Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 15:25 (GMT +7)
Chuyện của cặp đôi văn công Điện Biên
Thứ 2, 29/04/2024 | 10:43:44 [GMT +7] A A
Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp bước sang tuổi 88, nom đầy duyên dáng nhờ chất văn công chảy trong huyết quản. Sau lời năn nỉ của phóng viên, đôi tay bà vẫn mềm mại múa một đoạn trong điệu múa xòe chiến dịch Điện Biên năm xưa. Hai vợ chồng bà đều là văn công Điện Biên Phủ, nắm tay nhau đi qua mấy chục năm hôn nhân “không bao giờ cãi vã”.
Dù đã bước sang tuổi 88 nhưng Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp (SN 1936, diễn viên đội văn công Đại đoàn 308 quân Tiên phong trong chiến dịch Điện Biên Phủ) vẫn giàu năng lượng, trẻ trung ở tuổi xưa nay hiếm.
Trung tá Diệp kể, năm 15 tuổi bà bắt đầu tham gia quân ngũ và trải qua hai chiến dịch lớn là Hòa Bình, rồi chiến dịch Trần Đình (chiến dịch Điện Biên Phủ). Tháng 12/1953, bà Diệp khi ấy tròn 17 tuổi, theo chân bộ đội tham gia chiến dịch. Buổi sáng, cả đơn vị nhận nhiệm vụ, đến chiều cả đoàn đã sẵn sàng quân tư trang hành quân.
Bà kể rằng, các chiến dịch thời đó đều mang tính bảo mật cao, dù có tên trong danh sách đi chiến dịch cũng không thể biết mình sẽ đi đâu và tên chiến dịch là gì. “Khi nghe tin vào chiến dịch, chúng tôi chỉ biết đi là đi. Thời đó tôi còn nhỏ tuổi, chỉ biết luôn sẵn sàng lên đường với tinh thần nhiệt huyết của tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu”, Trung tá Diệp tâm sự.
Đến tận bây giờ, khi nghĩ lại bà vẫn bất ngờ sao lúc ấy mình lại vượt qua được những khó khăn đó. Vai nặng trĩu quân trang, thời tiết khắc nghiệt. Cô văn công năm 17 tuổi chỉ mang tư trang đơn giản gồm một chiếc ba lô, một bao gạo khoảng 3-4 kg, một cái xẻng kiêm cuốc và một ống nước bằng tre. Nghe đơn giản, nhẹ nhàng là vậy, nhưng với cô gái sinh ra và lớn lên ở Thủ đô, vác chừng ấy thứ hành quân chẳng phải chuyện chơi.
“Lúc hành quân dù mệt mỏi cỡ nào cũng không được kêu ca, bởi dễ làm nhụt tinh thần cả đội. Tinh thần tôi lúc ấy hăng hái một cách kỳ lạ, bởi có lẽ trong thâm tâm luôn nghĩ đến thời khắc chiến thắng và mong mỏi quân ta đi đến đâu đánh đâu thắng đến đó”, bà Diệp nhớ lại. Đường xa, núi rừng hiểm trở, các thành viên trong đoàn không tránh khỏi bệnh sốt, chính bà từng bị sốt rét khá nặng.
Trong những khoảng nghỉ ngắn là thời điểm văn công biểu diễn. Lúc đó, họ chỉ được biểu diễn trên các khoảng đất nho nhỏ, có ánh sáng mờ mờ. Trước khi lên đường, Diệp và nhiều chị em văn công khác học múa, học được điệu múa xòe hoa của người Thái, rất nóng lòng biểu diễn. Thế nhưng để biểu diễn thành công cần phải có chuông tay.
“Lúc ấy đạo cụ rất hiếm, chúng tôi mới nghĩ ra lấy nắp bật lửa làm chuông. Khi biểu diễn xong, các anh bộ đội hay trêu chúng tôi múa xòe bật lửa chứ không phải xòe hoa”, Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp cười.
Kỷ niệm sâu đậm nhất là sân khấu kịch lấy đề tài làng xóm bị Tây ức hiếp và tinh thần đồng lòng chiến đấu của bộ đội. Trong vở kịch, bà Diệp vào vai con dâu trong một gia đình có bà mẹ khuyên con trai đi bộ đội với mong muốn trả thù cho gia đình, làng xóm. “Trong vở kịch có câu hát Đi đi anh, giết hết giặc báo thù, anh đi đi giết lũ giặc báo thù... Nhiều chiến sĩ sau câu hát của tôi đã đứng lên và hô Anh em ơi, đồng bào đau khổ thế, chúng ta quyết giết hết giặc để đồng bào được sung sướng!”, bà Diệp kể.
Khi được hỏi về chiến công thời “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, bà chỉ cười nhẹ nhõm. Văn công chỉ là một thành phần nhỏ bé so với những điều to lớn vĩ đại khác của chiến dịch. Nói vậy, nhưng trong đôi mắt luôn ngời lên niềm tự hào. Những tháng ngày đi chiến dịch, những lời ca, điệu múa động viên, khích lệ tinh thần bộ đội chiến đấu là những năm tháng đẹp và quý giá nhất.
Mối tình bộ đôi văn công Điện Biên
Gần đến ngày tổng phản công, cùng với đại đoàn 316, 312, đoàn Văn công 308 của bà Diệp cũng được huy động làm đường cho xe tăng tiến vào Điện Biên Phủ.
Bà Diệp nhớ như in giây phút nhận tin chiến thắng. “Vui lắm, sung sướng tột độ. Lúc ấy, chúng tôi ném cả quang gánh xuống suối. Tất cả đoàn không ai bảo ai đều chạy về phía trước. Hóa ra, chiếc xe đó đang chở viên tướng De Castries bị bắt sống từ hầm chỉ huy về”, bà Diệp hồ hởi.
Hòa bình lập lại cũng là lúc Trung tá Diệp quay về Thủ đô. Đây cũng là lúc bà và chồng - ông Nguyễn Khắc Tuế - nên duyên vợ chồng. “Tôi gặp người yêu và cũng chồng tôi sau chiến dịch Điện Biên Phủ. Tôi ở đại đoàn 308 còn anh ở đại đoàn 312. Ông ấy lúc bấy giờ thuộc đội múa và là chiến sĩ chiến đấu mới lên, sau này anh về Tổng cục Chính trị và cùng đoàn với tôi. Anh và tôi cùng múa sạp… hay nói chuyện với nhau, rồi yêu nhau lúc nào không biết”, bà Diệp kể lại.
Ông Nguyễn Khắc Tuế là người Kiến An (Hải Phòng), ban đầu ông mặc cảm vì gia đình vợ có nhiều thành tích cách mạng, lại là gia đình trí thức ở Hà Nội, còn mình chỉ là anh nông dân. Do bố mẹ không còn trên đời, nên ông Tuế coi gia đình bên vợ như nhà mình, được bố vợ dạy bảo như con ruột. Tính bao dung kiên nhẫn, kiên trì của người vợ khiến ông ấn tượng và tình yêu dành càng lớn dần lên. Sau nhiều năm đồng hành, ông Tuế khẳng định, cả hai không bao giờ cãi cọ.
Câu chuyện tình yêu của bộ đôi văn công cũng có nhiều điều thú vị. Bà Diệp tiết lộ, thời đó các đoàn văn công có quy định về độ tuổi yêu, kết hôn. Hai người chưa đủ tuổi nên thường phải giấu giếm, không dám nói chuyện trực tiếp nhiều, chỉ viết thư cho nhau. “Muốn đọc thư cũng phải chui vào màn đọc để tránh bị phát hiện. Chúng tôi yêu nhau từ cuối năm 1954 đến năm 1958 vẫn bí mật. Khi về Hà Nội, vào Chủ nhật được đi chơi, cả nhóm đi chung với nhau nhưng sau đó lại tách ra đi riêng. Trong đoàn cũng có nhiều đôi yêu trong bí mật giống chúng tôi”, Trung tá Diệp tâm sự. Đến mãi sau này, khi thủ trưởng phát hiện và đồng ý họ mới công khai ở bên chăm sóc nhau.
Sau khi kết hôn không bao lâu, ông Tuế liên tục phải nhận nhiệm vụ ở nước ngoài gần 4 năm. Gánh nặng chăm sóc, nuôi dạy con cái đặt hết lên vai bà Diệp. Một mình bà vừa làm cha vừa làm mẹ của hai đứa trẻ. “Khi ông nhà trở thành Đoàn trưởng, có rất nhiều cô gái xung quanh nhưng ông vẫn nhất quyết chung tình, rất mực thương yêu vợ con. Ông quý tôi ở chỗ, bao năm xa nhà tôi vẫn một mình nuôi dạy các con trưởng thành”, bà Diệp bộc bạch.
Lớp trẻ ngưỡng vọng cuộc sống viên mãn của vợ chồng ông Tuế - bà Diệp ở tuổi ngoài 80. Những lúc khỏe mạnh, ông bà thường chở nhau đi bơi, khiêu vũ…để bù lại những ngày tháng phải sống xa cách.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()