Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 02:18 (GMT +7)
Chuyên gia: 'Âm nhạc của Sơn Tùng ngày càng xa rời khán giả Việt'
Thứ 3, 12/03/2024 | 15:23:43 [GMT +7] A A
Chuyên gia cho rằng nguyên nhân lớn nhất khiến Sơn Tùng giảm nhiệt đến từ việc âm nhạc của nam ca sĩ ngày càng xa rời khán giả trong nước và phát hành ít sản phẩm.
Trên đường đua Vpop trong những ngày đầu tháng 3, Sơn Tùng vẫn chiếm lĩnh ngôi vương các bảng xếp hạng âm nhạc. Đối thủ đồng hương của nam ca sĩ trong cuộc đấu lần này là Bích Phương trở nên lép vế.
Thành tích Chúng ta của tương lai đang bỏ xa Nâng chén tiêu sầu. Tính đến trưa 10/3, “bom tấn” của Sơn Tùng cán mốc hơn 11 triệu lượt xem và nghiễm nhiên đứng hạng 1 trên danh mục âm nhạc thịnh hành.
Tuy nhiên, nếu đặt lên bàn cân, so sánh với Muộn rồi mà sao còn, Có chắc yêu là đây hay There’s No One At All, Sơn Tùng lộ rõ dấu hiệu giảm sức hút.
Hai nguyên nhân khiến Sơn Tùng giảm sức hút
Trao đổi với PV, ông Tất Hữu Đăng Khoa, cựu Giám đốc âm nhạc của TikTok Vietnam, nhận định có hai lý do lớn nhất để giải thích việc Sơn Tùng giảm nhiệt trong lần trở lại này.
Đầu tiên, Sơn Tùng phát hành quá ít sản phẩm âm nhạc và hạn chế cập nhật thông tin, hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội.
Việc nam ca sĩ ra ít nội dung về âm nhạc sẽ là bất lợi lớn đối với nghệ sĩ, trong bối cảnh có quá nhiều chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc. Người xem có nhiều lựa chọn sản phẩm để thưởng thức. Vì thế, việc dồn sự chú ý cũng như số lượng lượt stream cho một sản phẩm âm nhạc mới phát hành, như trước đây trở nên không khả thi.
Ngoài ra, lượng khán giả hâm mộ Sơn Tùng hiện đã trưởng thành và cách nam ca sĩ lựa chọn ít hoạt động trên mạng xã hội, khiến anh khó khăn để thu hút thêm một lượng fan mới.
Thứ hai, nhìn lại lộ trình hoạt động của Sơn Tùng trong khoảng 4 năm qua, không khó để thấy tham vọng của nam ca sĩ trong việc tiếp cận khán giả quốc tế, nhất là thị trường Âu Mỹ. Lựa chọn ấy đánh đổi bằng việc giảm nhiệt đối với khán giả trong nước, vì trên thực tế vẫn có khoảng cách không nhỏ giữa hai thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc của Việt Nam và thế giới, nói rộng hơn là châu Á và Âu Mỹ.
“Chúng ta có thể nhìn lại lộ trình 4 năm vừa qua, âm nhạc của Sơn Tùng có vẻ ngày càng xa rời khán giả Việt”, ông Tất Hữu Đăng Khoa chia sẻ.
Ngoài Sơn Tùng, Bích Phương, cuộc chiến trên đường đua Vpop trong tháng 3 trở nên gây cấn với hàng loạt MV đến từ Cao Thái Sơn, Hoàng Tôn, Orange… Song thành tích của các sản phẩm nói trên khá ảm đạm. Đơn cử, sau hai ngày phát hành, Chẳng sao cả của Cao Thái Sơn dừng ở con số 91.000 lượt xem; Đỏ là dấu ấn (Orange ft Liu Grace) - 615.000; Say (Hoàng Tôn) - 84.000… Khoảng cách về lượt xem MV của Sơn Tùng và các ca sĩ còn lại chênh lệch rất lớn.
Theo ông Nguyễn Lê Nhất Phương, co-founder Vietnam Music Industry Network, hiện nay, rất khó để có công thức chung cho một sản phẩm âm nhạc thành công và viral, vì phụ thuộc khá nhiều vào thời điểm phát hành, thị hiếu của tệp khán giả mục tiêu.
“Sản phẩm âm nhạc tuy đặc thù nhưng vẫn là một ‘sản phẩm’, cần rất nhiều kế hoạch và chiến lược công phu từ cả nghệ sỹ và ê-kíp, bên cạnh chất lượng của MV. Tuy nhiên, một sản phẩm âm nhạc thành công sẽ thường có các yếu tố: giai điệu lạ và bắt tai; lời bài hát có một hoặc nhiều cụm từ có thể lan truyền trên các nền tảng social; MV sáng tạo; ra mắt hợp thời điểm và có chiến dịch quảng bá tốt”, ông Nhất Phương nói.
Gen Z chiếm lĩnh thị trường, ca sĩ gen Y phải làm gì?
Quan sát thị trường âm nhạc Việt trong những năm gần đây, co-founder Vietnam Music Industry Network khẳng định sự trỗi dậy của những nghệ sỹ gen Z, trong đó có MONO, tlinh, Wren Evans… đã làm đa dạng hóa bức tranh âm nhạc Việt, mở rộng dòng nhạc, ngôn ngữ, cách thể hiện, đề tài.
Các nghệ sĩ trẻ thường sử dụng âm nhạc của mình để bày tỏ quan điểm, trải nghiệm cá nhân và phản ánh các vấn đề xã hội. Điều này giúp tạo ra sự kết nối mạnh mẽ hơn giữa nghệ sĩ và người nghe thông qua âm nhạc.
Thế hệ ca sĩ mới có khả năng tự đảm nhận và hoàn thiện nhiều khâu khác nhau trong dây chuyền: sáng tác, hòa âm - phối khí, trình diễn. Nhóm nghệ sĩ gen Z thức thời, làm chủ cuộc chơi và sẵn sàng thử sức với nhiều dòng nhạc khác nhau rap, R&B, jazz, punk rock... để phù hợp với dòng chảy âm nhạc thế giới.
Điều này vô hình trung tạo áp lực lên thế hệ ca sĩ gen Y. Không ít sản phẩm mới phát hành gần đây của Soobin Hoàng Sơn, Đông Nhi, Erik, Dương Hoàng Yến, Đức Phúc… kén khán giả. Nhiều MV được đầu tư tiền tỷ nhưng thành tích lượt xem ảm đạm.
Trước thực tế này, ông Tất Hữu Đăng Khoa lấy trường hợp của ca sĩ Noo Phước Thịnh với tiết mục mash-up viral tại lễ trao giải Làn Sóng Xanh vừa qua và nhấn mạnh thế hệ ca sĩ gen Y cần nghiêm túc trong khâu sản xuất nhạc, tăng tính sáng tạo cũng như cởi mở đón nhận những điều hay ho mới lạ từ âm nhạc của lứa gen Z.
“Nếu như cách đây 10 năm, độ tuổi nổi tiếng của nghệ sĩ trung bình là 27 tuổi, nay đã rút ngắn xuống còn 22-23 tuổi. Điều này tạo nên sự sôi động cho thị trường âm nhạc, thúc đẩy việc đa dạng của các thể loại âm nhạc. Lạc quan hơn, chúng ta nhận thấy một số ca sĩ và producer trẻ tuổi của Việt Nam đang dần bắt nhịp với khán giả quốc tế. Bằng chứng là thời gian gần đây, khá nhiều sản phẩm âm nhạc Việt trở nên viral toàn cầu”, ông Đăng Khoa trao đổi.
Theo cựu Giám đốc âm nhạc của TikTok Vietnam, trong năm 2024, nhạc Việt sẽ xoay quanh bốn thể loại chính: pop ballad, hip-hop, dân gian hiện đại và nhạc remix: vinahouse, house, dubstep.
“Pop ballad không bao giờ lỗi thời tại thị trường Việt Nam, nơi cảm xúc âm nhạc được nuôi dưỡng bằng ca từ ý nghĩa và giai điệu chậm du dương, phù hợp với cảm xúc. Nhạc dân gian hiện đại vẫn thu hút vì người trẻ có khuynh hướng nâng cao tinh thần dân tộc. Tới thời điểm hiện tại, tôi liệt kê dòng nhạc remix: vinahouse, house, dubstep vào đây sẽ không làm các bạn ngạc nhiên, vì rõ ràng 'pháp sư' âm nhạc Việt đang chinh phục cộng đồng âm nhạc thế giới thông qua các nền tảng short video và thành công trong thời gian qua", ông Khoa tổng kết.
Theo Znews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()