Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 07:18 (GMT +7)
Công ty CP Than Đèo Nai: Hiệu quả áp dụng phần mềm chữ ký số
Thứ 5, 31/12/2020 | 08:00:15 [GMT +7] A A
So với nhiều đơn vị ngành Than, kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật năm 2020 của Công ty CP Than Đèo Nai thể hiện nhiều bứt phá hơn. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, từ đầu năm, Than Đèo Nai đã áp dụng công nghệ thông tin vào nhiều khâu của dây chuyền sản xuất, hạn chế việc tập trung đông người, đảm bảo yêu cầu công việc. Trong đó, việc áp dụng phần mềm chữ ký số để quản lý vật tư tại các phòng ban và công trường, phân xưởng được đánh giá là giải pháp ưu việt.
Quy trình duyệt các phiếu vật tư trên phần mềm chữ ký số quản lý vật tư của Công ty CP Than Đèo Nai. |
Nhiều năm trước, Than Đèo Nai vẫn áp dụng phương pháp truyền thống để quản lý vật tư. Theo đó, đơn vị quản lý vật tư dựa trên công tác lập kế hoạch sử dụng vật tư hàng năm, mua sắm vật tư theo kế hoạch, quản lý kho vật tư và quản lý thu hồi vật tư cũ. Với quy trình này, các loại thủ tục trên sẽ được các đơn vị lập văn bản giấy, chuyển về Phòng Kỹ thuật. Căn cứ vào thẩm định của Phòng Kỹ thuật, Giám đốc Công ty sẽ xem xét, ký duyệt các văn bản, sau đó chuyển Phòng Vật tư để triển khai các bước thủ tục tiếp theo. Quy trình này thường được thực hiện từ 2-3 ngày, mất khá nhiều thời gian của các công trường, phân xưởng, ảnh hưởng đến năng suất thiết bị, xe, máy và tiến độ sản xuất của công ty.
Bên cạnh đó, việc quản lý vật tư theo phương pháp truyền thống cũng tốn kém chi phí, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, lưu trữ văn bản của đơn vị. Thống kê của công ty, mỗi năm đơn vị phải lập, trình và ký duyệt trên 450 văn bản kế hoạch sử dụng vật tư; trên 6.000 văn bản đề nghị sử dụng vật tư đột xuất; trên 7.000 văn bản đề nghị cấp phát vật tư; 60.000 văn bản nhập và gần 100.000 văn bản xuất kho vật tư.
Khắc phục tình trạng này, thực hiện quy định về phòng chống dịch Covid-19, từ đầu năm 2020, Công ty Than Đèo Nai đã áp dụng phần mềm chữ ký số trong công tác quản lý vật tư. Đây là giải pháp công nghệ do Công ty thiết kế và đang áp dụng thử nghiệm.
Công nhân công trường Khoan sử dụng phần mềm chữ ký số quản lý vật tư. |
Hệ thống quản lý vật tư mới này được thiết kế để hoạt động trên nền tảng internet, độc lập với các phần mềm khác. Đồng thời, có chế độ phân quyền cụ thể cho từng cá nhân, phòng ban và chế độ thống kê theo phiếu, vật tư. Người dùng có thể truy xuất mọi lúc, mọi nơi với thời gian thực được lưu trên từng văn bản. Anh Phạm Công Thành, Trưởng Phòng Vật tư, Công ty CP Than Đèo Nai, cho biết: “Từ khi đơn vị áp dụng chữ ký số trong quản lý vật tư, quy định về các bước triển khai được giữ nguyên, nhưng thời gian giải quyết một văn bản đề nghị cung cấp vật tư của các công trường, phân xưởng đã rút ngắn từ 2-3 ngày xuống còn 5-10 phút”.
Giảm được thời gian hao phí ở các khâu trung gian đồng nghĩa với tăng năng suất thiết bị, xe, máy phục vụ sản xuất của các công trường, phân xưởng. Theo ông Thiệu Đình Giảng, Trưởng Phòng Cơ điện - Vận tải, năng suất các máy khoan của Công ty trong năm 2020 đã tăng từ 3-5%, máy xúc điện tăng 5%, máy xúc CAT 12m3 tăng 2%, xe 90-100 tấn tăng khoảng 20%. Đây chính là điều kiện để Than Đèo Nai hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu về kinh tế kỹ thuật của năm 2020.
Sau gần một năm áp dụng phần mềm chữ ký số trong quản lý vật tư, ngoài việc tiết kiệm được thời gian ở các khâu, nâng cao hiệu quả sản xuất, Than Đèo Nai còn tiết giảm được lao động gián tiếp. Hiện nay, các vị trí tiếp liệu của Công ty cắt giảm được 30 lao động trực tiếp, tương đương với số tiền tiết giảm trên 2 tỷ đồng/năm.
Theo kế hoạch năm 2021, Than Đèo Nai sẽ sản xuất 1,7 triệu tấn than nguyên khai, bốc xúc 19.500.000 m3 đất đá, tiêu thụ 2.138.000 tấn than. Để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ này trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Than Đèo Nai sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào nhiều khâu của dây chuyền sản xuất, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()