Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 18:51 (GMT +7)
Công tác hòa giải ở cơ sở: Góp phần giữ bình yên thôn xóm
Thứ 4, 01/03/2023 | 12:36:40 [GMT +7] A A
Công tác hòa giải ở cơ sở giúp ngăn chặn, tháo gỡ những mâu thuẫn nhỏ tại các gia đình, khu dân cư là một yếu tố quan trọng để xây dựng tình làng, nghĩa xóm, đảm bảo ANTT, an toàn xã hội. Tại Quảng Ninh, thời gian qua hoạt động hòa giải ở cơ sở được tiến hành ngày càng hiệu quả, đi vào nền nếp, đúng với quy định của pháp luật.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều mâu thuẫn nhỏ trong đời sống xã hội nếu không được kịp thời hòa giải, để kéo dài sẽ khiến chuyện nhỏ biến thành chuyện lớn, thậm chí từ dân sự chuyển thành hình sự, rồi trở thành trọng án. Những mâu thuẫn mang tính tức thời, bộc phát, thường dẫn đến những hành động thiếu kiểm soát và không lường trước hậu quả xảy ra.
Tuy nhiên, việc phát sinh các mâu thuẫn, tranh chấp trong cuộc sống là không thể tránh khỏi. Để giảm thiểu những hậu quả đáng tiếc, giải pháp về lâu dài là nâng cao kiến thức pháp luật, ý thức “thượng tôn pháp luật”, kỹ năng ứng xử văn minh... cho mọi người dân. Đồng thời cũng đặt ra yêu cầu phải tiến hành hoạt động hòa giải tốt ngay từ địa bàn cơ sở, với mục tiêu góp phần giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết cảm thông, chia sẻ trong từng gia đình và toàn xã hội.
Nhiều năm gắn bó với công tác hòa giải cơ sở, ông Chu Văn Thắng, hòa giải viên thôn Đông Thắng (xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên), chia sẻ: Dù nói là những vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ ở địa bàn dân cư, nhưng công việc hòa giải trong thực tế cũng khá phức tạp. Trước mỗi vụ việc, chúng tôi luôn phải bàn bạc, thảo luận kỹ để tìm ra phương án hòa giải phù hợp. Cụ thể là để cân nhắc khi nào nên chú trọng nhiều hơn tới phương diện tình cảm, còn với trường hợp nào thì phải thuyết phục chủ yếu bằng việc tuyên truyền các quy định pháp luật. Tuy nhiên, không nề hà khó khăn, chúng tôi chủ yếu đều gắn bó với công việc hòa giải bằng trách nhiệm gìn giữ tình làng nghĩa xóm, vì sự bình yên chung của tổ dân, khu phố. Cõ lẽ vì vậy nên bà con nhân dân nhìn chung rất ủng hộ và tin tưởng.
Việc xây dựng đội ngũ làm công tác hòa giải ở cơ sở có ý nghĩa quan trọng. Không chỉ bầu chọn từ những người nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc chung của thôn, bản, khu phố, mà còn phải đáp ứng được yêu cầu về năng lực, nghiệp vụ hòa giải. Ghi nhận tại nhiều địa phương trong tỉnh, các cấp ủy, chính quyền đều chú trọng nâng cao chất lượng hòa giải bằng cách thường xuyên kiện toàn, tập huấn nghiệp vụ, cập nhật kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên. Lực lượng này đã góp phần hỗ trợ chính quyền địa phương nắm bắt tốt tình hình địa bàn, không để tích tụ những vấn đề vướng mắc có thể dẫn tới các hậu quả khôn lường. Cũng từ đó giúp cho việc thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở nhìn chung đi vào nền nếp, thống nhất, hiệu quả trong toàn tỉnh, tác động tích cực đến đời sống xã hội.
Đến nay, toàn tỉnh có 1.469 tổ hòa giải ở 1.452 thôn, bản, khu phố, với 9.138 hòa giải viên là các bí thư chi bộ, trưởng các chi, tổ, hội đoàn thể, người có uy tín, già làng, trưởng dòng họ... Triển khai đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”, các cấp chính quyền của tỉnh đã xây dựng đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện để làm nòng cốt triển khai công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về công tác hòa giải viên cơ sở.
Theo báo cáo của Sở Tư pháp, chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao, số vụ việc hòa giải thành tăng qua từng năm. Riêng năm 2022, số vụ việc được hòa giải thành là 1.358/1.596 vụ việc, đạt trên 85%.
Thực tế cho thấy, công tác hòa giải tại cơ sở được thực hiện có hiệu quả đã và đang góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Đồng thời cũng là một kênh để đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phổ biến vào đời sống.
Năm 2012, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được ban hành. Sau 10 năm triển khai thực hiện, công tác PBGDPL trên địa bàn Quảng Ninh đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đạt được kết quả quan trọng, là cầu nối để đưa pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức thi hành pháp luật.
Giai đoạn 2012-2022, toàn tỉnh đã tổ chức 36.668 cuộc PBGDPL trực tiếp, thu hút trên 3,7 triệu người tham dự; tổ chức 12.077 cuộc thi với sự tham gia của trên 2 triệu người; biên soạn, in ấn, cấp phát miễn phí trên 18,7 triệu tài liệu; đăng tải, phát 42.253 tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát sóng 10.269.508 chương trình PBGDPL trên đài truyền thanh xã; 2.500 tin, bài trên báo Quảng Ninh. Toàn tỉnh hiện có 1.260 tủ sách pháp luật...
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()