Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 23:45 (GMT +7)
Chuyện những người phụ nữ nuôi khỉ trên đảo Rều
Thứ 2, 01/01/2024 | 14:41:36 [GMT +7] A A
Đảo Rều nằm trên biển, hàng ngày nhộn nhịp cuộc sống của hàng ngàn con khỉ. Ở cái nơi đầy sự hoang dã đó, có những người phụ nữ hàng ngày tạm quên đi cuộc sống trên đất liền để lo việc ăn uống cho những con khỉ.
Tấm lòng của những “bảo mẫu” khỉ trên đảo Rều
Đảo Rều có diện tích 22ha nằm cách đất liền phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả, khoảng 3km, hiện là hòn đảo có đông khỉ nhất trong cả nước. Đảo thuộc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế). Trưởng đảo là ông Vũ Công Long, người đã có 39 năm công tác trên đảo.
Trên đảo có 14 cán bộ, nhân viên làm các công việc chăm nom, bảo vệ và nghiên cứu, thì trong đó có 5 phụ nữ hàng ngày trực tiếp lo chuyện ăn uống và quét dọn khu vực ăn của khỉ. Buổi sáng khoảng 9 giờ 30, bữa sáng của khỉ được bắt đầu, buổi chiều khoảng 1 giờ 30, khi ăn cơm thỉnh thoảng đan xen bữa hoa quả như chuối, cam theo mùa. Trước mỗi bữa ăn, trưởng đảo Vũ Công Long khua 1 hồi kẻng, từ khắp các nơi rừng tự nhiên trên đảo, nhiều đoàn khỉ đu cây lục tục kéo về. Bên trong bếp, các chị phụ nữ đang hối hả xúc cơm nấu gạo lứt với đỗ đen, lạc vào những chiếc thúng lớn rồi gánh lên các nhà ăn cho lũ khỉ.
Chị Phạm Thị Hà, quê ở xã Cái Chiên, huyện Hải Hà đã có ngót ngét 25 năm gắn bó với đảo Rều. Chị Hà có chồng trước đây cũng công tác trên đảo, nhưng chồng chị lâm bệnh và đã mất gần chục năm nay. Tuy thế, vì tình yêu nghề nghiệp, chị Hà vẫn bám đảo, hàng ngày chăm sóc đàn khỉ. May mà các con chị đều đã lớn, lại ngoan ngoãn, học giỏi và sống cùng ông bà nên chị yên tâm hơn với công việc ngoài đảo. Chị Hà bảo: Khoảng gần 5 năm nay, trên đảo đã có điện lưới nên công việc nấu nướng của chị em chúng tôi nhàn nhã hơn. Trước đây, chúng tôi cứ phải mò mẫm trong khu bếp tối om, những ngày mùa hè mỗi lần chui từ trong căn bếp ra, mồ hôi đầm đìa như vừa dầm mưa.
Khi có điện lưới, cuộc sống trở nên vui tươi hơn nhiều, ngay cả việc đưa nước lên các bể nước trên đảo cũng thuận lợi hơn. Bởi dù đã có giếng khoan, tuy sâu 17m mới có nước ngọt nhưng có điện, bơm nước lên dùng thoải mái hơn. Trước đây, nguồn nước trên đảo chỉ phụ thuộc vào mấy bể nước mưa, do vậy trên đảo một thời phải chia nhau nước ngọt để tắm giặt. Khi ấy, ngay cả chị em vào mùa hè cũng phải khắc phục bằng cách tắm gội dưới biển rồi về nhà tráng lại. Mặc dù là đảo ngoài biển, nhưng mùa hè không có điện cũng rất nóng, ban đêm nhiều người khắc phục bằng cách ra biển ngâm cho mát người rồi mới vào ngủ.
Nguồn nước ngọt đã chủ động hơn, chị em cũng đỡ vất vả hơn với việc chăm sóc đàn khỉ, khu vực ăn của khỉ được lau rửa thường xuyên hơn, do vậy khỉ ít bị đau bụng, giúp khỉ phát triển tốt hơn. Tôi đã nhiều lần lên đảo, nhưng lần mới đây khi ra đảo, tôi thấy trong bữa ăn của khỉ, nhiều khỉ cái cõng con hơn những lần trước, do chúng sinh sản nhiều hơn.
Chị Tạ Thị Tiếp quê ở huyện Vân Đồn cũng đã cùng chồng gắn bó với việc chăn nuôi khỉ từ năm 2012. Công việc của vợ chồng chị Tiếp đến với đảo Rều cũng rất tình cờ. Trước đây, anh Ngô Văn Quyết chồng chị Tiếp làm nghề thợ xây, còn chị hàng ngày phụ vữa cho tổ xây dựng của chồng. Nhân một lần cùng nhóm thợ xây lên đảo làm công trình, thấy chị tần tảo chịu khó, lại có có vẻ thân thiện với những con khỉ trên đảo, thế là Trưởng đảo Vũ Công Long bảo: “Nếu em muốn gắn bó lâu dài với nghề nuôi khỉ thì cứ về làm đơn, trên đảo vẫn còn 2 suất lao động đang cần người đấy”. Vậy là chị Tiếp bảo: “Bác cho cả chồng em lên đảo với, anh ấy cũng rất chịu khó”. Trưởng Trại Long gật đầu liền, bởi theo anh, để tìm được người yêu nghề và gắn bó với đảo không dễ. Họ phải chịu nhiều thiệt thòi, quanh năm ngày tháng chỉ biết ngắm rừng, lấy chuyện nuôi khỉ làm vui. Ngay cả việc chăm lo con cái cũng phần lớn là phải nhờ vả người nhà sống trên đất liền.
Chị Tiếp cùng chồng ra công tác ngoài đảo khi các con còn bé, cháu đành phải gửi ông bà nội chăm sóc. Con trai nhỏ theo bố mẹ ra đảo được khoảng 1 năm lại cũng phải về đất liền với bà nội để còn đi học. Tuy đảo cách đất liền khoảng 3km nhưng họ cũng ít khi vào bờ, vì công việc bảo vệ khỉ và an ninh trên đảo không kể đêm ngày, cũng một phần là do đi lại phải tự túc kinh phí, khá tốn kém. Đảo cũng có một chiếc ca nô nhưng chỉ để phục vụ việc công, người trên đảo muốn vào đất liền thường phải đi nhờ cùng chuyến với ca nô trên đảo hoặc phải thuê riêng một chuyến tàu của ngư dân. Thỉnh thoảng, vợ chồng chị Tiếp mới ghé về thăm con và bố mẹ.
Chuyện hàng ngày trên đảo Khỉ
Tuy hàng ngày các chị cho khỉ ăn, nhưng cuộc sống và bản tính của khỉ vẫn là hoang dã. Khỉ trên đảo ngoài giờ ăn, chúng vui chơi và đi kiếm ăn tự nhiên trong rừng, đến trưa và đầu giờ chiều khi nghe tiếng kẻng chúng mới về. Chị Tiếp kể lại, thời gian ban đầu lên đảo tiếp xúc với khỉ, chị cũng thấy hơi run, lũ khỉ thấy người lạ trợn mắt, nhe răng rung cây dọa chị. Chị Tiếp cũng bị một con khỉ chúa cắn do nó thấy chị lạ. Trong số các chị em làm ở đây hầu như người nào cũng đã bị khỉ cắn hoặc cào cấu, có khi đang đi, khỉ ở trên cây đu xuống đầu nhưng khi thấy chị cho ăn hàng ngày thì chúng quen dần, khi đã quen chúng cũng hiền lành.
Chị Tiếp có thuận lợi bởi trước đây, chị ở xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, có nhiều người có vườn rộng trồng chuối. Ban đầu từ mối quen biết, chị tìm đến các hộ trồng chuối đặt mua số lượng nhiều, nhưng yêu cầu họ phải cam kết không được phun thuốc sâu hay chất kích thích khi chăm sóc chuối. Số chuối đó mang lên đảo, tự tay chị dấm chín vàng rồi hàng ngày mang ra cho khỉ.
Chị bảo: “Sức khỏe của con khỉ trên đảo được đảm bảo an toàn là rất cần thiết, bởi khỉ nuôi để chiết vắc xin cứu người. Khỉ mang bệnh không thể chiết vắc xin được”. Hàng năm có hơn 100 con khỉ khỏe mạnh được chọn ra phục vụ nghiên cứu khoa học, chiết vắc xin phòng bại liệt, viêm gan A, bệnh tiêu chảy trẻ em và viêm đường hô hấp. Gần đây, khỉ lại để thử phản ứng các loại vắc xin H5N1, H1N1, vắc xin phòng chống Covid-19 trước khi tiêm vào con người. Khỉ trên đảo có khả năng kháng bệnh rất tốt và được các nhà khoa học từ Anh, Pháp, Mỹ, Đức đánh giá cao, khi họ đến nghiên cứu khoa học tại đảo Rều.
Cuộc sống hàng ngày phải xa các con, chị Tiếp thấy thêm yêu những con khỉ mẹ khi nhìn chúng ôm ấp con. Chị Tiếp kể câu chuyện cảm động là tình mẹ con của khỉ vào thời điểm vợ chồng chị mới công tác trên đảo. Thời ấy, anh em trên đảo nuôi một con chó berge rất to, buổi trưa có con chó đang ngủ, bọn khỉ từ trên cây nhảy xuống kéo đuôi con chó trêu chọc, khiến con chó bực mình thức giấc. Đàn khỉ bỏ chạy hết, vô tình lúc đó có 2 mẹ con khỉ đi qua, con chó vì mới ngủ dậy tưởng mẹ con khỉ trêu mình nhảy xồ vào cắn. Khỉ mẹ bị bất ngờ nên chỉ còn kịp nằm sấp dùng tấm thân che cho con. Khi các nhân viên của đảo chạy đến nơi gỡ con chó ra thì khỉ mẹ đã bị cắn chết, nhưng nó đã bảo vệ được con mình. Bình thường, khỉ mẹ nuôi con, chúng thường ôm con trước ngực, cõng trên lưng, gần như suốt ngày, suốt đêm khỉ con bám vào mẹ. Có khỉ con ốm chết mà khỉ mẹ vẫn cứ ôm con trong lòng không rời, chỉ đến khi xác khỉ con trở thành bộ xương trắng, khỉ mẹ mới chịu chôn khỉ con ở gốc cây nào đó...
Bây giờ, các con chị Tiếp cũng đã lớn học đại học và THPT nên chị cũng nguôi nhớ con phần nào. Tết Nguyên đán sắp đến gần, mọi người chia nhau luân phiên về đất liền, có người ăn tết ngoài đảo, trong đó có cả những người phụ nữ, vì công việc cho khỉ ăn và quét dọn nhà ăn của khỉ không ngày nào thiếu vắng các chị được.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()