Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:15 (GMT +7)
Cơ hội nào để xuất khẩu gạo chạm mốc 7 triệu tấn năm 2023?
Thứ 5, 30/03/2023 | 09:09:16 [GMT +7] A A
Xuất khẩu gạo luôn là mặt hàng trọng điểm trong xuất khẩu nông sản nói riêng cũng như xuất khẩu nói chung của Việt Nam.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, biến động địa - chính trị giữa các nước hay lạm phát gia tăng nhưng xuất khẩu gạo vẫn đạt được nhiều bước tiến đáng kể cả về số lượng và trị giá. Đặc biệt, việc giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang dẫn đầu các nước xuất khẩu gạo suốt nhiều tháng qua, các chuyên gia thương mại dự báo, kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2023 sẽ đạt khoảng 7 triệu tấn với giá trị kim ngạch ước tính khoảng 4 tỷ USD.
Cửa rộng cho xuất khẩu
Tại báo cáo gửi Chính phủ về tình hình xuất khẩu gạo năm 2022 và phương hướng xuất khẩu gạo năm 2023, Bộ Công Thương cho biết, châu Á tiếp tục là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất trong năm 2022, đạt 4,96 triệu tấn, chiếm gần 71% trong tổng lượng xuất khẩu, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng đó, châu Phi là thị trường khu vực xuất khẩu lớn thứ hai, đạt gần 1,25 triệu tấn, chiếm 17,8% tổng lượng xuất khẩu, tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng lưu ý, dù chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ khoảng 2,45% trong tổng lượng xuất khẩu nhưng khu vực thị trường châu Âu đã có tăng trưởng mạnh lên tới 90,7% so với năm 2021, đạt 172,2 nghìn tấn. Tuy xét về lượng không lớn so với thị trường khu vực khác nhưng giá trị gia tăng lại cao bởi đây là thị trường tiêu thụ sản phẩm gạo thơm chất lượng cao của Việt Nam.
Báo cáo cũng nêu rõ, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất, chiếm 35% tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước (lượng đạt trên 129.323 tấn), giảm 44,7% so với cùng kỳ năm 2022 do nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán kéo dài. Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc chiếm trên 13,2% trong tổng lượng với số lượng 47.424 tấn, tăng 13,2% với cùng kỳ năm 2022.
Đặc biệt, trong những tháng gần đây, giá gạo xuất khẩu luôn ở mức cao, cụ thể như gạo 5% tấm từ mức xấp xỉ 450 USD/tấn, gạo 25% tấm khoảng 430 USD/tấn. Đây là những kết quả rất khả quan. Hiện nay, giá gạo của Việt Nam đã vượt cả giá gạo của Thái Lan và Ấn Độ.
Nhận định từ Bộ Công Thương, thời gian qua, tình hình thương mại hàng hóa toàn cầu nói chung và mặt hàng gạo nói riêng đã phục hồi trở lại sau tác động của dịch COVID-19 nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi tình trạng lạm phát gia tăng tại các khu vực tiêu thụ lớn như Hoa Kỳ, EU; biến động địa chính trị giữa các nước.
Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cùng với giải pháp khơi thông thị trường, lưu thông hàng hóa, việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu với mặt hàng gạo đã ghi nhận được một số kết quả tích cực.
Theo Bộ Công Thương, việc điều hành xuất khẩu gạo đã bám sát tiêu thụ hết lúa gạo cho người nông dân và bảo đảm lợi ích người trồng lúa theo chính sách hiện hành; góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước. Giá thóc, gạo nội địa đã duy trì ở mức đảm bảo có lãi cho người nông dân.
Hơn nữa, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đang đi đúng định hướng, chủng loại gạo trắng thường vẫn chiếm tỷ trọng ổn định (dưới 45% tổng lượng gạo xuất khẩu), tiếp đến gạo thơm và gạo nếp chiếm trên 45% tổng lượng gạo xuất khẩu.
Ngoài ra, xuất khẩu gạo hữu cơ và gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng dù với tỷ trọng còn khiêm tốn nhưng đã làm đa dạng chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam và khẳng định được giá trị hạt gạo xuất khẩu.
Bộ Công Thương khẳng định, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giữ đà tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm 2023, nhiều thời điểm trong các tháng, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ.
Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 15/2/2023, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 463 USD/tấn (FOB), tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2023, bằng với giá gạo của Thái Lan cùng chủng loại, tăng 20 - 23 USD/tấn so với gạo 5% tấm của Ấn Độ, Pakistan.
Thị trường xuất khẩu gạo trong năm 2022 ghi nhận sự tăng trưởng ở tất cả thị trường. Xuất khẩu gạo sang thị trường EU ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc ở mức 94.510 tấn gạo và vượt hạn ngạch 80.000 tấn gạo hàng năm mà EU dành cho Việt Nam theo cam kết từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Điều này cho thấy chất lượng gạo xuất khẩu tiếp tục được khẳng định.
Nâng chất cho sản phẩm
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), mỗi năm Việt Nam sản xuất từ 22 - 23 triệu tấn gạo; trong đó, xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 15%.
Vì vậy, dư địa để gia tăng sản lượng xuất khẩu là khá lớn. Đặc biệt, với việc sản xuất hơn 80% dòng gạo thơm, chất lượng cao đang mở ra cơ hội để ngành hàng này phát triển và vươn xa.
Thực tế đã chứng minh, trong năm 2022 với muôn vàn khó khăn, ngành lúa gạo vẫn luôn giữ được đà tăng trưởng tốt. Đặc biệt, xuất khẩu gạo đang tăng cả về giá và số lượng, thậm chí có những thời điểm, gạo của Việt Nam có giá trị cao hàng đầu thế giới. Kết quả này đã thể hiện hướng đi đúng trong việc chuyển hướng tăng cường sản xuất gạo chất lượng cao của ngành nông nghiệp.
Theo ông Trần Thanh Hải, bên cạnh nỗ lực sở tại với hoạt động sản xuất lúa gạo, thời gian vừa qua các bộ, ngành đã có sự hỗ trợ các doanh nghiệp để chuyển đổi như tìm kiếm giống lúa mới, mở rộng vùng trồng để qua đó nâng cao chất lượng hạt gạo, tập trung vào các chủng loại gạo cao cấp, gạo thơm…
Đối với thị trường bên ngoài, yếu tố khách quan có thể thấy Ấn Độ vẫn đang duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo, điều này cũng tạo ra sự khan hiếm nhất định trên thị trường thế giới. Trong khi đó, các nước như Trung Quốc, Philippines, Indonesia lại đang có nhu cầu mua gạo tăng trở lại.
Đặc biệt là với Indonesia, lượng gạo xuất khẩu từ Việt Nam sang mặc dù số lượng còn thấp nhưng mức độ tăng trưởng rất cao đang tạo ra một thị trường tiềm năng rất lớn trong tương lai. Đáng lưu ý, nước này dự kiến sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia trong năm 2023, mở ra cơ hội xuất khẩu cho gạo Việt Nam.
Nhận định từ các chuyên gia thương mại, có thể thấy rằng, năng lực sản xuất gạo của Việt Nam rất tốt, về cơ bản sẽ có được nguồn cung xuất khẩu gạo ổn định. Còn đối với vấn đề thị trường, nếu Ấn Độ vẫn tiếp tục duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng như các thị trường xuất khẩu gạo khác.
Hơn nữa, việc các nước hiện nay cũng đang mở rộng nhu cầu mua, nhất là các thị trường truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, Philippines cũng sẽ giúp cho việc đảm bảo được lượng gạo xuất khẩu năm nay, phấn đấu đạt xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn, trị giá gần 4 tỷ USD.
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) dự báo, xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục thuận lợi. Trong ngắn hạn, giá gạo vẫn ở mức tốt do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Lương thực Phương Đông cho biết, giá gạo dự kiến sẽ vẫn ở mức cao do nhiều quốc gia đang mua để tăng dự trữ quốc gia; trong đó, có cả Philippines, Trung Quốc và Indonesia.
Đáng lưu ý, từ năm 2019 đến nay, khi Philippines chấm dứt điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với mặt hàng gạo giúp xuất khẩu gạo sang thị trường này luôn tăng mạnh.
Mặc dù thuận lợi về mặt thị trường nhưng doanh nghiệp ngành gạo lại đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Bởi vậy, doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khươi thông nguồn vốn. Đặc biệt trong giai đoạn thu hoạch rộ vụ Đông Xuân đang đến gần.
Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu gạo năm nay có thể chạm ngưỡng 7 triệu tấn do sự quay trở lại của các thị trường như Indonesia, Bangladesh. Trung Quốc mở cửa lại sau dịch khiến nhu cầu nhập khẩu tăng.
Đối thủ của gạo Việt là Ấn Độ áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và thuế 20% với gạo trắng, nên các đối tác sẽ tìm tới thị trường có giá cạnh tranh hơn; trong đó, có Việt Nam. Gạo trắng chiếm 45% trong cơ cấu xuất khẩu, còn lại là gạo thơm, gạo nếp, gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức tiềm ẩn cho xuất khẩu gạo năm nay do thương nhân còn hạn chế trong chiến lược đa dạng hóa thị trường. Hơn nữa, thị trường xuất khẩu gạo vẫn có dấu hiệu thiếu bền vững, phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines (thị trường nhập lớn nhất, chiếm hơn 45% tổng gạo xuất khẩu của Việt Nam).
Đáng lưu ý, gạo xuất khẩu Việt Nam cũng gặp cạnh tranh từ các nguồn cung giá rẻ khác như Ấn Độ, Pakistan; chi phí sản xuất tăng do giá vật tư nông nghiệp đầu vào leo thang, đẩy giá thành thu mua thóc, gạo hàng hóa lên cao.
Thực tế này gây áp lực cho thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, trong khi giá chào xuất khẩu tăng chưa nhiều. Đồng thời, giá cước vận tải quốc tế giảm so với thời điểm 2021 nhưng vẫn ở mức cao, nhất là từ khi xung đột Nga – Ukraine xảy ra.
Do vậy, bên cạnh những chính sách hỗ trợ từ Bộ Công Thương trong việc bám sát thị trường và xúc tiến thương mại, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc để tận dụng tối đa ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do nhằm gia tăng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()