Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 17:23 (GMT +7)
Công nhận Bảo vật Quốc gia: Cần sự tiếp sức của các địa phương
Chủ nhật, 11/07/2021 | 06:27:39 [GMT +7] A A
Các Bảo vật Quốc gia (BVQG) chính là hiện vật điểm nhấn gợi sự tò mò khám phá, thu hút du khách tại các điểm tham quan du lịch gắn với các giá trị về lịch sử - văn hoá trên địa bàn. Cho đến nay, Quảng Ninh đã có 9 BVQG được công nhận thì 8 bảo vật thuộc sở hữu của Bảo tàng Quảng Ninh và chỉ có duy nhất bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông là thuộc sở hữu của địa phương…
Nhìn từ bảo tượng Trần Nhân Tông
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, thực tế thì việc xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận BVQG đối với bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Yên Tử đã được đưa vào kế hoạch của tỉnh từ cách đây nhiều năm và đến năm 2020 thì việc này mới được hiện thực hoá thành công.
Ở góc độ TP Uông Bí, địa phương đã có sự vào cuộc tích cực với nỗ lực, quyết tâm cao. Bà Nguyễn Thị Thanh Giang, Trưởng Phòng VH-TT TP Uông Bí, cho biết: Khi phát hiện ra giá trị quý hiếm của hiện vật, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo thành phố nghiên cứu lập hồ sơ đề nghị xét công nhận BVQG cho bảo tượng.
Đề xuất đúng, trúng nên lãnh đạo thành phố rất ủng hộ, cấp kinh phí triển khai, đồng thời theo đến cùng để bảo vệ hồ sơ tại các hội đồng thẩm định, chứ nếu chỉ phó mặc cho cơ quan tham mưu loay hoay thì cũng rất khó khăn, bởi có nơi khi đề xuất thì hiện vật không còn được nguyên vẹn, mất rất nhiều công sức, thời gian trong việc phân tích, nghiên cứu… đòi hỏi sự kiên trì theo đuổi. Bên cạnh đó, quá trình làm hồ sơ, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ từ các sở, ngành, đơn vị liên quan, gần nhất là Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử phối hợp cung cấp thông tin, giúp các đơn vị làm hồ sơ tiếp cận thực địa, hiện vật. Ở địa phương không có đủ chức năng, nhiệm vụ cũng như trình độ chuyên môn để viết hồ sơ nên chúng tôi hợp đồng với Bảo tàng Quảng Ninh để thực hiện. Theo đó, đơn vị đã giúp chúng tôi mời chuyên gia các lĩnh vực về khảo sát thực địa để nghiên cứu, viết hồ sơ, tham gia hội thảo về hiện vật cũng như góp ý, điều chỉnh thêm các nội dung chuyên môn sâu trong quá trình duyệt hồ sơ cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan của thành phố, của tỉnh chứ như chúng tôi cũng không nắm rõ được các chuyên gia và quy trình triển khai trong lĩnh vực này.
Địa phương chưa mặn mà
Quảng Ninh không chỉ có Uông Bí mà nhiều địa phương khác cũng sở hữu những di tích giá trị đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia… Đi cùng với đó hẳn là cũng có những di vật gốc giá trị, có đủ tiêu chí để đề xuất công nhận là BVQG?
Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi được biết là năm nào thì ngành văn hoá cũng có văn bản gửi cho các địa phương về việc lập hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận BVQG. Như năm nay, văn bản này được gửi ngay từ trung tuần tháng 3 vừa qua, để các địa phương có thể đẩy sớm tiến độ rà soát và lập hồ sơ BVQG cho các hiện vật đáp ứng đủ tiêu chí. Tuy vậy, qua tìm hiểu thực tế cho thấy, một số địa phương vẫn còn những băn khoăn và xem ra chưa thực sự mặn mà vì nhiều lý do khác nhau.
Ông Vũ Văn Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích nhà Trần, Đông Triều, cho hay: Quần thể khu di sản nhà Trần tại Đông Triều có một số hiện vật giá trị, cảm quan cho thấy tương đối khả thi trong việc lập hồ sơ BVQG, như tấm bia cổ chùa Quỳnh Lâm, tháp Phật hoàng ở Ngoạ Vân… Chúng tôi hiện vẫn chưa triển khai vì thực tế do tác động của Covid-19, đơn vị cũng như địa phương gặp không ít khó khăn về kinh phí. Quá trình triển khai, chúng tôi nghĩ khâu nào cũng cần có chuyên gia, các đơn vị chuyên môn có năng lực của trung ương, của tỉnh hướng dẫn chứ chỉ riêng địa phương làm thì khó, vì đó là lĩnh vực chuyên môn sâu không thể chỉ nhìn bằng con mắt cảm quan. Địa phương sẽ hỗ trợ về khảo sát, tổ chức hội thảo, xin ý kiến các nhà khoa học...
Cùng với Đông Triều, Quảng Yên là địa phương sở hữu số lượng di tích lớn nhất trong toàn tỉnh hiện cũng chưa có kế hoạch trong việc lập hồ sơ công nhận BVQG trong năm nay.
Ông Ngô Đình Dũng, Phó trưởng Phòng VHTT TX Quảng Yên, chia sẻ: Quảng Yên có một số di tích trên địa bàn sở hữu hiện vật giá trị có thể đề cử công nhận là BVQG nhưng để làm hồ sơ thì còn e ngại. Hiện vật trong di tích vốn quý giá rồi nhưng khi công bố là BVQG thì nỗi lo trong khâu bảo quản lại tăng lên vì trộm cắp dễ nhòm ngó tới hơn. Quá trình thực hiện cũng cần có sự đồng thuận, hỗ trợ của di tích chứ nếu người ta không đồng ý làm thì cũng khó, nhất là các chùa, vì tâm lý e ngại di vật sau công nhận sẽ phải chịu sự quản lý chặt chẽ hơn.
Theo đó, với các bảo vật dễ mang đi thì có khi công bố xong phải đưa về Bảo tàng tỉnh để bảo quản, vậy nên các địa phương, cơ sở cũng không mặn mà. Địa phương mặc dù là nơi phát hiện ra nhưng không phải nơi sở hữu bảo vật cũng là vấn đề bất cập. Đơn cử như BVQG Bình gốm Đầu Rằm vốn tìm thấy qua khảo cổ tại Quảng Yên, nhưng đưa về bảo tàng rồi, bây giờ địa phương muốn trưng bày thì chỉ có cách phải làm tiêu bản thôi.
Quản lý, phát huy giá trị sau công nhận
Nhân nói về phương án quản lý, phát huy “hậu” công nhận BVQG thì tương tự như Bình gốm Đầu Rằm kể trên, Hộp vàng Ngoạ Vân - Yên Tử phát hiện tại Đông Triều, sau chuyển về Bảo tàng Quảng Ninh rồi mới làm hồ sơ và được công nhận BVQG vào năm 2018 (cùng đợt với Bình gốm Đầu Rằm).
Ông Vũ Văn Sơn chia sẻ: Bảo vật hộp vàng đã chuyển về Bảo tàng Quảng Ninh sở hữu, trưng bày, giới thiệu chứ địa phương không nắm giữ hiện vật. Vì vậy, để phục vụ công tác tuyên truyền, phát huy giá trị hộp vàng, thời gian qua chúng tôi cũng xin ý kiến các cấp, ngành, đơn vị chủ sở hữu làm phiên bản hiện vật bằng đồng (mạ vàng, phun nhũ vàng) để giới thiệu, quảng bá và làm quà lưu niệm cho các đại biểu, nhân dân trong một số sự kiện lớn của địa phương.
Với Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, đây vốn là tượng thờ trong tháp Tổ tại Yên Tử nên phương án bảo quản tại chỗ xem ra hợp lý hơn cả. Bảo tượng làm bằng đá nên tính bền vững trong môi trường cao hơn, tuy nhiên bà Nguyễn Thị Thanh Giang cũng phải thừa nhận, bảo tượng hiện chỉ có thể bảo vệ trong môi trường tự nhiên chứ không có môi trường nhân tạo lý tưởng với những điều kiện lưu giữ, bảo quản nghiêm ngặt giống như các BVQG đang lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ninh về không gian, nhiệt độ, độ ẩm phù hợp…
Bên cạnh đó, bảo vật đặt tại di tích trong không gian mở nên công tác bảo vệ cũng khó khăn hơn, có nhiều nguy cơ xâm hại hơn từ trộm cắp rồi người dân, du khách đến gần, có thể vô tình gây xâm hại cho hiện vật…
Với ngôi tháp Tổ nơi đặt bảo tượng, bà Giang khẳng định là địa phương hiện không có ý định tôn tạo ngôi tháp mà chỉ dùng các biện pháp an ninh như lắp camera, tia cảm ứng hồng ngoại để bảo vệ, giữ gìn hiện vật.
Bởi lẽ, ngôi tháp này trải qua thời gian từng được trùng tu, tôn tạo, tuy nhiên đây cũng là chỗ duy nhất trong vườn tháp Tổ còn yếu tố gốc lâu đời, cổ xưa nhất ở Yên Tử, cần được gìn giữ nguyên vẹn, nhất là giai đoạn hiện nay đang triển khai lập hồ sơ đề nghị công nhận Quần thể di tích – danh thắng Yên Tử là Di sản thế giới.
Rõ ràng, câu chuyện quản lý đối với BVQG sau công nhận không đơn giản. Cùng với việc xây dựng hồ sơ công nhận thì tính toán phương án quản lý, phát huy giá trị phù hợp, hiệu quả, tương xứng giá trị BVQG sau công nhận là điều cần thiết. BVQG có giá trị đặc biệt, cũng cần những phương thức ứng xử đặc biệt. Bảo tàng Quảng Ninh với cơ sở vật chất, trang thiết bị mới được đầu tư hiện đang làm khá tốt việc bảo tồn, phát huy giá trị các BVQG mà đơn vị sở hữu.
Bảo vật ở các địa phương việc quản lý có đặc thù riêng vì nhiều khi đặt trong không gian tự nhiên. Ông Kiều Đinh Sơn, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh, gợi mở: Ở địa phương tôi nghĩ chỉ cần quản lý tốt hơn thôi. Hiện vật ở đâu vẫn ở đấy nhưng có thể hạn chế tác động bằng cách không cho người dân, du khách sờ vào hiện vật, hoặc có thể hạn chế lượng người di chuyển gần khu vực có hiện vật bằng cách phân làn hướng đi khác, hay giới hạn khoảng cách để tránh những xâm hại từ con người…
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()