề ra là đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 95,75% dân số đến năm 2025.
Ở mỗi thời điểm, mỗi giai đoạn, tỉnh tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, quyết nghị và đưa ra các chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn để triển khai đạt hiệu quả cao nhất. Theo thống kê, tổng chi an sinh xã hội năm 2023 của tỉnh thực hiện 1.437 tỷ đồng, tăng 257 tỷ đồng so với năm 2022. Thì trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng chi an sinh xã hội 6 tháng của tỉnh đã đạt gần 1.144 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, toàn tỉnh còn 125 hộ nghèo và gần 2.200 hộ cận nghèo xét theo tiêu chí đa chiều của tỉnh (tại Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND). Công tác an sinh, phúc lợi xã hội luôn được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm, triển khai đầy đủ, đồng bộ các chế độ, chính sách đối với gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo không có khả năng lao động, đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo.
Chất lượng đời sống nhân dân Quảng Ninh cũng tiếp tục được cải thiện rõ rệt trong những tháng vừa qua, thể hiện trên những con số tích cực khác như: Toàn tỉnh tạo việc làm tăng thêm cho gần 17.400 lượt lao động, tăng hơn 7.800 lượt người so với cùng kỳ 2023; có 141/177 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2030; hỗ trợ chênh lệch học phí cho trên 188.000 lượt đối tượng, kinh phí dự toán 261,5 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/2024/NQ-HĐND của HĐND tỉnh... Có thể thấy, những hành động quyết liệt của tỉnh Quảng Ninh trong công tác giảm nghèo, an sinh xã hội đã mang lại hiệu quả thực chất, góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Các sở, ngành, đoàn thể trong tỉnh tích cực hưởng ứng và triển khai các chương trình hỗ trợ hội viên, người dân giảm nghèo bền vững với nhiều mô hình phong phú. Tiêu biểu như: Hội LHPN tỉnh nhận giúp đỡ 400 hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo; phối hợp với các đồn biên phòng hỗ trợ phụ nữ vùng đồng bào DTTS, vùng giáp biên; LĐLĐ tỉnh tổ chức hiệu quả các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, trợ cấp cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động và ủng hộ xây dựng “Mái ấm Công đoàn"; Bộ CHQS tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Quân đội chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau"; Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn và các cháu trong Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”; Hội Nông dân tỉnh và các địa phương đã giải ngân hơn 80 tỷ đồng hỗ trợ 1.300 hộ hội viên nông dân vay vốn đầu tư phát triển các dự án sản xuất kinh doanh...
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()