Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:45 (GMT +7)
"Cô Tô hôm nay phát triển hơn rất nhiều so với thời chúng tôi mới ra đảo"
Thứ 7, 23/03/2024 | 16:21:00 [GMT +7] A A
Ông Nguyễn Văn Lộc ở khu 3, thị trấn Cô Tô, sinh năm 1936, được kết nạp Đảng năm 1964, nguyên Chủ nhiệm HTX nghề cá Minh Châu, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Hành chính xã Minh Châu. Ông Lộc là đảng viên cao tuổi nhất ở Cô Tô. Hiện gia đình ông đặc biệt có đến 3 thế hệ kiên trì bám biển. Ông Lộc cũng là người chứng kiến mọi đổi thay của huyện đảo từ trước khi thành lập. Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập huyện Cô Tô (1994-2024), phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc phỏng vấn với ông - người đảng viên 60 năm tuổi Đảng.
Trong căn nhà ấm cúng nhìn ra ngã tư thị trấn Cô Tô, ông Nguyễn Văn Lộc ôn tồn kể:
+ Tôi vốn sinh ra lớn lên ở Minh Châu muốn được đi bộ đội lắm nhưng vì hồi đó chưa đủ sức khoẻ phải chờ đợi. Rồi tôi làm nghề vận tải biển, làm nghề đánh cá. Tôi còn nhớ rõ như in vào ngày 25/6/1978, lúc đó tôi là Phó Chủ tịch xã, Chủ nhiệm HTX phụ trách nghề cá Minh Châu thì nhận được lệnh đưa đoàn ra Cô Tô lập nghiệp. Lúc đó, tôi là một trong 6 đảng viên được giao nhiệm vụ đưa dân ra Cô Tô. Cả thảy có 32 hộ dân với 131 nhân khẩu. Đặc biệt, có hộ gia đình chỉ có một người.
- Những người dẫn dắt đoàn di dân năm đó tại sao phải có 6 đảng viên thưa ông?
+ Đảng viên đi trước làng nước theo sau mà. Cùng với tôi sang Cô Tô năm đó có các đồng chí Bùi Văn Vịnh là Chủ tịch xã làm Trưởng đoàn, đồng chí Vương Văn Dượng, đồng chí Nguyễn Văn Ung, đồng chí Vương Văn Khai và đồng chí Nguyễn Văn Điều. Đảng viên ra giữ đảo giữ đất, giữ biển là đúng rồi. Đảng viên là người chuyển tải chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân, đặc biệt có ý nghĩa với dân mới ra làm kinh tế trên đảo.
- Ông có nhớ tình hình Cô Tô lúc đó thế nào...
+ Chúng tôi cập thuyền vào bờ nhưng phải ở tạm bãi biển dựng lán trại để chờ được phân nhà làm chỗ ở. Những ngày sau đó chúng tôi có thêm những người hàng xóm ở Bản Sen rồi Quan Lạn, rồi đảo Trà Ngọ sang nữa. Thực ra, ở các đảo này không ít thì nhiều chúng tôi đều có họ hàng bà con liên quan đến nhau.
Dù vậy, nhưng Cô Tô lúc đó vắng lặng thưa thớt vài nóc nhà. Bãi biển hoang sơ đầy dứa dại. Nhiều khi bà con không dám ra đường một mình vì sợ. Đường sá đi lại thì nhỏ bé lầy lội toàn đường đất hoặc là bờ ruộng khoai, nhìn đâu cũng thấy cát là cát. Mỗi lần có bão là lo lắng vô cùng. Nhà tôi mấy lần bị bão hất tung mái, sau bão phải tốn tiền tốn công lợp lại.
- Những người dân Cô Tô đầu tiên như ông đã làm gì để nuôi gia đình vào thời điểm đó?
+ Tất nhiên là tiếp tục đánh cá rồi. Tôi được cử làm Phó Chủ nhiệm HTX nghề cá Cô Tô. Chúng tôi đánh cá khắp vùng biển này thậm chí sang cả khu vực đảo Bạch Long Vỹ để đánh bắt. Cá sẵn nhưng lương thực ít, vậy là chúng tôi bắt đầu cày cấy lúa, trồng khoai. Mỗi lao động đánh cá của HTX lại được phân phối gạo mỗi tháng 21 cân. Khoai và lúa đến mùa được gặt nên thực ra ở đảo không có ai phải đói ngày nào.
- Thời điểm này 30 năm trước, khi nghe tin Cô Tô được tách ra trở thành huyện Cô Tô, cảm xúc của ông cũng như những người dân trên đảo lúc đó thế nào?
+ Năm 1994, xã Cô Tô tách ra khỏi Cẩm Phả huyện để thành lập huyện Cô Tô, bà con nhân dân chúng tôi vui mừng khôn xiết. Ai nấy đều ủng hộ chủ trương, đường lối thành lập huyện. Cô Tô phải lên thành huyện mới xứng tầm vóc của nó.
Lại nhớ lúc đó, từ quê hương Minh Châu sang, tôi thôi không tham gia HĐND xã Minh Châu mà tham gia HĐND xã Cô Tô, rồi sau đó làm đại biểu HĐND huyện hai khoá liên tiếp.
Thấm thoát đã 30 năm rồi, từ khi thành lập huyện, còn nếu kể từ ngày chúng tôi ra đảo thì đã 56 năm, Cô Tô từng bước đi lên. Cũng trong 30 năm qua, mỗi đợt họp HĐND huyện, tôi đều theo dõi dù tôi có làm đại biểu hay là đã nghỉ thì vẫn theo dõi.
- Về sự từng bước đi lên của Cô Tô, ông có thể cho biết vài ví dụ cụ thể?
+ Thì trước mắt chúng ta đang hiển hiện đó thôi. Nhớ lại thời tôi mới ra đảo không thể so bì được với hôm nay. Bờ ruộng năm nào đã thành đường nhựa, đường bê tông rộng lớn, bãi cát đã mọc lên khách sạn cao tầng, nhà dân nào cũng kiên cố chẳng còn sợ gió bão. Xe cộ đầy đủ cả những xe điện, xe ô tô hiện đại. Đường thông hè thoáng dễ đi lại.
Toàn bộ huyện đảo thay đổi diện mạo từng ngày. Nhà cửa khang trang. Âu tàu rồi khu dịch vụ hậu cần nghề cá hiện đại. Tàu cao tốc ra đảo cũng nhiều hơn, thuận tiện hơn, nhanh hơn. Chỉ hơn tiếng là ra đến nơi. Dân các nơi ở đâu đến đây làm ăn đều được hỗ trợ. Khách du lịch đông hơn và cũng được đảm bảo an ninh an toàn tuyệt đối.
Từ khi điện lưới quốc gia về đến đảo, đời sống của bà con văn minh hơn. Bà con trên đảo sống với nhau nghĩa tình, bảo ban nhau làm ăn, giữ gìn môi trường sống, không dùng túi nilon, không xả rác bừa bãi, quyết tâm xây dựng hình ảnh đẹp để thu hút khách du lịch. Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc đến nhân dân trên đảo. Nhân dân ấm no hạnh phúc tin tưởng theo Đảng tuyệt đối.
Có thể nói, Cô Tô hôm nay gấp hàng chục, hàng trăm lần thời chúng tôi mới bước chân lên đảo. Quả thực lúc đó chúng tôi không hình dung được. Tôi còn sống để chứng kiến ngày hôm nay là may mắn hơn những người trong đoàn di dân năm đó. Tôi cũng may mắn được gặp nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo trung ương mỗi khi có đoàn đến thăm Cô Tô.
- Được biết, giờ ông vẫn còn ham mê đánh cá?
+ Vẫn còn đánh lưới nhưng chỉ đánh gần bờ thôi (cười). Những khi thời tiết ấm áp và sức khoẻ cho phép, tôi lại vác lưới ra biển. Ăn uống thì giờ tuổi này rồi chả nhiều nhặn gì đâu nhưng mà vui. Bữa chỉ lưng bát cơm với vài con cá. Nhưng nó ngon bởi cá tự tay mình bắt được. Đánh cá là sở thích đam mê, là nghề nghiệp của tôi từ thời trai trẻ. Chỉ tiếc cá bây giờ không còn nhiều như thời tôi. Vì thế, việc đánh cá cũng khó khăn hơn, phải đầu tư nhiều hơn. Tôi yêu Cô Tô, yêu biển, yêu nghề cá.
Cô Tô đã cho tôi tất cả. Cho tôi con đàn cháu đống gần gũi bà con anh em họ hàng. Cho nhà cửa miếng cơm manh áo, phụ cấp lương hưu lúc tuổi già. Cô Tô vẫn cho con cá, củ khoai. Tôi nghĩ mình sống thân ở Cô Tô, chết hồn ở lại với Cô Tô. Con cái tôi có hai đứa trên bờ nhưng tôi quyết không đi đâu cả. Hồn cốt của tôi đã gắn bó với đất này.
- Cám ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Phạm Học (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()