Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 10:07 (GMT +7)
Chuyên gia nêu lý do cả Nga và Ukraine đều thất bại khi tấn công bằng xe tăng
Thứ 2, 15/01/2024 | 13:38:00 [GMT +7] A A
Nga và Ukraine đều thất bại trong các cuộc tấn công bằng xe tăng vì không thể gây bất ngờ cho nhau.
Các cuộc tấn công bằng xe tăng diễn ra không như ý muốn với cả Nga và Ukraine vì họ không thể gây bất ngờ cho nhau, theo trang tin Business Insider ngày 13/1.
Ông Riley Bailey, nhà phân tích về Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, nói với Business Insider rằng các cuộc tấn công khó có thể thành công nếu không có bất ngờ.
Theo chuyên gia Bailey, điều kiện địa hình bằng phẳng và nhiều máy bay không người lái giám sát có nghĩa là bên phòng thủ có thể phát hiện rõ động thái của xe tăng.
Như vậy, cả Nga và Ukraine đều không thể thực hiện thành công các cuộc tấn công bằng xe tăng với lý do rõ ràng: rất khó gây bất ngờ cho đối phương.
Ông Bailey nói: “Rất nhiều cuộc chiến tranh cơ giới hóa ở một mức độ nào đó dựa trên tính bất ngờ để có thể tiến nhanh và khiến đối phương mất cảnh giác. Tất cả các dấu hiệu cho thấy dọc theo chiến tuyến hiện tại giữa Nga và Ukraine, điều đó thực sự không thể xảy ra”.
Một lý do là địa hình bằng phẳng ở phía Đông và phía Nam Ukraine. Do đó, không có nơi nào để che giấu các phương tiện bọc thép.
Ở một số khu vực, địa hình đều bằng phẳng và hai bên có thể phát hiện ra lực lượng của đối phương ở khoảng cách hàng km.
Một lý do khác là có rất nhiều máy bay không người lái trên bầu trời. Cả Nga và Ukraine đều phụ thuộc rất nhiều vào cả máy bay không người lái giám sát và tấn công.
Máy bay không người lái giám sát được sử dụng để theo dõi đối phương và thường cung cấp dữ liệu nhắm mục tiêu cho pháo và các loại vũ khí tầm xa khác.
Bản thân máy bay không người lái tấn công là vũ khí, trong một số trường hợp, có thể khiến xe bọc thép và xe tăng bị hư hỏng và vô hiệu hóa.
Cả Nga và Ukraine đều gặp tổn thất khi sử dụng xe tăng và xe bọc thép trong chiến đấu.
Việc hạn chế sử dụng phương tiện bọc thép và xe tăng, cũng như khó khăn mà cả hai bên gặp phải khi tìm cách gây bất ngờ cho đối phương, đã góp phần tạo nên thế giằng co của trận chiến, khi không bên nào đạt được đột phá lớn.
Hệ thống phòng thủ dày đặc do Nga bố trí, bao gồm các bãi mìn rộng lớn và nhiều lớp, cũng đã giúp giữ cho chiến trường luôn tĩnh lặng. Ukraine cho biết các đồng minh ở phương Tây không gửi vũ khí cần thiết để đạt được bước đột phá.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()