Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 03:27 (GMT +7)
Chuyển đổi số Việt Nam phải dựa trên nền tảng số Việt Nam
Thứ 7, 01/07/2023 | 08:28:37 [GMT +7] A A
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, chuyển đổi số Việt Nam nếu không dựa trên các nền tảng số Việt Nam thì người hưởng lợi từ công cuộc này sẽ không phải là người Việt Nam.
Những nhận thức mới về chuyển đổi số Việt Nam
Ngày 30/6, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ TT&TT.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp, kết hợp trực tuyến đến hơn 60 điểm cầu trên toàn quốc, với sự tham dự của các doanh nghiệp, các Hội, Hiệp hội trong lĩnh vực TT&TT, các Sở TT&TT, các đơn vị thuộc Bộ TT&TT.
Khẳng định nhận thức mới dẫn đến các quyết định mới là yếu tố quan trọng số một, người đứng đầu ngành TT&TT đã chỉ ra một số nhận thức mới được phát hiện trong nửa đầu năm nay. Đó là, muốn phát triển bền vững, đi nhanh, đi xa thì cần phải có lý luận; ứng biến linh hoạt, ngắn hạn phải gắn với các định hướng, mục tiêu chung và dài hạn. Lý luận không chỉ ở tầm quốc gia mà phải cả ở tầm các tổ chức; trong một thế giới vạn biến, không có lý luận, người đứng đầu tổ chức khó ra được quyết định lớn.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý, muốn phát triển nhanh và bền vững thì phải đi đều “2 chân”: Phổ cập nhanh cái cơ bản thông qua các nền tảng số dùng chung toàn quốc và đi nhanh về cái mới thông qua một số đầu tàu. Từ cái mới triển khai thành công của các đầu tàu thì nhanh chóng biến thành cái cơ bản để phổ cập là việc quan trọng của quản lý nhà nước.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đặc biệt nhấn mạnh: Chuyển đổi số nếu không dựa trên các nền tảng số Việt Nam thì người hưởng lợi từ công cuộc này sẽ không phải là người Việt Nam.
Người đứng đầu ngành TT&TT cũng đã chia sẻ những quan điểm trong quản lý của Bộ TT&TT, đó là: Chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới giúp đẩy nhanh, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thời chuyển đổi số thì phải có đầu tư tập trung; lời giải chuyển đổi số Việt Nam là nền tảng số Việt Nam; bảo vệ an toàn cho người dùng viễn thông, Internet phải là trách nhiệm của nhà mạng; phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đi từ dịch vụ đến công nghiệp và từ đó đến công nghệ; truyền thông là một chức năng của chính quyền các cấp, vì vậy chính quyền các cấp phải tổ chức bộ máy và có ngân sách hàng năm cho truyền thông, đặt hàng báo chí; báo chí cách mạng cần được đầu tư công nghệ để mỗi cơ quan báo chí trở thành một nền tảng số...
Giải đáp trực tiếp nhiều vấn đề của lĩnh vực TT&TT
Điểm mới trong hội nghị lần này, được sự đón nhận hào hứng của các đại biểu tham dự, đó là phiên tọa đàm, kéo dài 2 giờ, giữa Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các đồng chí Thứ trưởng với các đại biểu tham dự hội nghị.
Nhiều vấn đề, vướng mắc trong lĩnh vực TT&TT đã được Bộ trưởng, các thứ trưởng Bộ TT&TT giải đáp trực tiếp, như khó khăn của các doanh nghiệp trong lắp đặt các trạm BTS tại địa phương, vấn đề kinh phí để triển khai các nền tảng dùng chung toàn quốc, đầu mối diễn giải nội dung trong quy định pháp luật ngành TT&TT, hay sự hỗ trợ của Bộ TT&TT để các doanh nghiệp đưa sản phẩm, dịch vụ ra thị trường nước ngoài...
Về vướng mắc trong lắp đặt trạm BTS, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, trên cơ sở nhận thức rõ các khó khăn của doanh nghiệp, quá trình xây dựng Luật Viễn thông sửa đổi, Bộ TT&TT đã đưa vào một số nội dung để giải quyết những vấn đề này. Cụ thể là, dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của UBND các cấp trong việc bảo vệ an toàn cho hạ tầng viễn thông, đồng thời phải xử lý hành vi gây cản trở việc xây dựng hợp pháp các hạ tầng viễn thông; quy định việc công trình hạ tầng viễn thông được ưu tiên lắp đặt trên đất công, trụ sở công.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của hạ tầng viễn thông, hạ tầng số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý các Sở TT&TT phải làm quy hoạch phát triển hạ tầng viễn thông tại địa phương, không chỉ phục vụ việc dùng chung hạ tầng, mà còn bao gồm vấn đề đặt ra các mục tiêu phát triển hạ tầng về phổ cập, chất lượng, tốc độ, điều phối các nhà mạng đầu tư. Sau khi có quy hoạch, chính quyền các cấp còn cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư. “Hạ tầng số do các doanh nghiệp đầu tư, không tốn nhiều nguồn lực của nhà nước nhưng cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc quy hoạch, thúc đẩy phát triển”, Bộ trưởng nói.
Đại diện cho các doanh nghiệp viễn thông, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel Tào Đức Thắng đề xuất việc các nhà mạng được tham gia cùng các các Sở TT&TT xây dựng quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động, đồng thời chia sẻ bài học kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc lắp đặt BTS tại các hệ thống cột điện chiếu sáng ở các ngã tư, trong ngõ phố.
Từ thực tế xây dựng trạm cập bờ cáp quang biển, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh đặt vấn đề xã hội hóa việc xây dựng hạ tầng dùng chung, đặc biệt là thúc đẩy các doanh nghiệp ngoài lĩnh vực viễn thông tham gia phát triển hạ tầng viễn thông tại các địa phương.
Đối với vướng mắc về kinh phí để triển khai các nền tảng số dùng chung toàn quốc, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho hay, khi triển khai các nền tảng số quốc gia, để dùng chung toàn quốc, sẽ cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý. Chủ trương chuyển đổi số quốc gia là triển khai các nền tảng dùng chung và vì vậy, từ góc độ thể chế chính sách, ngân sách nhà nước, đặc biệt là ngân sách trung ương nên dành một tỷ lệ % tối thiểu để triển khai các nền tảng dùng chung quốc gia. “Bộ TT&TT sẽ chủ động để thể chế hóa được những chính sách này vào các văn bản tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong thời gian tới nhằm giải quyết vấn đề này”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng thông tin thêm.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng và Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) Nguyễn Văn Khoa cũng đã chia sẻ những quan điểm về chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo của Việt Nam.
Nhận trách nhiệm để nhận thức về đầu tư cho chuyển đổi số còn chậm, người đứng đầu Bộ TT&TT cho rằng, cần dành ra khoảng từ 10 – 20% ngân sách CNTT hàng năm cho các bộ, ngành để xây dựng các nền tảng dùng chung cho toàn quốc. Ngân sách địa phương do địa phương quyết định, do đó địa phương cũng hoàn toàn có thể dành ra 20% tổng ngân sách chi cho CNTT để dành cho việc triển khai các nền tảng dùng chung của quốc gia.
Giải quyết việc doanh nghiệp và cơ quan quản lý có cách hiểu khác nhau về quy định pháp luật, Thứ trưởng Phan Tâm giải đáp: Cơ quan ban hành văn bản pháp luật có trách nhiệm diễn giải, giải đáp. Những văn bản nào do Bộ TT&TT ban hành, Bộ sẽ chịu trách nhiệm giải thích, đầu mối là Vụ Pháp chế.
Cùng giải đáp điều này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ: “Bộ TT&TT hôm nay chính thức tuyên bố Vụ Pháp chế là đầu mối duy nhất của Bộ về giải thích các văn bản, thể chế do Bộ ban hành. Khi các đối tượng quản lý, cơ quan quản lý, thanh tra kiểm tra có cách hiểu khác nhau, Vụ Pháp chế là nơi tiếp nhận và xử lý”.
Trước băn khoăn của đại diện Viettel về tình huống quy định pháp luật rõ nhưng lạc hậu, gây cản trở sự phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp thấy cần sửa gì, bất cứ lúc nào cũng có thể đề xuất với Bộ xem xét tham mưu sửa luôn, nhanh, nhằm đáp ứng sự vận động của cuộc sống.
Quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng là, phát hiện ra sự bất cập, lạc hậu thì sửa ngay, sửa từng điểm thì sẽ sửa đúng và nhanh hơn là chờ đợi để sửa một lúc hàng chục vấn đề.
Một vấn đề cũng được chia sẻ trong phiên tọa đàm từ ý kiến của Chủ tịch VINASA đó là hỗ trợ các doanh nghiệp số Việt Nam đi ra nước ngoài. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm khẳng định, hỗ trợ doanh nghiệp số VN đi ra nước ngoài là một nhiệm vụ trọng tâm được Bộ TT&TT đặt ra từ đầu năm 2023. Hiện nay, mỗi tháng Bộ TT&TT đều tổ chức một sự kiện cho hoạt động này, tại các sự kiện về CNTT gần đây ở nước ngoài, Bộ TT&TT đều tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu các doanh nghiệp và sản phẩm công nghệ số của Việt Nam. Thứ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp số Việt Nam cần chuẩn bị các sản phẩm xuất sắc của mình để tham gia các đoàn công tác của Bộ TT&TT ra nước ngoài nhằm tìm kiếm đối tác, phát triển thị trường.
Chia sẻ kinh nghiệm quản lý lĩnh vực báo chí truyền thông, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, để đáp ứng các vấn đề mới phát sinh trong cuộc sống, nếu chỉ chờ sửa luật là chưa đủ. Lĩnh vực báo chí truyền thông những năm gần đây, đã có cách tiếp cận mới, đó là thay đổi cách làm, lấy hiệu quả làm thước đo. Thông điệp chính là, ngành nào cũng thế, chúng ta thay đổi cách làm, đưa công nghệ vào cuộc để cả xã hội nhìn thấy và cùng giám sát, đấu tranh với những hành vi vi phạm.
Nền tảng số giúp thúc đẩy chuyển đổi số toàn dân
Trong khuôn khổ hội nghị sơ kết, một số doanh nghiệp chia sẻ về việc phát triển các sản phẩm, nền tảng số tiêu biểu.
Theo Giám đốc Smarthub Logistics Technology Lê Minh Vang, đơn vị đã mất 10 năm để phát triển nền tảng cảng biển số VSL. Sau khi đạt giải cuộc thi tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số quốc gia - Viet Solutions 2022, nhờ có sự hỗ trợ, giới thiệu của Bộ TT&TT, nền tảng số này đã có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng đơn vị sử dụng. Số lượng cảng sử dụng tăng từ 5 lên 17, số lượng xe từ 100 lên 8.120, số doanh nghiệp chủ hàng tăng từ 9.124 lên 26.127, số doanh nghiệp vận tải tăng từ 409 lên 1.135...
Với VNPT iGate, chia sẻ kinh nghiệm giúp chiếm lĩnh thị phần lớn, cung cấp giải pháp cho 45 bộ, ngành và địa phương, Phó Tổng giám đốc Công ty VNPT IT Hà Thái Bảo cho hay, mấu chốt là làm theo mô hình cung cấp phần mềm như dịch vụ (SaaA). Nhờ đó, mà triển khai và nâng cấp được nhanh, đáp ứng được các yêu cầu về tiến độ, chức năng, an toàn thông tin, tích hợp... theo quy định.
Từ câu chuyện của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý, với trường hợp của đơn vị phát triển nền tảng số, bài học thành công là ngoài nỗ lực của doanh nghiệp để có sản phẩm xuất sắc, cần có sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước để sản phẩm đến được với người dùng, phát triển thị trường. Với trường hợp của VNPT iGate, kinh nghiệm hay chính là dùng nền tảng để giúp phổ cập nhanh.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh đến một số nhiệm vụ cần tập trung để tạo ra những thay đổi thực chất, thiết thực, một số việc cần đặc biệt chú trọng như: Thương mại hóa 5G và Cloud; đảm bảo an toàn số ở mức cơ bản cho người dân trên không gian mạng; phát triển trợ lý ảo cho công, viên chức nhà nước; trình Chính phủ ban hành 1 số chiến lược quốc gia quan trọng gồm chiến lược công nghiệp công nghệ số, chiến lược công nghiệp bán dẫn, chiến lược dữ liệu; hình thành lý luận của Việt Nam về chuyển đổi số; xây dựng cơ sở dữ liệu nhân tài TT&TT toàn quốc...
Với quan điểm “Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế hơn là cách mạng công nghệ”, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế để tạo thuận lợi cho cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số tại Việt Nam được Bộ TT&TT đặc biệt quan tâm thời gian qua. Giám đốc NEAC Tô Thị Thu Hương giới thiệu những điểm chính của Luật Giao dịch điện tử sửa đổi. (Ảnh: Lê Anh Dũng)Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Lê Văn Tuấn và Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) Tô Thị Thu Hương đã thông tin đến các đại biểu về những điểm mới nổi bật của 2 Luật do Bộ TT&TT chủ trì sửa đổi, đã được Quốc hội thông qua thời gian gần đây là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và Luật Giao dịch điện tử sửa đổi.Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi, có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2023 sẽ tạo sự thay đổi lớn về quản lý, cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện có giá trị thương mại cao như tần số dành cho thông tin di động để thúc đẩy phát triển hạ tầng số, kinh tế số, hài hòa các mục đích phát triển kinh tế, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; thúc đẩy việc nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm công nghệ mới... Trong khi đó, với nhiều chính sách mới, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi có thể coi là đạo luật cơ bản về chuyển đổi số. Việc thực thi Luật này sẽ tạo cơ sở thực tiễn để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Chuyển đổi số ở giai đoạn sau.
|
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()