Giữa cái nắng tháng 7 của miền Bắc như đổ lửa, chia xa gia đình, đồng nghiệp, Đoàn y tế Quảng Ninh với hơn 70 y, bác sĩ đã lên đường, xông pha vào các bệnh viện dã chiến, vào tâm dịch TP Hồ Chí Minh để tham gia cứu chữa cho các bệnh nhân Covid-19…
Bệnh viện thu dung số 6 với sức chứa 21.000 giường bệnh là nơi đầu tiên Đoàn Quảng Ninh được phân công thực hiện nhiệm vụ. Bệnh viện được chuyển đổi công năng từ khu chung cư tái định cư Thủ Thiêm đã lâu không sử dụng, nên mọi thứ đều ngổn ngang, xuống cấp. Do bối cảnh dịch bệnh vô cùng phức tạp nên tất cả những phương tiện cá nhân cũng như trang thiết bị chăm sóc bệnh nhân tại nơi đây hết sức thiếu thốn. Không quản ngại khó khăn, Đoàn Y tế Quảng Ninh bắt tay ngay vào việc triển khai từng công việc, dần hoàn thiện các quy trình khám, chữa bệnh và cố gắng làm được những điều tốt nhất cho bệnh nhân trong điều kiện hiện có. Chỉ 1 ngày sau khi đến với Bệnh viện thu dung số 6 , ngày 15/7, Đoàn đã thực hiện tiếp đón sàng lọc, điều trị lâm sàng và cấp cứu những bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên.
Nhớ lại những ngày đầu tại Bệnh viện thu dung số 6 , nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Ngà, BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, chia sẻ: Từng tham gia truy vết, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trong đợt dịch tại TX Đông Triều và nhiều nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nên tôi nhận thức rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh cũng như sự vất vả của các lực lượng trong chống dịch. Tuy nhiên, vào tâm dịch TP Hồ Chí Minh, số lượng bệnh nhân tăng nhanh và chuyển nặng theo ngày, tôi mới thấy hết được sự nguy hiểm và khốc liệt của dịch bệnh. Những ngày đầu cũng khá hồi hộp, lo lắng vì chưa từng điều trị cho bệnh mắc Covid-19, nhất là những bệnh nhi, có cháu nhỏ chỉ vài ngày tuổi nhưng chúng tôi đã nhanh chóng bắt nhịp. Ngay ngày đầu tiên đến đảm nhận công việc, Đoàn đã tiếp nhận gần 100 bệnh nhân. Tất cả bác sĩ, điều dưỡng phải làm việc đến 2 giờ sáng hôm sau thì mọi việc mới ổn định.
Tại Bệnh viện thu dung số 6 , Đoàn đã tham gia công tác theo dõi, chăm sóc, điều trị cho gần 1.000 trường hợp F0. Họ vừa chữa trị, vừa chăm sóc, vừa động viên bệnh nhân để chiến thắng dịch bệnh và động viên lẫn nhau để cùng vượt qua sự khác biệt, cũng như những khó khăn về điều kiện sinh hoạt. Tinh thần chống dịch, hết lòng vì người bệnh, luôn hiện hữu và lan tỏa khi Đoàn Y tế Quảng Ninh tham gia hỗ trợ chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. Ngày nào cũng vậy, cứ vào ca trực, không chỉ điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Ngà mà rất nhiều nhân viên y tế của Quảng Ninh đã tự tay viết những dòng chữ: “Nếu ai cũng sợ thì ai sẽ đi chống dịch? Đất nước này sẽ ra sao? Tôi yêu Việt Nam! Tôi yêu Sài Gòn!”… lên trên bộ quần áo bảo hộ để động viên nhau cùng cố gắng. Dần dần những ngày tháng làm việc liên tục, ăn không đúng bữa, ngủ chưa tròn giấc đã trở thành bình thường với các y bác sĩ, điều dưỡng trong Đoàn.
Đến ngày 21/7, Đoàn thầy thuốc tình nguyện Quảng Ninh chuyển sang thực hiện nhiệm vụ tại BV dã chiến số 12 cho đến nay. Bệnh viện “tọa lạc” tại phường An Khánh, TP Thủ Đức – địa bàn có số ca bệnh nhiễm Covid-19 nhiều nhất tại TP Hồ Chí Minh. Nơi đây được bố trí như một trận địa phòng chống “giặc” Covid-19 với quy mô 4.000 giường bệnh từ khu nhà tái định cư với 6 Block nhà cao 17 và 24 tầng. Ngay khi được phân công phụ trách 3 Block A, B, C, Đoàn Quảng Ninh đã nhanh chóng xây dựng quy trình làm việc, tổ chức phân công nhân lực làm việc tại các bộ phận, khu vực như: Cấp cứu, khám sàng lọc, khu lâm sàng, hành chính, kiểm soát nhiễm khuẩn, hậu cần… Đoàn Quảng Ninh khi ấy đã được bổ sung thêm nhân lực là 5 cán bộ y, bác sĩ của BV Sản nhi.
Ngày 10/8, những bệnh nhân đầu tiên đã được chuyển vào khu điều trị của Đoàn y tế Quảng Ninh và cũng chỉ một tuần sau lượng bệnh nhân đã tăng lên con số hơn 1.000 người. Từ một khu nhà tái định cư đã bỏ hoang gần chục năm nay giờ đã trở thành khu điều trị cho hàng nghìn ca F0. Điều dưỡng Bùi Bích Hạnh, BVĐK tỉnh, chia sẻ: Khi mới vào nhận nhiệm vụ tại TP Hồ Chí Minh, tôi thực sự choáng ngợp bởi số giường bệnh và bệnh nhân nhiễm Covid lên tới hàng nghìn ca. Được phân công tại bộ phận đón tiếp sàng lọc, lâm sàng, trực đường dây nóng 24 giờ, chúng tôi liên tục nhận điện thoại và tin nhắn của bệnh nhân. Chỉ cần bệnh nhân gọi thắc mắc hoặc cần hỗ trợ, giúp đỡ, chúng tôi lập tức mặc quần áo bảo hộ lên phòng bệnh, đo huyết áp, nhịp thở, nồng độ ô-xy bão hòa trong máu, rồi báo cho bác sĩ và làm theo y lệnh.
Bất kể ngày hay đêm, tất cả y, bác sĩ tại các khu vực trong BV dã chiến luôn tất bật. Họ luôn tay, luôn chân không hề ngưng nghỉ. Dường như họ đang phải chạy đua với thời gian, chỉ được phép tăng tốc chứ không thể dừng lại. Bởi giờ đây họ chính là chỗ dựa vững chắc nhất, tin tưởng nhất, túc trực bên mỗi bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân nặng mỗi ngày. Họ đã phải nỗ lực rất nhiều, phải trực trong phòng cấp cứu 8 tiếng đồng hồ, giành giật từng giây từng phút để giành lại sự sống cho người bệnh. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thành, BVĐK Khu vực Cẩm Phả, chia sẻ: Vốn là một bác sĩ hồi sức, công việc cũng rất vất vả, nhưng khi tham gia hỗ trợ chống dịch ở đây, tôi vẫn giật mình trước những việc đang xảy ra trước mắt. Ngay trong tuần đầu tiên tại BV dã chiến số 12, gần 30 giường bệnh hồi sức với các bệnh nhân Covid-19 nằm kín, có bệnh nhân nào tỉnh táo đâu. Anh em lại động viên nhau cố gắng làm thật tốt, cố gắng giữ an toàn cho bản thân để tiếp tục “đánh giặc”. Tour này đuối sức thì tour khác đẩy tour lên sẵn sàng thay nhiệm vụ. Dù vất vả thế nào, chúng tôi cũng không bao giờ bỏ bệnh nhân.
Những ngày đầu tại các BV dã chiến là những ngày cực kỳ cam go, khốc liệt trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Trong những ngày này, số bệnh nhân vào viện liên tục tăng. Cường độ, áp lực công việc lớn, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ, nhân viên y tế của Đoàn còn trở thành những nhân viên hậu cần, chạy nhiều hơn đi, lấy từng hộp cơm, viên thuốc để đưa tới bệnh nhân, thậm chí kiêm luôn cả nhiệm vụ dọn dẹp, đổ rác… Đội ngũ thầy thuốc Quảng Ninh đã bỏ nhiều công sức, mồ hôi, nước mắt trong điều kiện làm việc căng thẳng, đồng thời cũng gác lại tình cảm riêng tư và chấp nhận những nguy cơ lây nhiễm bệnh khi vây quanh là F0. Những hy sinh thầm lặng đó xuất phát từ y đức của người thầy thuốc, từ tình cảm đồng bào và từ quyết tâm khống chế dịch bệnh để thành phố Hồ Chí Minh mau khỏe, để cộng đồng được an toàn.
Thực hiện: Lưu Linh
Kỹ thuật đồ họa: Hùng Sơn