Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:17 (GMT +7)
Cô Tô - Một thời gian khó...
Chủ nhật, 16/06/2024 | 14:32:45 [GMT +7] A A
Cô Tô cuối thập niên 70 của thế kỷ trước chưa thể gọi là đảo hoang vì ít nhất còn 10% dân số nhưng 6 đảng viên đưa gia đình đến lập nghiệp thì hệt như 'Robinson" vượt sóng, đứng mũi chịu sào để có được một huyện đảo sầm uất, yên vui như hiện nay.
Vượt sóng ra đảo lập nghiệp
Ông Nguyễn Văn Lộc sinh năm 1936, được kết nạp đảng viên Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) năm 1964, nguyên Chủ nhiệm HTX Nghề cá Minh Châu, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban hành chính xã Minh Châu là đảng viên cao tuổi nhất ở Cô Tô hiện nay.
Ông Lộc nhớ lại: Tháng 5/1978, đồng bào dân tộc Hoa ở Cô Tô bỏ đi tứ tán, dân số trên đảo chỉ khoảng còn 10% so với trước đó. Tháng 7 năm ấy, tỉnh điều ông cùng 5 đảng viên khác từ đảo Minh Châu đưa dân Minh Châu ra Cô Tô tiếp quản nghề cá người Hoa bỏ dở.
Ông Lộc vốn sinh ra lớn lên ở Minh Châu làm nghề vận tải biển, nghề đánh cá. Ông Lộc còn nhớ rõ như in vào ngày 25/6/1978, lúc đó đang là Phó Chủ tịch xã, Chủ nhiệm HTX Nghề cá Minh Châu thì nhận được lệnh đưa đoàn ra Cô Tô lập nghiệp. "Lúc đó, tôi là một trong 6 đảng viên được giao nhiệm vụ đưa dân ra Cô Tô. Đảng viên đi trước dân đi sau. Cả thảy có 32 hộ dân với 131 nhân khẩu. Đặc biệt, có hộ gia đình chỉ có một người"- ông Lộc hồi tưởng.
Sang Cô Tô năm đó với ông Lộc có ông Bùi Văn Vịnh là Chủ tịch xã làm Trưởng đoàn, cùng với các đảng viên khác là Vương Văn Dượng, Nguyễn Văn Ung, Vương Văn Khai và Nguyễn Văn Điều. Tôi thắc mắc, sao lúc đó đảng viên rất ít mà cứ phải cử đảng viên, ông Lộc ôn tồn giải thích: "Nhất định phải vậy vì đảng viên ra giữ đảo giữ đất, giữ biển là đúng rồi. Đảng viên là người chuyển tải chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân, đặc biệt có ý nghĩa với dân mới ra làm kinh tế trên đảo".
Nói là nói vậy chứ, khi dắt theo vợ và đàn con sang đảo lạ nước lạ cái, ông Lộc cũng không khỏi hoang mang. Ông Lộc kể: "Chúng tôi cập thuyền vào bờ nhưng phải ở tạm bãi biển dựng lán trại để chờ được phân nhà làm chỗ ở. Những ngày sau đó, chúng tôi có thêm những người hàng xóm ở Bản Sen, rồi Quan Lạn, rồi đảo Trà Ngọ sang nữa. Thực ra, cũng may ở các đảo này không ít thì nhiều chúng tôi đều có họ hàng bà con dây mơ rễ má liên quan đến nhau".
"Dù vậy, nhưng Cô Tô lúc đó vắng lặng, thưa thớt vài nóc nhà. Bãi biển hoang sơ đầy dứa dại. Nhiều khi, bà con không dám ra đường một mình vì sợ. Đường sá đi lại thì nhỏ bé, lầy lội, toàn đường đất hoặc là bờ ruộng khoai. Nhìn đâu cũng thấy cát là cát. Mỗi lần, có bão là lo lắng vô cùng. Nhà tôi mấy lần bị bão hất tung mái. Sau bão phải tốn tiền tốn công lợp lại"- ông Lộc dừng lời, nhìn ra ngoài phố, hồi tưởng xa xăm.
Có túp lều che mưa nắng rồi thì ông Lộc phải nghĩ đến cái ăn. Nhất là không được để vợ con mình đói. Ông nghĩ mình là đảng viên đưa vợ con sang chỗ mới mà khổ hơn là không được. Quyết không thể được. Nghĩ vậy, nên ông và đồng nghiệp quyết tâm mới vực dậy nghề cá. Những người dân Cô Tô đầu tiên như ông Lộc lại tiếp tục đánh cá.
"Tôi được cử làm Phó Chủ nhiệm HTX nghề cá Cô Tô. Chúng tôi đánh cá khắp vùng biển này thậm chí sang cả khu vực đảo Bạch Long Vỹ. Cá sẵn nhưng lương thực ít. Và cũng không ai ăn cá thay cơm được. Chúng tôi bắt đầu cày cấy lúa, trồng khoai. Mỗi lao động đánh cá của HTX lại được phân phối gạo mỗi tháng 21kg/người. Khoai và lúa đến mùa được gặt nên thực ra ở đảo không có ai phải đói ngày nào" - ông Lộc kể.
Ông Lộc thú thực có lúc gian khó tưởng chừng phải bỏ Cô Tô mà về đất liền. Ấy thế nhưng nghĩ mình là đảng viên nên cần cố gắng bám trụ với đảo. Gần nửa thế kỷ ấy ông Lộc dõi theo Cô Tô từng bước đi lên. Trong 30 năm qua, kể từ khi thành lập huyện, ông tham gia HĐND xã Cô Tô, rồi sau đó làm đại biểu HĐND huyện hai khoá liên tiếp. Mỗi đợt họp HĐND huyện, ông đều theo dõi dù có làm đại biểu hay là đã nghỉ hưu rồi.
Cần đảng viên có mặt nơi đầu sóng ngọn gió
Chuyện của ông Lộc kể về 30 năm trước cũng lại là chuyện của một nhóm đảng viên khác ra xây dựng huyện đảo. Ấy là vào năm 1994, xã Cô Tô tách ra khỏi Cẩm Phả huyện để thành lập huyện Cô Tô. Tiếp nối những đảng viên đầu tiên ra Cô Tô như ông Lộc, khi thành lập huyện, toàn bộ những lãnh đạo cốt cán lúc đó đều được điều từ Vân Đồn ra.
Ông Nguyễn Thanh Sửu, người đầu tiên làm Bí thư Huyện uỷ Cô Tô, nhớ lại thời điểm 30 năm về trước (1994): Sau mấy ngày suy nghĩ, tôi đã vạch ra kế hoạch về Cô Tô rồi lên báo cáo Thường trực Tỉnh uỷ. Sau khi nghe xong, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ động viên: "Rất khó khăn đấy nhưng tỉnh cần đồng chí có mặt ở nơi đầu sóng, ngọn gió...". Tôi cũng nói thêm: "Các anh ủng hộ tôi nhé". "Đồng ý" - anh Nguyễn Bình Giang, Bí thư Tỉnh uỷ khi ấy nói. Anh ôm tôi rồi nói thêm: "Ở đó có tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể tuy còn mỏng nhưng còn hơn 2.000 dân trông đợi các đồng chí". Tôi nghĩ, vậy mình phải bám cơ sở và biết dựa vào dân là thành công.
Ngày 19/7/1994, ông Sửu cùng 16 cán bộ huyện đầu tiên trong đó có 1 nữ được tỉnh điều động ra đảo Cô Tô công tác trên một con tàu gỗ. Sau hơn 5 giờ lênh đênh, đoàn đến Cô Tô vào đúng trưa. Khi đó, huyện Cô Tô còn chưa có cảng cập tàu, các chuyến tàu ra đảo đều đỗ ở bãi biển trước tượng Bác. Tàu ra đến nơi là cả bộ đội và nhân dân cùng xắn quần lội ra biển để bốc dỡ hàng hóa lên bờ cho an toàn, bãi biển và đường mòn toàn cát nóng làm chân ai cũng bỏng rộp.
Những năm đó việc đi lại giữa đảo và đất liền khi ấy gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi thời tiết xấu. Mỗi tuần, chỉ có 2 chuyến tàu gỗ ra và vào. Tàu chở khách kèm theo hàng hóa, lương thực, thực phẩm, thư báo, có nhiều hôm chở thêm cả gia súc, gia cầm. Những lúc sóng to nước tràn cả vào khoang tàu, mọi người đều ướt hết, hàng hóa, thư báo cũng dính đầy nước mặn. Thậm chí trước kia, khi chưa có bến cảng gặp hôm gió to, biển động cán bộ và nhân dân phải lội nước hoặc bơi từ thuyền vào huyện khổ cực vô cùng.
Trăn trở để tìm hướng giải quyết khó khăn trên, ông Sửu cùng tập thể lãnh đạo huyện đã họp bàn và thống nhất chủ trương phải sớm xây dựng cầu cảng; kêu gọi, thu hút thêm tư nhân đóng những tàu khách có sức chở lớn, thời gian di chuyển nhanh từ đất liền ra Cô Tô. Những chủ trương đúng đắn cùng với việc vận hành quyết liệt đã làm bộ mặt huyện Cô Tô đổi thay nhanh chóng.
30 năm trước, ông Sửu làm Bí thư Huyện uỷ rồi kiêm chức danh Chủ tịch UBND huyện đến 10 năm, từ năm 1994 đến 2004. Từ năm 2010 đến nay, huyện tiếp tục thực hiện mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND cùng cấp và mô hình này đã được tỉnh nhân rộng.
Từ một huyện đảo “5 không” (không đường, không điện, không trường, không trạm xá, không công trình văn hoá) Cô Tô đã phát triển nhanh chóng không còn là đảo trơ trọi giữa trùng khơi. Từ khi điện lưới quốc gia về đến đảo, đời sống của bà con văn minh hơn. Bà con trên đảo sống với nhau nghĩa tình, bảo ban nhau làm ăn, giữ gìn môi trường sống, không dùng túi nilon, quyết tâm xây dựng hình ảnh đẹp để thu hút khách du lịch. Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc đến nhân dân trên đảo. Nhân dân ấm no hạnh phúc tin tưởng theo Đảng tuyệt đối.
Tôi ngỏ ý muốn xin tấm ảnh chung của cả 6 đảng viên đầu tiên ra đảo thì ông Lộc lắc đầu bảo chịu. Ông Lộc kể trong 6 đảng viên năm ấy cùng đi chỉ mình ông còn sống. Trời thương cho sống để còn có ngày hôm nay thì đã đành nhưng còn một lẽ khác. Với riêng ông đó là tự thân rèn luyện sức khỏe. Đến tận bây giờ dù đã ở tuổi gần 90 nhưng ông Lộc vẫn duy trì niềm đam mê đánh cá. Những khi trời yên biển lặng, sức khoẻ cho phép, ông vẫn vác lưới ra đánh gần bờ kiếm vài con cá, cải thiện bữa ăn gia đình.
Ông Lộc chịu ơn mảnh đất Cô Tô, biển Cô Tô vì nơi đây chẳng những cho ông con cá, con tôm mà còn cho ông tất cả. Ông có nhà, có vợ, có con cháu đầy đàn. Ông Lộc còn sống để chứng kiến ngày hôm nay là may mắn hơn những người trong đoàn di dân năm đó. Ông cũng may mắn được gặp nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo trung ương mỗi khi có đoàn đến thăm Cô Tô.
Ông bảo, cứ yêu mảnh đất mình đang sống đi, đất sẽ không phụ công mình bao giờ. Ông ngồi nhớ lại cái ngày cách đây gần nửa thế kỷ cùng 5 đảng viên khác vượt sóng ra Cô Tô. Tôi thấy, hình như ông đang thầm mỉm cười mãn nguyện.
Phạm Học
- Tuyên truyền biển đảo và hướng nghiệp tuyển sinh vào Học viện Hải quân
- Móng Cái tổ chức chương trình “Biển đảo nơi địa đầu Đông Bắc”
- Khi đồn là nhà, biển đảo là quê hương
- Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân
- “Vùng biển đảo Đông Bắc có ý nghĩa chiến lược với Đại Việt”
Liên kết website
Ý kiến ()