4
240
/
1100227
Chúng tôi đã thành F0
longform
Chúng tôi đã thành F0

My default image

Trong cuộc chiến chống dịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, lực lượng y tế đã phải chịu tổn thất nặng nề khi có đến gần 1.000 cán bộ, nhân viên y tế bị phơi nhiễm Covid-19 trong khi làm nhiệm vụ. Trong số đó, có những y bác sĩ, điều dưỡng của Quảng Ninh tham gia chống dịch ở thành phố mang tên Bác.

Từ những người chữa bệnh trở thành thành người bệnh, những y bác sĩ F0 đã vận dụng những kiến thức được trang bị để tự chăm sóc bản thân, đáp ứng với phác đồ điều trị của đồng nghiệp. Họ đều đồng lòng, quyết tâm vượt qua bệnh tật để sớm quay lại chiến đấu với dịch bệnh. Có thể thấy rất rõ điều đó qua lời kể của bác sĩ Nguyễn Mạnh Hà, Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, trong những ngày “đặc biệt” tại Bệnh viện dã chiến số 12, TP Hồ Chí Minh.

Anh kể: Tôi vẫn nhớ rất rõ giọng nói nghẹn lại của anh Tiến - Trưởng đoàn công tác những ngày đầu vào TP Hồ Chí Minh khi thông báo: “16 người có kết quả phơi nhiễm dương tính virus SARS-CoV-2”. Đó là ngày 23/7, sau hơn chục ngày chúng tôi chiến đấu với Covid-19 thì chúng tôi trở thành F0. Dẫu biết khi xung phong vào tuyến đầu, khả năng lây nhiễm sẽ rất cao nhưng tôi không nghĩ điều này lại đến quá nhanh như vậy. Có lẽ là bởi chủng virus SARS-CoV-2 lần này lây rất nhanh, rất mạnh, lan rất rộng mà chúng tôi lại làm việc trong môi trường mật độ virus dày đặc, thực hiện chăm sóc và tiếp xúc trực tiếp với hàng trăm ca F0 mỗi ngày thì việc nhiễm Covid-19 chỉ là sớm hay muộn.

7 rưỡi tối hôm đó, không phải tất bật với những dây diện, bình ô-xy xung quanh bệnh nhân như mỗi ngày, chúng tôi cởi bỏ đồ bảo hộ kín mít, lặng lẽ dọn đồ đến khu cách ly người bệnh Covid-19. Tôi nhớ như in cảm giác khi đi trên lối riêng vào khu cách ly với mùi thuốc sát khuẩn, khử trùng xộc lên mũi, thật sự đáng sợ.

Không phải vội vã như mỗi ngày nay, càng tới gần khu cách ly, bước chân chúng tôi có cảm giác vô cùng nặng nề, tôi càng hiểu thêm nỗi cô đơn của bệnh nhân, nhất là những người phải cách ly một mình tại bệnh viện. Nhưng ở đây, chúng tôi may mắn hơn vì luôn có những người đồng nghiệp sát cánh ở bên.

Trực tiếp điều trị, chăm sóc cho các bệnh nhân Covid-19, nhưng khi bản thân bị bệnh, tôi mới thấu hiểu hết sự đau đớn của họ. Đến giai đoạn cơ thể đấu tranh với virus, chúng tôi yếu hơn, sốt, đau họng và ho. Một vài đồng nghiệp của tôi dần mất đi khứu giác, vị giác, người mệt rã rời.

Phần Thị Thu, một đồng nghiệp trong đoàn của chúng tôi vì sức khỏe yếu hơn nên triệu chứng bệnh cũng nặng hơn. Thu bị những cơn tức ngực hành hạ, sốt liên tục nhiều ngày và phải chuyển xuống khu cấp cứu để thở máy và giám sát kỹ hơn. Tuy nhiên, tình hình sức khỏe của Thu ngày càng trở nặng, bị viêm phổi và nhanh chóng được chuyển lên cấp cứu điều trị tại BV Chợ Rẫy.

Mỗi ngày sau đó, chúng tôi mong ngóng tin nhắn của đồng nghiệp thông báo tình hình sức khỏe của Thu. Sẽ là dối lòng nếu nói chúng tôi không lo lắng, bồn chồn nhưng không vì thế mà chúng tôi nhụt chí. Bản thân là nhân viên y tế, đã được tiêm vắc-xin nên chúng tôi luôn động viên nhau, và tự tin mình vượt qua được khó khăn này.

Ngày qua ngày, 2 người trong một phòng cách ly, chúng tôi tự chăm sóc nhau, cùng nhau tập thể dục, cố gắng tập thở để không phải dùng đến máy thở. Chúng tôi cố gắng vận động, nằm nghiêng, nằm sấp, thử mọi cách để tập hít thở. Đó là lúc bản thân tôi cần nỗ lực, ý chí hơn cả. Đồng đội ai cũng lo lắng, hỏi han, nấu cháo để trước cửa phòng rồi gọi chúng tôi ra lấy để bồi bổ, nhanh chóng phục hồi sức khỏe…

Thật không dễ dàng gì khi trở thành bệnh nhân, nhất là khi đồng đội vẫn đang nỗ lực chiến đấu ngoài kia. Bởi vậy, trong những lúc bản thân cũng rơi vào vòng xoáy của dịch bệnh, cũng mang trong mình virus và trở thành bệnh nhân, song trong mỗi chúng tôi không ai có suy nghĩ từ bỏ. Ngay cả khi nghe tin hàng nghìn nhân viên y tế phơi nhiễm, có người đã tử vong khiến chúng tôi rất buồn nhưng vẫn dặn mình phải luôn sẵn sàng trong mọi tình huống.

Những ngày cách ly cùng nhau, chúng tôi bảo nhau không để xuống tinh thần, bởi công việc đang còn phía trước. Chúng tôi lại tiếp tục lao vào guồng quay ăn uống đầy đủ, tập thể dục, tập hít thở để bổ trợ lượng oxy cho phổi.

Thật may mắn vì trải qua 10 ngày, đến ngày 4/8, 14 y bác sĩ chúng tôi nhanh chóng có kết quả xét nghiệ âm tính và trở lại với những công việc trước đó. Chúng tôi hỏi thăm sức khỏe của Thu qua những đồng nghiệp ở Bệnh viện Chợ Rẫy thì được biết, Thu đang dần bình phục và cũng chỉ xuất viện vài ngày sau đó, trở về cùng đoàn tiếp tục nhiệm vụ.

Chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy hối hận khi tham gia chống dịch, nhưng cũng có lúc thấy sợ. Nỗi sợ đó không lớn bằng trách nhiệm mình dành cho nghề, cho chiếc áo blouse trắng đang mang trên người. Chúng tôi muốn cống hiến nhiều hơn nữa. Và cuối cùng, chúng tôi đã chiến thắng để lại tiếp tục được cống hiến.

Covid-19 thật đáng sợ, nó có thể cướp đi sinh mệnh của một con người bất cứ lúc nào và chính chúng tôi - những người đã đương đầu trải qua khoảnh khắc đáng sợ ấy càng thấu hiểu và thấm thía nỗi đau của bệnh nhân, để thêm quyết tâm thêm nỗ lực trong trận chiến gian khổ với đại dịch. Chúng tôi không sợ mệt mỏi, không sợ nguy hiểm cho bản thân, chỉ sợ bệnh nhân không đồng lòng, không cố gắng. Bởi vậy, mỗi người dân hãy cùng sát cánh và đồng hành cùng chúng tôi – những lực lượng tuyến đầu để chiến thắng “giặc” Covid-19.


Những ngày đầu ở tâm dịch
Giữa cái nắng tháng 7 của miền Bắc như đổ lửa, chia xa gia đình, đồng nghiệp, Đoàn y tế Quảng Ninh với hơn 70 y, bác sĩ đã lên đường, xông pha vào các bệnh viện dã chiến, vào tâm dịch TP Hồ Chí Minh để tham gia cứu chữa cho các bệnh nhân Covid-19…
   
"Cuộc chiến" ở khu cấp cứu
Cuộc chiến giành giật sự sống đã trở nên quá căng thẳng trong tâm dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh, nhất là ở những khu cấp cứu. Giữa lằn ranh sống - chết mong manh ấy, những chiến sĩ áo trắng chính là những người nỗ lực đến cùng, giữ từng nhịp thở, giữ lại mạng sống cho người bệnh.
   
Những chuyến xe chạy đua với “tử thần”
Hơn 2 tháng với hàng ngàn bệnh nhân điều trị, rất nhiều người, rất nhiều kỷ niệm trong cuộc chiến chống lại kẻ thù Covid-19 tại tâm dịch TP Hồ Chí Minh đã đi vào ký ức của những y, bác sĩ tình nguyện Quảng Ninh.
   
Nơi yêu thương gửi về
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh, Đoàn y tế tình nguyện của Quảng Ninh không hề cô đơn mà có sự đồng hành, sự ủng hộ của tỉnh và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
   
"Lỡ hẹn" với quê hương để ở lại tuyến đầu
Trong gần 3 tháng qua, hơn 70 cán bộ, nhân viên y tế của Quảng Ninh đã kề vai, sát cánh cùng lực lượng y tế của TP Hồ Chí Minh và các đoàn tình nguyện từ các tỉnh, thành trong cả nước chiến đấu với đại dịch Covid-19 tại đây.
   

Thực hiện: Lưu Linh

Kỹ thuật đồ họa: Hùng Sơn