Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:21 (GMT +7)
Gặp lại tác giả “Bài ca gửi anh thợ lò"
Chủ nhật, 14/11/2021 | 09:31:37 [GMT +7] A A
Mặc dù rất mong sớm có ngày được gặp lại ông sau bao năm xa cách, nhưng mãi đến hôm nay nhờ có các chị Thanh Quý (nghệ sĩ thường dẫn các chương trình Hội diễn nghệ thuật quần chúng của ngành Than và tỉnh Quảng Ninh năm xưa) và nữ Nghệ sĩ Vùng mỏ Thanh Việt, tôi mới có dịp đến thăm gia đình ông Phạm Dũng - tác giả của bài hát “Bài ca gửi anh thợ lò” do ông sáng tác cách đây hơn 50 năm.
Nhà ông Phạm Dũng nằm trong một con phố nhỏ thuộc tổ 4, khu 1, phường Hà Trung (TP Hạ Long). Từ xa, ông đã nhận được ra 2 nữ nghệ sĩ Thanh Quý và Thanh Việt. Quan sát cách đón tiếp của gia đình ông, chúng tôi đều cảm kích trước sự chân tình ấm áp như xưa của những người thợ mỏ Vùng than.
Biết tôi muốn tìm hiểu về sự ra đời của bài hát “Bài ca gửi anh thợ lò”, ông Phạm Dũng ôn tồn kể lại: "Với sự đam mê ca hát và từng ở trong Đội thiếu sinh quân, tôi đã được gặp và học nhạc của thầy giáo - Nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Những năm ấy, phong trào văn hoá, văn nghệ phát triển rất mạnh, xuống đến từng phân xưởng của các mỏ than. Năm 1967, đang làm công nhân của Mỏ than Hà Lầm, anh Phạm Chúc - lúc đó đang là Phó giám đốc Mỏ than Hà Lầm nói với chúng tôi: “Các cậu nên chọn những tiết mục tự biên, tự diễn để tham gia Hội thi hội diễn của mỏ mới hòng đoạt giải cao được". Trăn trở với gợi ý này, tôi mày mò tìm nội dung cho bài hát sao cho phù hợp với ngành nghề của mỏ. Do làm công nhân mỏ than hầm lò nên hàng ngày tôi thường xuyên được chứng kiến cảnh lao động của những người thợ lò.
Lúc đó, các công trường luôn phát động những phong trào thi đua lao động sản xuất, nêu gương những tấm gương lao động tốt, phê phán những hiện tượng lười nhác, ỷ lại, dối trá v.v.. Có không ít công nhân xúc than lên xe goòng đã để lẫn nhiều đất đá, gỗ lò và để “vơi xe" làm cho bộ phận sàng tuyển than rất vất vả khi phải sàng lọc lại các xe than khai thác từ trong lò đưa ra. Thế là tôi bắt tay vào viết bài hát “Bài ca gửi anh thợ lò” như những lời nhắn gửi bằng âm nhạc. Vì vậy, mà ca từ trong bài hát có đoạn: “Anh thợ lò ơi... than ra sao mà nhiều đất đá, công sức của em sớm hôm sàng lọc, có bàn tay em đây ba đảm đang cùng bên anh đưa dòng suối than đi xây dựng Tổ quốc, giải phóng miền Nam. Cho ánh niềm tin sáng tươi. Anh thợ lò ơi... Than ra mà có nhiều xe vơi. Anh xúc cho đầy xe mà lòng em sướng vui. Cả nước yêu thương người thợ lò ngày đêm vất vả... ”.
Thanh Việt hồi đó còn rất trẻ và có giọng hát rất hay, truyền cảm nên tôi đã chọn Thanh Việt thể hiện bài hát này. Còn lý do nữa là trước đó Thanh Việt đã hát rất hay bài hát "Cô hàng căng tin" do tôi sáng tác được mọi người khen ngợi. Người thường đệm đàn cho Thanh Việt hát khi đó là anh Văn Tuất - một nhạc công nổi tiếng của Vùng than. Và quả thật không ngờ sau vài ngày luyện tập, Thanh Việt đã hát thành công ngoài sự mong đợi.
Thật vui hơn nữa là bài hát này đã được rất nhiều người thợ mỏ yêu thích và có tác động rất hiệu quả tới phong trào thi đua sản xuất ngay trong các đơn vị của mỏ. Sau đó bài hát này đã được Thanh Việt thể hiện trong Hội diễn nghệ thuật quần chúng của Mỏ than Hòn Gai và được trao giải A. Năm 1968, Thanh Việt tham gia cuộc thi trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam với bài hát “Bài ca gửi anh thợ lò” tiếp tục được trao tặng giải A. Vào thời kỳ đó, công nhân Vùng mỏ rất yêu thích bài hát này.
Bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm xưa, ông Phạm Dũng thành thật “khoe” với chúng tôi: “Với bài hát này tôi cũng từng được Tổng Công đoàn Việt Nam tặng thưởng với phần thưởng có giá trị lúc đó như radio, bộ ấm chén sứ Hải Dương. Năm 1972, “Bài ca gửi anh thợ lò” còn được Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh qua tiếng hát của Thanh Việt. Năm 2003, ca khúc được in trong tuyển tập “Hát cùng non nước Hạ Long” do Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Nhà xuất bản Âm nhạc cùng Sở VHTT Quảng Ninh phối hợp xuất bản.
Trước khi tạm biệt chia tay, Nghệ sĩ Vùng mỏ Thanh Việt và Nhạc sĩ Phạm Dũng đã cùng hát tặng chúng tôi bài hát "Bài ca gửi anh thợ lò” bằng những tình cảm thân tình và ấm áp tình người vùng than.
Huy Đào (TP Hạ Long)
Huy Đào (TP Hạ Long)
Liên kết website
Ý kiến ()