Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:47 (GMT +7)
Chương mới cho sự phát triển của vùng Đông Bắc
Chủ nhật, 31/10/2021 | 06:53:16 [GMT +7] A A
58 năm trước, sự kiện khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh hợp nhất như một cuộc kết duyên lịch sử với “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, mở ra một chương mới cho sự phát triển vượt bậc của vùng đất địa đầu Đông Bắc.
Ông Nguyễn Thọ Chân, nguyên Bí thư Khu ủy Hồng Quảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên, hiện đang sống ở TP Hồ Chí Minh, nhớ lại: Ngày 30/10/1963, trong phiên họp toàn thể Quốc hội khoá II, kỳ họp thứ 7, tất cả các đại biểu đều nhất trí thông qua tờ trình của Chính phủ: Hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành một tỉnh mới lấy tên là tỉnh Quảng Ninh.
Trước đó 3 năm, Bộ Chính trị khi chuẩn bị Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 3 và Chính phủ soạn thảo kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, vấn đề xây dựng vùng Đông Bắc thành một đơn vị hành chính vững mạnh đã được đặt ra một cách cấp bách.
Giữa năm 1963, việc hợp nhất hai địa phương đã được trung ương quyết định, chỉ còn việc đặt tên tỉnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hội đồng Nhân dân hai nơi tự lựa chọn. Trong cuộc họp Hội đồng Nhân dân khu Hồng Quảng có đoàn đại biểu Hải Ninh tham dự, mọi người thảo luận rất sôi nổi, hào hứng. Khá nhiều kiến nghị về tên tỉnh mới: Đông Bắc, Hải Quảng, Yên Quảng, Hồng Hải… Cuối cùng, tất cả nhất trí chọn tên tỉnh là Hải Đông.
Hải Đông gợi nhớ thời Trần oanh liệt, nhưng thực chất chỉ có nghĩa chỉ vùng biển phía Đông. Sau khi hỏi ý kiến nhiều đồng chí, Bác Hồ đề nghị lấy mỗi tỉnh một chữ cuối của Hồng Quảng và Hải Ninh, ghép lại thành Quảng Ninh, vừa dễ hiểu, vừa dễ nhớ, lại có nhiều nghĩa. “Quảng” là rộng lớn, “Ninh” là yên vui, bền vững. Quảng Ninh là một vùng rộng lớn, yên vui, bền vững. Bác Hồ nói thêm: “Nước bạn có Quảng Đông, Quảng Tây, ta có Quảng Ninh. Đôi bên cùng nhau xây dựng tình hữu nghị, cùng nhau thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội, được không?”.
Ông Nguyễn Thọ Chân giải thích: Bác cũng như các đồng chí trong Bộ Chính trị đều muốn Quảng Ninh là một vùng rộng lớn yên ổn, bền vững. Càng ngẫm càng thấy ý tứ của Bác thật sâu sắc. Từ xưa các tên đều thể hiện ước mong được yên ổn làm ăn (nên mới có các tên Quảng Yên, Yên Bang, Tĩnh Yên, Vĩnh An...). Thật không có cái tên nào vừa đúng vừa hay như thế.
Ông Vũ Cẩm, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lại có thêm 1 cách giải thích tên tỉnh. Năm 1963, ông Vũ Cẩm đang là Bí thư Khu Đoàn thanh niên Lao động Hồng Quảng. Ông Cẩm nhớ lại: Năm đó cũng là năm bản lề của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Tôi chủ trì một đại hội thanh niên toàn khu để sơ kết phong trào xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Tôi đến mời anh Nguyễn Thọ Chân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Khu ủy đến dự. Anh nói với tôi: Sắp tới khu Hồng Quảng sẽ hợp nhất với tỉnh Hải Ninh, một tỉnh nông nghiệp rộng lớn để thành lập khu Đông Bắc để đảm bảo hậu cần cho khu mỏ.
Ít lâu sau gặp lại, anh nói: Đa số các đồng chí trung ương muốn giải tán các khu, lập các tỉnh trực thuộc trung ương để trung ương lãnh đạo sát sao các địa phương hơn, không qua cấp khu trung gian nữa. Thế là tỉnh Quảng Ninh ra đời. Ý nghĩa tên gọi Quảng Ninh không chỉ là tên ghép chữ “Quảng” của Hồng Quảng với chữ “Ninh” của Hải Ninh đâu mà Bác Hồ giao nhiệm vụ cho nhân dân vùng này: “Quảng đại quần chúng giữ gìn trật tự an ninh”.
Ông Vũ Cẩm xúc động kể tiếp: Tôi được tham gia đoàn đại biểu của khu Hồng Quảng đi nhận bàn giao tình hình ở Hải Ninh. Đường đi cực kỳ khó khăn, phải mất một ngày mới ra được Móng Cái. Anh Hoàng Chính, Bí thư Tỉnh ủy Hải Ninh giới thiệu về tình hình Hải Ninh, về truyền thống cách mạng, kháng chiến, thành tựu kinh tế - xã hội. Anh khẳng định Hải Ninh đã tự túc được lương thực, đó là một thành tựu rất lớn. Anh còn nói về triển vọng quan hệ kinh tế Việt - Trung.
Đặt tên cho tỉnh, Bác Hồ gửi gắm vào đó nhiều tình cảm, khát vọng sâu sắc. Tình cảm của Người dành cho là niềm tin, sức mạnh, niềm tự hào, động lực để các thế hệ người dân Quảng Ninh đoàn kết, dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()