Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 22:42 (GMT +7)
Cô Tô khắc ghi lời Bác dạy
Thứ 7, 08/05/2021 | 09:17:22 [GMT +7] A A
Cách đây 60 năm, ngày 9/5/1961, quân, dân huyện đảo Cô Tô đã vinh dự được đón Bác Hồ ra thăm. Tại đây, Bác đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm tới đồng bào các đảo, mong đồng bào đoàn kết, cố gắng và tiến bộ”. Thực hiện lời dạy của Người, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Cô Tô đã và đang ra sức xây dựng hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc ngày càng giàu mạnh.
Huyện đảo Cô Tô hôm nay. |
Bà Trần Thị Trác (khu 4, thị trấn Cô Tô), một trong những người tham gia sự kiện đón Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô ngày 9/5/1961, kể: "Khi đó, tôi đang là dân quân được cử cùng với bộ đội đảo làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự cho buổi lễ đón Bác. Do yêu cầu bí mật an ninh, tôi cùng mọi người chỉ được quán triệt rằng chuẩn bị "đón khách trung ương". Mặc dù đã hơn nửa thế kỷ, nhưng tôi vẫn nhớ như in buổi nói chuyện của Bác với quân và dân trên đảo hôm đó. Bác căn dặn Cô Tô nhiều điều. Tôi khắc ghi mãi điều Bác dạy đồng bào phải chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng đảo, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh".
Đã hơn nửa thập kỷ kể từ ngày Bác ra thăm huyện đảo, thực hiện di nguyện của Người, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng cấp ủy, chính quyền địa phương qua các thời kỳ đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến huyện đảo. Đã có rất nhiều chủ trương, nghị quyết của trung ương, của tỉnh được ban hành, tạo điều kiện để Cô Tô cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô. |
Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau từ trung ương đến địa phương, đến nay đã có trên 2.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước được hỗ trợ cho huyện đảo đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, hạ tầng y tế, giáo dục phục vụ sự phát triển bền vững của nhân dân huyện đảo.
Từ một huyện cơ sở hạ tầng thấp kém, kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào khai thác, đánh bắt thủy sản, đến nay Cô Tô đã có một hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hiện đại, một đô thị xanh, sạch với đa dạng ngành nghề kinh tế. Nổi bật trong đó phải kể đến tuyến đường xuyên đảo Cô Tô; khu dịch vụ thương mại; hồ chứa nước ngọt Trường Xuân; khu hậu cần nghề cá; trung tâm y tế và hệ thống các trường, lớp học được đầu tư bề thế, khang trang.
Giai đoạn 2015-2020, tăng trưởng kinh tế bình quân của Cô Tô đạt 15,65%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng dựa trên lợi thế của huyện, trong đó: Thương mại - dịch vụ chiếm 60,2%; công nghiệp - xây dựng chiếm 15,5%; nông nghiệp chiếm 23,7%. Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước năm sau cao hơn năm trước 10% và hằng năm đều vượt trên 10% so với dự toán tỉnh giao. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 57 triệu đồng năm 2015 lên trên 90 triệu đồng năm 2020.
Tuyến đường xuyên đảo Cô Tô được đầu tư nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. |
Bà Phạm Thanh Măng (thị trấn Cô Tô) chia sẻ: Cô Tô luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, thu nhập. Bằng nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước, đến nay gia đình tôi đã đầu tư được cơ sở lưu trú phục vụ du khách ăn, nghỉ; đồng thời tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật sơ chế, chế biến thủy sản mang thương hiệu OCOP Cô Tô, góp phần nâng cao giá trị thành phẩm.
Không chỉ quan tâm phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền huyện còn không ngừng nâng cao chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên, xây dựng hệ thống chính quyền các cấp tinh gọn, trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, gắn với đảm bảo chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Cô Tô cũng là một trong những địa phương được tỉnh lựa chọn xây dựng mô hình Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch UBND huyện; là huyện đi đầu trong thực hiện Đề án 25 của tỉnh về sắp xếp, sáp nhập một số cơ quan, đơn vị có chức năng tương đồng. Hiện 100% thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn là bí thư cấp ủy; 100% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn (khu phố).
Trên địa bàn huyện Cô Tô hiện có trên 200 cơ sở lưu trú du lịch. |
Từ những kết quả có được trong phát triển kinh tế và xây dựng hệ thống chính trị, Cô Tô đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Quyết định số 2476/QĐ-TTg, ngày 30/12/2015). như vậy Cô Tô là địa phương cấp huyện thứ 2 của tỉnh (sau TX Đông Triều) và là huyện đảo đầu tiên trong cả nước cán đích nông thôn mới. Cô Tô đang bước vào giai đoạn mới, giai đoạn của những hoạch định chiến lược, khi mà Tập đoàn Sun Group đang triển khai nghiên cứu, lập quy hoạch phát triển Cô Tô theo hướng dịch vụ du lịch chất lượng cao gắn với những tiềm năng, lợi thế sẵn có và đảm bảo quốc phòng - an ninh vững chắc.
Ông Lê Hùng Sơn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, cho biết: Hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Cô Tô ngày càng trù phú, giàu đẹp. Ðây cũng chính là thành quả thấm đẫm mồ hôi của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo đã đoàn kết một lòng xây dựng hòn đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc Tổ quốc. Thực hiện lời dạy của Bác, tiếp nối thành quả của những thế hệ đi trước, Cô Tô sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để tập trung phát triển, xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Trước mắt triển khai sớm việc đầu tư các công trình dự án khung, mang tính động lực, có tính lan tỏa cao, tạo tiền đề huy động các nguồn lực từ khu vực ngoài nhà nước, các nhà đầu tư chiến lược vào đầu tư tại Cô Tô. Cùng với đó tích cực thực hiện Quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 huyện đảo Cô Tô đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và các Quy hoạch phân khu 1/2000 của các xã, thị trấn theo đúng nội dung được phê duyệt; triển khai Đề án tổng thể về quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô của tỉnh, tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, đặc sắc, hướng tới xây dựng Cô Tô trở thành trung tâm du lịch biển, đảo chất lượng cao, trung tâm vui chơi, giải trí đẳng cấp quốc tế.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()