Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 11:48 (GMT +7)
Công nghiệp chế biến, chế tạo: Động lực tăng trưởng kinh tế
Thứ 4, 15/01/2025 | 05:25:08 [GMT +7] A A
Thời gian qua, các đơn vị, địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU (ngày 16/11/2020) "Về phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030" và đã có sự bứt phá mạnh mẽ; trở thành động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.
Đến hết năm 2023, quy mô ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh đạt trên 37.000 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân 3 năm (2021-2023) đạt 22,83%, tạo ra hàng vạn việc làm mới cho lao động. Quảng Ninh đã và đang từng bước trở thành “mảnh đất vàng” cho các nhà đầu tư tầm cỡ thế giới xây dựng và mở rộng hệ thống sản xuất. Điển hình: Tập đoàn Foxconn - tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới đã đầu tư tổng số 5 dự án tại với tổng vốn đầu tư đạt gần 1 tỷ USD; Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng, đưa vào khai thác trong năm 2025, công suất thiết kế trên 120.000 xe/năm, không chỉ là "đòn bẩy" thu hút, quy tụ nhiều doanh nghiệp trong ngành phụ trợ ô tô về tỉnh, mà còn tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao; Tập đoàn Jinko Solar, là một trong những tên tuổi hàng đầu thế giới trong sản xuất tấm quang năng cũng đã đầu tư các dự án với tổng vốn 2,5 tỷ USD...
Ông Trần Kinh Vĩ, Tổng Giám đốc Vận hành toàn cầu, Tập đoàn Jinko Solar, cho biết: Với dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam, Quảng Ninh trở thành địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi dây chuyền sản xuất của tập đoàn trên phạm vi toàn cầu. Các nhà máy đang hoạt động tại Quảng Ninh hiện chiếm khoảng 50% tổng sản phẩm sản xuất của tập đoàn tại nước ngoài. Tôi ghi nhận sự hỗ trợ hiệu quả, thực chất của tỉnh đối với Tập đoàn. Đây là một trong những yếu tố quyết định để Tập đoàn tiếp tục lựa chọn Quảng Ninh là địa điểm đầu tư các dự án trong thời gian tới.
Tính đến hết năm 2024, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh chiếm 12,43% trong GRDP, tốc độ tăng trưởng đạt 21,33%. Thu hút vốn đầu tư ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2,04 tỷ USD. Tổng số lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2024 tăng trên 5.500 lao động.
Hiện Quảng Ninh tiếp tục thực hiện việc phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, trong đó, chú trọng tạo môi trường đầu tư kinh doanh, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư hoàn thiện, nhất là lợi thế của các dự án hạ tầng giao thông chiến lược; đẩy mạnh tháo gỡ, giải quyết tối đa các khó khăn, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn; giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính về đất đai, đầu tư, kinh doanh, cấp phép, thuế, tín dụng, thông quan hàng hóa, làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, tập trung thu hút có chọn lọc các dự án chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên, đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách… Cùng với đó, tỉnh tập trung phát triển các khu công nghiệp bền vững theo mô hình “3 trong 1” (khu công nghiệp - khu đô thị - khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.
Ông Tsuchimochi Atsusi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH IKO Thompson Việt Nam, cho biết: Tôi đánh giá cao những lợi thế của Quảng Ninh trong thu hút các dự án đầu tư, nhất là lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đang nghiên cứu tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Ninh. Tôi tin tưởng, nhiều nhà đầu tư của Nhật Bản sẽ lựa chọn Quảng Ninh để triển khai các dự án.
Năm 2025, Quảng Ninh quyết tâm đạt tốc độ tăng trưởng (GRDP) trên 12%, tổng thu ngân sách nhà nước trên 57.300 tỷ đồng. Việc thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển mạnh mẽ sẽ đóng góp quan trọng vào hiện thực hoá mục tiêu phát triển của năm 2025.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()