4
18
/
1100236
"Cuộc chiến" ở khu cấp cứu
longform
"Cuộc chiến" ở khu cấp cứu

Cuộc chiến giành giật sự sống đã trở nên quá căng thẳng trong tâm dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh, nhất là ở những khu cấp cứu. Giữa lằn ranh sống - chết mong manh ấy, những chiến sĩ áo trắng chính là những người nỗ lực đến cùng, giữ từng nhịp thở, giữ lại mạng sống cho người bệnh.

Khu cấp cứu của Bệnh viện dã chiến số 12, nơi đoàn thầy thuốc tình nguyện Quảng Ninh đang làm việc, luôn có khoảng 15-20 bệnh nhân nặng chuyển từ Khu lâm sàng sang. Mỗi người trong số họ có mức độ, triệu chứng tiến triển bệnh khác nhau. Nhưng hầu hết đều dễ diễn biến bệnh nhanh. Bởi vậy, việc giữ cho bệnh nhân thở được chính là cuộc chiến để đem lại sự sống cho họ.

Ca trực đêm đó, bác sĩ Tạ Văn Tùng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, vẫn còn nhớ như in ca bệnh đột ngột chuyển suy hô hấp nặng. Bệnh nhân vào viện 1 tuần, đã dùng thuốc và nhiều biện pháp trong những ngày qua nhưng diễn tiến bệnh mỗi ngày một nặng hơn. Từ thở oxy mask, bệnh nhân đã được chuyển sang thở máy HFNC trên nền bệnh lý tim mạch, bệnh lupus ban đỏ và cả huyết áp. 

Chỉ số SPO2 của bệnh nhân giảm quá thấp đột ngột khiến các bác sĩ, điều dưỡng của toàn đội được huy động nhanh chóng. Cả nhóm gồm hơn chục bác sĩ, điều dưỡng ngay lập tức hội chẩn. Những mệnh lệnh liên tục được phát ra: “Tăng lượng cung oxy ngay cho bệnh nhân!”; “Chuẩn bị oxy hỗ trợ liên tục nhé!”…. Để đảm bảo sự sống, lúc đó bệnh nhân phải được tăng hàm lượng khí thở gấp 10 lần so với bình thường. 

Bệnh viện dã chiến thiếu thốn đủ thứ khiến điều dưỡng phải thay nhau vận chuyển bình oxy để tiếp kịp thời cho bệnh nhân. Tiếng chạy, tiếng đi lại giữa âm thanh liên hồi của máy thở HFNC trong khu vực cấp cứu. Một cuộc chạy đua giành giật sự sống cho bệnh nhân khiến không một y, bác sĩ nào có một phút nghỉ ngơi. Cuối cùng, khi trời rạng sáng, cả êkip đã đặt xong nội khí quản cho bệnh nhân và chuyển lên bệnh viện tầng 3. Từ đây, bệnh nhân sẽ có được cơ hội sống.

Theo phân tầng điều trị, tại bệnh viện dã chiến, số lượng bệnh nhân quá nặng không nhiều nên các ca tử vong thường ít hơn so với các bệnh viện hồi sức, cấp cứu tuyến trên. Thế nhưng, cũng không tránh khỏi có những lúc nhịp thở của bệnh nhân đã ngừng lại mãi mãi. 

“Có những khi thấy buồn, thấy tiếc vì không thể làm gì hơn để cứu bệnh nhân. Ca tử vong duy nhất tại Bệnh viện dã chiến số 12 trong hơn 2 tháng qua kể từ khi chúng tôi đặt chân tới TP Hồ Chí Minh thực sự là nốt trầm trong cuộc chiến này. Bệnh nhân mới vừa được chuyển sang cấp cứu vẫn tỉnh táo, các bác sĩ còn chưa kịp can thiệp thì bất ngờ ca bệnh diễn tiến trở nặng, tử vong đột ngột khiến không ai kịp trở tay” – Bác sĩ Bùi Văn Chiều, Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí, chia sẻ trong ngậm ngùi.

Đã nhiều năm vào nghề, thường xuyên phải cấp cứu bệnh nhân, nhưng chính họ cũng chưa từng trải qua, thậm chí chưa bao giờ tưởng tượng thời khắc mà việc giành giật sự sống cho bệnh nhân lại khốc liệt đến thế! Ở đây, bệnh nhân tiến triển bệnh xấu đi đột ngột không ít. Áp lực đặt lên vai của mỗi y, bác sĩ càng nặng nề hơn.

“Nhiều khi mệt mỏi, lo lắng bủa vây, rất nhiều đêm trắng nhưng rồi chúng tôi lại tự nhắc bản thân và động viên nhau cố gắng hết sức cứu chữa cho bệnh nhân. Bởi chúng tôi biết, giờ mình cũng như người thân của bệnh nhân ở đây. Họ đã quá mệt mỏi cả về thể xác và tinh thần rồi” – Bác sĩ Chiều chia sẻ.

Trong khu cấp cứu của Bệnh viện dã chiến số 12 vào những ngày tháng 9, bệnh nhân hồi phục ngày một nhiều hơn. Với nỗ lực của các y, bác sĩ, đa số bệnh nhân ở đây dần chuyển từ thở máy HFNC sang thở oxy mask hoặc oxy gọng. Thêm một bệnh nhân được thở bình thường trở về Khu lâm sàng là thêm một ngày thành công, thêm một niềm vui, thêm động lực để họ tiếp tục cuộc chiến vượt qua lằn ranh sinh tử, cứu chữa cho người bệnh. 

Điều dưỡng Phạm Trung Thực, Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí, người đã chia tay người vợ mang thai gần tới ngày sinh, tình nguyện vào chống dịch tại TP Hồ Chí Minh, tâm sự: “Đã phải vào khu cấp cứu thì sự sống của người bệnh rất mong manh và các y, bác sĩ, điều dưỡng chính là chỗ dựa, là hy vọng của họ. Chính vì thế, chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng, dù bệnh nhân chỉ còn một hơi thở thì chúng tôi cũng phải tận tâm, tận lực mang sự sống về với họ. Tôi chỉ mong mình “thất nghiệp”, không còn bệnh nhân chuyển sang khu cấp cứu, mong tất cả bệnh nhân thật khoẻ để sớm trở về nhà thì mình mới sớm được về với quê hương, đón con chào đời” – Điều dưỡng Thực chia sẻ.

Mong muốn của điều dưỡng Thực cũng là mong muốn của tất cả Đoàn thầy thuốc tình nguyện Quảng Ninh trong lúc này. Họ không ngại khó, không ngại khổ, cũng không nề hà những vất vả, nhọc nhằn. Họ chỉ mong tất cả bệnh nhân đều khỏe lại, dịch bệnh qua đi để các bác sĩ không phải đưa ra những quyết định mang tính sinh tử, để cuộc sống trở lại bình yên. 


Những ngày đầu ở tâm dịch
Giữa cái nắng tháng 7 của miền Bắc như đổ lửa, chia xa gia đình, đồng nghiệp, Đoàn y tế Quảng Ninh với hơn 70 y, bác sĩ đã lên đường, xông pha vào các bệnh viện dã chiến, vào tâm dịch TP Hồ Chí Minh để tham gia cứu chữa cho các bệnh nhân Covid-19…
   
Chúng tôi đã thành F0
Trong cuộc chiến chống dịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, lực lượng y tế đã phải chịu tổn thất nặng nề khi có đến gần 1.000 cán bộ, nhân viên y tế bị phơi nhiễm Covid-19 trong khi làm nhiệm vụ. Trong số đó, có những y bác sĩ, điều dưỡng của Quảng Ninh tham gia chống dịch ở thành phố mang tên Bác.
   
Những chuyến xe chạy đua với “tử thần”
Hơn 2 tháng với hàng ngàn bệnh nhân điều trị, rất nhiều người, rất nhiều kỷ niệm trong cuộc chiến chống lại kẻ thù Covid-19 tại tâm dịch TP Hồ Chí Minh đã đi vào ký ức của những y, bác sĩ tình nguyện Quảng Ninh.
   
Nơi yêu thương gửi về
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh, Đoàn y tế tình nguyện của Quảng Ninh không hề cô đơn mà có sự đồng hành, sự ủng hộ của tỉnh và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
   
"Lỡ hẹn" với quê hương để ở lại tuyến đầu
Trong gần 3 tháng qua, hơn 70 cán bộ, nhân viên y tế của Quảng Ninh đã kề vai, sát cánh cùng lực lượng y tế của TP Hồ Chí Minh và các đoàn tình nguyện từ các tỉnh, thành trong cả nước chiến đấu với đại dịch Covid-19 tại đây.
   

Thực hiện: Ngọc Linh

Ảnh: Thế Thiêm

Kỹ thuật đồ họa: Hùng Sơn