Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 16:11 (GMT +7)
Đưa sản phẩm bánh đa truyền thống ra thị trường
Chủ nhật, 30/05/2021 | 07:44:34 [GMT +7] A A
Tìm tòi nguyên liệu tốt, kinh nghiệm nghề được đúc kết hàng chục năm cùng định hướng đổi mới sản xuất… là những yếu tố đã đưa sản phẩm bánh đa cơ sở Phúc Anh (TP Cẩm Phả) từ sản phẩm truyền thống ra thị trường. Được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, bánh đa Phúc Anh hiện được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh.
Cơ sở sản xuất bánh đa Phúc Anh ở phường Cẩm Thuỷ (TP Cẩm Phả) có nhà xưởng khá rộng, dây chuyền tự động, khép kín, đồng bộ. Ban đầu, cơ sở chỉ là nơi sản xuất sản phẩm truyền thống phục vụ thị trường nhỏ hẹp. Nhờ đổi mới cách làm, sản phẩm của đơn vị nay được tiêu thụ rộng khắp, trở thành sản phẩm sạch, được công nhận OCOP 2017.
Để có thành quả đó, cơ sở đã vượt khó, tìm tòi cải tiến, nâng cao từ chất lượng đến hình thức sản phẩm, xây dựng sản phẩm OCOP thân thiện, hướng đến người tiêu dùng. Chị Nguyễn Thị Vận, chủ cơ sở kể về quá trình phát triển sản phẩm: Năm 1986, gia đình tôi ra vùng Mỏ lập nghiệp, mang theo nghề làm bánh đa truyền thống của quê hương Hải Dương.
Tới năm 1992, gia đình tôi mới bắt đầu làm bánh đa. Ban đầu chỉ làm thủ công, xay cối đá, tráng, phơi phên… với sản lượng chừng 10-15kg gạo/ngày, bán cho người quen và các hàng quán gần đó. Nhờ sự khéo tay, kinh nghiệm hàng chục năm gia truyền, bánh đa thủ công của gia đình dần chiếm được tình cảm của người tiêu dùng vùng Mỏ Cẩm Phả.
Năm 2017, cơ sở quyết định mở rộng sản xuất và từ đó tới nay, cơ sở đã đầu tư gần 3 tỷ đồng cho dây chuyền sản xuất, mở rộng nhà xưởng, sân phơi, nhà sấy... trên tổng diện tích hơn 750m2. Ngoài đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, yếu tố quyết định thành công của sản phẩm chính là tìm tòi các loại nguyên liệu phù hợp, kết hợp với kinh nghiệm làm bánh đa truyền thống của gia đình.
Chị Vận chia sẻ: “Để bánh đa thơm ngon, trắng, gạo ngon đóng vai trò quyết định tới hương vị, hình thức sản phẩm. Vì thế, tôi đã lựa gạo Mộc tuyền và Khang dân, hạt to, trắng được trồng ở vùng quê lúa Đông Triều. Kỹ thuật ngâm và xay xát gạo cũng được coi trọng. Gạo được vo sạch, ngâm qua chỉ chừng 3 tiếng đủ độ ngấm, không tạo vị chua, nguyên vị thơm, ngậy rồi chuyển đi xay, lọc kỹ, nêm thêm dầu ăn rồi đưa vào dây chuyền tráng luôn. Gạo ngon, cách ngâm quyết định bánh đa mềm, trắng, dẻo và có hương vị thơm" .
Ngoài ra, nhờ sự hỗ trợ của máy móc, sản phẩm cũng được cải thiện đáng kể về chất lượng. Theo đó, thay vì phải giã thủ công, không đảm bảo chất lượng bột, nay gạo được xay bằng máy xay công nghiệp đảm bảo bột mịn, đều, đặc và liên kết hơn.
Việc tráng bánh được thực hiện trên dây chuyền máy móc. Bột tự động đi lên giàn tráng và được hấp chín bằng hơi. Công đoạn này vừa tạo ra sản phẩm đẹp mắt, diệt vi khuẩn ở nhiệt độ cao, giúp tiết kiệm thời gian sản xuất, tăng chất lượng, thẩm mỹ cho sản phẩm.
Bánh đa ở công đoạn này, sau khi tráng, chỉ sấy khô 80% ngay trên dây chuyền nên khi ra lò công nhân có thể dễ dàng cắt, xếp thành cuộn. Sau đó mới được đưa vào nhà sấy ở nhiệt độ 27-35 độ để bánh đa khô ráo, có màu trắng đục, thơm.
Nhờ đó, sản phẩm có thể bảo quản được trên 6 tháng mà hoàn toàn không dùng hoá chất hay phụ gia cấm mà chỉ gồm nước sạch, gạo ngon và dầu ăn.
Chị Vận, chủ cơ sở sản xuất chia sẻ thêm: "Sản phẩm đặc trưng bởi màu trắng đục, hơi giòn, dễ gãy chứ không trắng bóng và dai. Khi chế biến dễ chín, chỉ cần rửa qua nước nguội, rồi chan nước dùng nóng già là chín, rất mềm, ngon và bện gia vị".
Như vậy, từ thay đổi dây chuyền sản xuất, đúc rút kinh nghiệm, bánh đa Phúc Anh từ sản phẩm truyền thống đã ra thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao. Sản phẩm được chứng nhận đảm bảo vệ sinh ATTP và được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao năm 2017.
Đến nay, sản phẩm bánh đa của cơ sở không chỉ có mặt ở thị trường Quảng Ninh mà được người tiêu dùng ở các tỉnh bạn như: Lạng Sơn, Yên Bái, Hà Nội… đón nhận.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()