Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 23:11 (GMT +7)
Công nghiệp chế biến, chế tạo - Động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế
Thứ 4, 23/06/2021 | 08:05:56 [GMT +7] A A
Những tháng đầu năm 2021, mặc dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, thế nhưng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh, tiếp tục là động lực tăng trưởng chính bù đắp cho ngành du lịch, dịch vụ chưa kịp phục hồi và ngành khai khoáng bị sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Qua đó đã đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của cả tỉnh.
Những tín hiệu vui
Đi vào sản xuất tháng 6/2020, hiện Công ty TNHH Điện tử Bumjin Vina (KCN Đông Mai) đã tiếp tục đầu tư và đưa thêm 3 nhà xưởng sản xuất đi vào hoạt động, nâng công suất sản xuất của công ty lên hơn 3 lần so với năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm, Công ty đã sản xuất được gần 500.000 sản phẩm, ước tính cả năm 2021 Công ty sẽ sản xuất ước đạt hơn 2 triệu sản phẩm. Dự kiến trong thời gian tới công ty sẽ đầu tư thêm một xưởng sản xuất và tập trung sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn để đáp ứng nhu cầu của các thị trường lớn trên thế giới, đặc biệt là Mỹ.
Cùng với Công ty TNHH Điện tử Bumjin Vina, các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định. Đặc biệt là các sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học đã có sự tăng trưởng rất cao so với cùng kỳ do các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này sau thời gian chạy thử đã đi vào vận hành ổn định. Đơn cử như Công ty CTTV của Tập đoàn Foxconn (KCN Đông Mai), từ đầu năm 2021 đến nay, nhà máy đã sản xuất hơn 100.000 sản phẩm ti vi. Dự kiến từ nay đến cuối năm, nhà máy sẽ nâng công suất lên gấp 5 đến 6 lần so với 6 tháng đầu năm 2021. Đồng thời tiếp tục đầu tư thêm một nhà xưởng lắp ráp ti vi và một nhà xưởng sản xuất bảng mạch phục vụ cho việc lắp ráp ti vi.
Ngoài các doanh nghiệp đang hoạt động, trong tháng 6/2021, sẽ có thêm 2 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ chính thức đi vào sản xuất như: Dự án ZKM Vina do Công ty TNHH ZKM Industry làm chủ đầu tư và Dự án sản xuất sản phẩm cơ học của Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Eson Việt Nam. Ông Lo Shi-Yi, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Eson Việt Nam, cho biết: Nhờ sự quan tâm hỗ trợ, phối hợp rất tích cực của tỉnh Quảng Ninh, hiện Công ty đang hoàn thiện các khâu chuẩn bị cuối cùng để trong tháng 6 này sẽ đưa hai dây chuyền sản xuất vào hoạt động. Dự kiến sau khi đi vào hoạt động ổn định, quy mô sản xuất của công ty sẽ đạt 1,7 triệu sản phẩm phục vụ cho sản xuất, lắp ráp ti vi, ô tô, hệ thống máy chủ và các sản phẩm phụ trợ khác.
Trong bối cảnh nền kinh tế nói chung vẫn đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ, du lịch vẫn chưa thể phục hồi, ngành khai khoáng tăng trưởng âm do tiêu thụ giảm vì vậy việc các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực chế biến, chế tạo mở rộng đầu tư, gia tăng năng lực sản xuất đã góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng ấn tượng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2021, dù ngành khai khoáng tăng trưởng âm do ngành than gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ vì nhu cầu than trong nước và nhập khẩu đều giảm; khu vực du lịch, dịch vụ cũng chưa kịp phục hồi do tác động của 2 đợt dịch nhưng bù lại ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có bước phát triển đột phá, tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng đạt 38,95% so với cùng kỳ, vượt 17,6% kịch bản đề ra. Trong đó, động lực tăng trưởng chính là nhóm ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (tăng trên 37.000%) và nhóm ngành sản xuất trang phục (tăng trên 970%) do có năng lực mới tăng của một số doanh nghiệp như: Công ty Foxconn; Công ty Kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam; Công ty TNHH Điện tử Bumjin Vina; Công ty TNHH Dệt may Weitai Hạ Long...
Ngoài ra, một số sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo khác cũng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, như: Xi măng đạt trên 1,5 triệu tấn, tăng 20,2% cùng kỳ; sợi bông cotton đạt 117.000 tấn, đạt 88,6% kịch bản, tăng 15,6% cùng kỳ; vải dệt từ sợi tổng hợp đạt 768.000 tấn, đạt 87,3% kịch bản, tăng 35,2% cùng kỳ; màn hình tivi đạt 86.800 cái, đạt 69,5% kịch bản; loa, tai nghe đạt 3 triệu bộ, đạt 102% kịch bản, thân mũ đạt 7,3 triệu cái, đạt 332% kịch bản 6 tháng...
Nhìn vào con số thống kê có thể thấy, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp và tác động lan tỏa tổng thể đến chất lượng tăng trưởng kinh tế, với mức tăng 8,02%, đứng thứ 4 so với các tỉnh, thành trong Vùng đồng bằng sông Hồng, là một trong những địa phương có mức tăng trưởng cao của cả nước.
Tạo động lực dẫn dắt tăng trưởng toàn ngành
Nhận định thời gian tới, bối cảnh thế giới, khu vực, trong nước có nhiều thuận lợi nhưng còn không ít khó khăn, thách thức; cùng với thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ngày càng phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực... sẽ mang lại cả thời cơ và thách thức đối với phát triển KT-XH của đất nước và mỗi địa phương. Đối với tỉnh Quảng Ninh, quy mô nền kinh tế, đà tăng trưởng nhiều năm liên tục cộng với những cơ hội lớn từ hạ tầng, cải cách hành chính, địa kinh tế và thị trường mang lại sẽ làm tiền đề, nền tảng cơ bản để tỉnh tiếp tục đổi mới, hội nhập, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã xác định: Tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao thân thiện với môi trường, khu vực công nghiệp thông minh có giá trị gia tăng lớn, quản trị hiện đại tạo đột phá đóng góp vào GRDP và thu ngân sách. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP của tỉnh đạt 15%; đến năm 2030 đạt 20%; thu hút vốn đầu tư trong giai đoạn 2020-2025 đạt trên 45.000 tỷ đồng (bình quân trên 9.000 tỷ đồng/năm); giai đoạn 2025-2030 đạt trên 30.000 tỷ đồng (bình quân trên 6.000 tỷ đồng/năm). Tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025 đạt 15-17%/năm; giai đoạn 2025-2030 đạt 17-20%/năm.
Việc xác định rõ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ là động lực tăng trưởng mới, ổn định, bền vững, trong giai đoạn 2021-2025 Quảng Ninh sẽ tập trung ưu tiên thu hút, phát triển các ngành nghề: Công nghiệp điện tử, viễn thông; sản phẩm số; công nghiệp ô tô; công nghiệp chế biến thực phẩm, hóa dược và dược phẩm; công nghiệp năng lượng sạch; công nghiệp môi trường; công nghiệp thời trang; công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ phục vụ công nghiệp chế biến, chế tạo...
Riêng trong năm 2021, để phấn đấu thực hiện được mục tiêu tăng trưởng GRDP ở mức hai con số, thu NSNN trên địa bàn đạt chỉ tiêu HĐND tỉnh giao đầu năm 2021 trước những thách thức liên quan đến dịch bệnh Covid-19, ngành than sức tiêu thụ giảm mạnh ảnh hưởng đến sức sản xuất kinh doanh; giá thép tăng cao..., tỉnh chỉ đạo khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy mới và đưa vào sản xuất dự án công nghiệp chế biến, chế tạo tại các KKT, KCN, nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nhất là sản phẩm công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn theo tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của Tỉnh ủy về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Tại hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh diễn ra vào 11/6 vừa qua, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai, tạo điều kiện tăng tối đa sản lượng đối với các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo. Đặc biệt là khẩn trương khởi công Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam tại KCN Sông Khoai trong tháng 7/2021; hoàn thiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư để sớm khởi công Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh trong quý III/2021; các dự án tại KCN Đông Mai, KCN Texhong Ngân Hà, Ngân Long...
Với môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn, kết cấu hạ tầng giao thông, công nghiệp đồng bộ, hiện đại; thủ tục hành chính cải cách mạnh mẽ, cùng với 11 KCN, 6 cụm công nghiệp, KKT Vân Đồn, KKT Cửa khẩu Móng Cái, KKT ven biển Quảng Yên... là điều kiện vô cùng thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào địa bàn, đặc biệt là những doanh nghiệp về chế biến, chế tạo, công nghệ cao. Qua đó góp phần quan trọng để tỉnh hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2021, sớm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện ở phía Bắc.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()