Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 10:34 (GMT +7)
Chuyện những thương binh "tàn nhưng không phế"
Thứ 2, 22/07/2024 | 13:23:05 [GMT +7] A A
Chiến tranh dẫu đã lùi xa, nhưng với nhiều thương, bệnh binh, vết thương do bom đạn vẫn còn hiện hữu trên thân thể, dày vò họ hằng ngày, hằng giờ, nhất là những khi trái gió trở trời. Dù vậy, họ vẫn luôn nỗ lực trong cuộc sống, trở thành những tấm gương tiêu biểu trong các phong trào hoạt động xã hội, phát triển kinh tế và là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
Hành trình đi tìm đồng đội
Trong cái nắng gay gắt của những ngày tháng 7, qua sự giới thiệu của các CCB TP Hạ Long chúng tôi tìm đến gia đình ông Lê Long Triệu, thương binh hạng 1/4 (phường Hà Tu, TP Hạ Long). Dù đi lại khó khăn với chiếc nạng trong tay, nhưng ông Triệu vẫn nhiệt tình đón chúng tôi ở đầu cổng. Trong câu chuyện bên bàn nước, ông Triệu cho biết, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ năm 1969, khi mới 17 tuổi. Năm 1970, ông cùng đồng đội thuộc Tiểu đoàn 4 (mật danh T40), Đoàn 429 đặc công tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nam Bộ. Trải qua 2 năm chiến đấu ông bị thương 3 lần, trong đó có 1 lần bị thương vào đầu, hiện vẫn còn viên đạn nằm gần hốc mắt.
Trở về đời thường, đau đáu nghĩ về những đồng đội đã hy sinh, ông Triệu đã đứng ra thành lập Ban Liên lạc T40 để tìm kiếm và quy tập hài cốt của đồng đội. Dù sức khỏe giảm sút do vết thương cũ tái phát, nhưng ông vẫn dành nhiều tâm trí, thời gian, kinh phí và công sức để đi tìm đồng đội. Hơn chục năm nay, Ban Liên lạc T40 đã tìm được 10 hài cốt của đồng đội để đưa về quê nhà. Cầm những tấm ảnh lưu lại kỷ niệm khi tìm được hài cốt của các đồng đội trên tay, ông Triệu rưng rưng chia sẻ: Mặc dù hiện nay sức khỏe tôi ngày càng yếu dần, nhưng vẫn còn nhiều đồng đội ngã xuống chưa được tìm thấy để đưa về quê hương, nên còn sức đi được là tôi và Ban Liên lạc T40 vẫn tiếp tục đi tìm.
Với ông Triệu, còn sức khỏe đi tìm đồng đội là niềm hạnh phúc lớn lao và cũng là sự tri ân của ông với các anh hùng liệt sĩ, với những đồng đội đã hy sinh trong chiến tranh.
Bên cạnh những chuyến đi tìm hài cốt đồng đội, thương binh Lê Long Triệu còn giúp đỡ trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, đồng thời tham gia đóng góp vào nhiều chương trình tri ân. Nổi bật trong đó là tham gia hỗ trợ các chương trình tri ân những chiến sĩ, đồng đội đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc như: Linh thiêng Việt Nam, Âm vang Trường Sơn, Điện Biên Phủ thiên sử ca huyền thoại… Thương binh Lê Long Triệu được đồng đội gọi là “thương binh đặc biệt” là như thế.
Với những việc làm, đóng góp đầy ý nghĩa của mình, thương binh Lê Long Triệu đã được nhận bằng khen của Bộ LĐ-TB&XH, của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên và nhiều giấy khen vì thành tích trong lao động, sản xuất, trong hoạt động bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi.
Chia tay thương binh Lê Long Triệu, chúng tôi tìm gặp ông Đoàn Văn Tuấn, thương binh hạng 2/4 trú tại phường Thanh Sơn, TP Uông Bí. Vừa cho chúng tôi xem danh sách các liệt sĩ mà ông đã dày công tìm kiếm, thương binh Đoàn Văn Tuấn vừa kể về quá trình tham gia chiến đấu và tìm đồng đội.
Ông Tuấn nhập ngũ tháng 2/1968, suốt 24 năm quân ngũ, tham gia chiến đấu tại khắp các chiến trường B trong kháng chiến chống Mỹ, tham gia quân tình nguyện tại Lào, Campuchia, tham gia chiến đấu tại Cao Bằng, Hà Giang bảo vệ biên giới Tổ quốc. Năm 1991, ông Tuấn nghỉ hưu với quân hàm thượng tá, trở về với cuộc sống đời thường, không chỉ vươn lên phát triển kinh tế gia đình, mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Ông Tuấn có 16 năm tham gia cấp ủy khu phố, 12 năm làm Bí thư chi bộ, 8 năm tham gia Ban Chấp hành Hội CCB phường Thanh Sơn, 5 năm là ủy viên MTTQ phường.
Từng là người lính trải qua sự khốc liệt của chiến tranh, ông Tuấn luôn hiểu và trân trọng tình nghĩa thiêng liêng của đồng đội, nên sau khi nghỉ hưu, suốt 16 năm qua ông đã tích cóp tiền bạc, dành nhiều tâm trí, thời gian, công sức trở lại chiến trường xưa đi tìm đồng đội. Ông Tuấn chia sẻ: Những bộ hồ sơ liệt sĩ, danh sách đồng đội, đồng chí đã hy sinh, cùng những tấm bản đồ chiến tuyến năm xưa luôn là hành trang được tôi gìn giữ, đồng hành trong mỗi chuyến đi.
Hiện ở tuổi ngoài 70, sức khỏe đã giảm sút nhiều do vết thương cũ tái phát, nhưng thương binh Đoàn Văn Tuấn vẫn luôn tâm niệm sẽ tiếp tục đi tìm kiếm đồng đội. Đối với ông tìm thấy hài cốt đồng đội là niềm vui, là hạnh phúc và tự hào.
Có thể nói, với những người lính đã từng trải qua những năm tháng chiến tranh, chứng kiến những mất mát, hy sinh của đồng đội, họ càng cảm nhận giá trị của những năm tháng hoà bình. Để rồi, trong thời chiến cũng như thời bình, khi rời quân ngũ, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn tỏa sáng.
Gương mẫu trong cuộc sống
Rời quân ngũ trở về địa phương với thương tật trên thân thể, những người thương binh vẫn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ “tàn nhưng không phế”, tiếp tục gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, tham gia xây dựng chính quyền cơ sở, trở thành những tấm gương sáng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Theo chân cán bộ xã Dân Chủ (TP Hạ Long) chúng tôi đến thăm mô hình trồng cây ăn quả của thương binh hạng 3/4 Đinh Mạnh Đới. Bên tách trà nóng và đĩa ổi giòn ngọt hái từ vườn nhà, thương binh Đinh Mạnh Đới kể cho chúng tôi nghe về quãng thời gian ông tham gia kháng chiến và rời quân ngũ trở về địa phương phát triển kinh tế.
“Tôi có gần 10 năm tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, rời quân ngũ về sống ở xã miền núi, điều kiện canh tác, sản xuất nông nghiệp hạn chế. Năm 2008, từ tìm hiểu được biết giống ổi Đài Loan đang được rất nhiều nông dân trong nước trồng và cho hiệu quả kinh tế cao, tôi đã đến Viện Nghiên cứu giống cây trồng Trung ương mua 200 cây giống để trồng thử nghiệm. Nhận thấy hiệu quả, tôi đã cải tạo 3ha vườn tạp để trồng ổi. Đến nay, tôi có 1.500 cây ổi, mỗi cây cho 30-40kg quả/năm, thu lãi trên 200 triệu đồng/năm" - ông Đới chia sẻ.
Có thể nói thương binh Đinh Mạnh Đới là người đầu tiên đưa giống ổi lê Đài Loan về trồng thành công ở địa phương. Nhờ được áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc trồng và chăm sóc, “Ổi ông Đới” đã có được thương hiệu, cho năng suất cao, chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng. Theo Chủ tịch UBND xã Dân Chủ, từ hiệu quả kinh tế của mô hình trang trại gia đình ông Đới, đến nay mô hình trồng ổi lê Đài Loan đã được nhân rộng lên hàng chục ha ở Dân Chủ, quả ổi của địa phương đã trở thành một trong những sản phẩm OCOP có tiếng của tỉnh. Nhiều năm qua, thương binh Đinh Mạnh Đới được xã và các cơ quan cấp trên khen thưởng, công nhận là nông dân sản xuất giỏi.
Cũng như thương binh Đinh Mạnh Đới, thương binh hạng 2/4 Vũ Tiến Thanh (phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long) tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị từ tháng 2/1968. Năm 1969 ông Thanh bị thương, mất một chân trong trận chiến đấu ở tuyến đường Trường Sơn. Trở về quê hương, người thương binh hạng 2/4 Vũ Tiến Thanh vẫn tích cực phát triển kinh tế và là Chi hội trưởng Chi hội Nạn nhân chất độc da cam, Chi hội trưởng Chi hội CCB khu 4, phường Trần Hưng Đạo; tích cực tham gia phong trào thi đua “CCB gương mẫu”, mô hình “Thắp sáng đường quê”...
Chiến tranh đã lùi xa, ký ức hào hùng về những năm tháng rực lửa vẫn luôn vẹn nguyên trong mỗi người lính. Dù vẫn phải chịu đớn đau bởi thương tích mang trong người, nhưng những người lính Cụ Hồ vẫn không đầu hàng trước mọi khó khăn, thử thách của cuộc sống.
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày đất nước được hòa bình độc lập, cùng với cả nước, Quảng Ninh đang vươn mình đổi thay mạnh mẽ. Và trong đó, những người thương binh ở mảnh đất vùng Đông Bắc Tổ quốc này luôn phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu trên mọi lĩnh vực, bởi tình yêu quê hương, đất nước đã tiếp thêm động lực để họ dồn tâm sức, nỗ lực góp phần xây dựng quê hương Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Ngọc Trâm
Liên kết website
Ý kiến ()