Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 00:18 (GMT +7)
Covid-19 bùng mạnh ở châu Âu, ca mới ở Hàn Quốc cao kỷ lục
Thứ 5, 25/11/2021 | 09:54:00 [GMT +7] A A
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố, châu Âu một lần nữa đang là tâm chấn của đại dịch Covid-19 toàn cầu, đồng thời cảnh báo không quốc gia hay khu vực nào "đã thoát khỏi nguy hiểm".
Putin thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19 dạng xịtSingapore, Malaysia mở cửa biên giới trên bộ cho người đã tiêm chủngThành phố Mỹ yêu cầu dân đeo khẩu trang cả ở trong nhà khi có khách
Phát biểu tại cuộc họp báo của WHO ngày 24/11, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, hơn 60% số ca mắc mới và tử vong được ghi nhận khắp toàn cầu hồi tuần trước là ở châu Âu. Việc dịch tái bùng phát mạnh trong khu vực đang gây áp lực lớn lên các hệ thống y tế quốc gia, cũng như khiến các nhân viên y tế kiệt sức.
"Điều quan trọng là tất cả các quốc gia phải tăng cường năng lực của mình ngay bây giờ để đảm bảo triển khai các biện pháp phù hợp, nhằm ngăn chặn những hậu quả tồi tệ nhất của bất kỳ làn sóng lây nhiễm nào trong tương lai", ông Ghebreyesus nói.
Theo báo Guardian, Tổng giám đốc WHO cũng cảnh báo, mặc dù các vắc xin có thể cứu sống nhiều sinh mạng, nhưng chúng không thể hoàn toàn ngăn chặn virus lây lan. Ông nêu ví dụ trong trường hợp của biến thể Delta, tiêm chủng chỉ giúp giảm 40% khả năng lây truyền của mầm bệnh.
Ông Ghebreyesus khuyến cáo, nhiều quốc gia đang lầm tưởng rằng các vắc xin đã giúp chấm dứt đại dịch và rằng những người đã hoàn thành tiêm chủng không cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa. "Ngay cả khi bạn đã tiêm chủng, hãy tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng ngừa để tránh việc bị nhiễm bệnh cũng như lây truyền bệnh cho ai đó có thể tử vong vì dịch", ông Ghebreyesus nhấn mạnh.
EU căng mình chống đỡ
Cả Slovakia, CH Séc, Hà Lan và Hungary đều ghi nhận các ca mới theo ngày tăng cao kỷ lục hôm 24/11. Diễn biến dịch phức tạp khi châu Âu bước vào mùa đông và người dân tăng tụ họp để chuẩn bị đón lễ Giáng sinh.
Nhằm ngăn chặn virus lây lan, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh dịch châu Âu (ECDC) khuyến nghị tiêm liều vắc xin Covid-19 tăng cường cho mọi người trưởng thành, ưu tiên những người hơn 40 tuổi. Đây là thay đổi lớn so với chỉ dẫn trước đây của ECDC, vốn chỉ đề xuất liều tăng cường cho những người cao tuổi già yếu và nhóm người bị suy giảm miễn dịch.
Nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu tiêm nhắc lại cho dân, nhưng sử dụng các tiêu chí khác nhau về các nhóm ưu tiên chủng ngừa cũng như khoảng cách giữa các mũi tiêm đầu tiên với mũi tăng cường.
Động thái diễn ra khi nhà chức trách ở một số nước công bố các biện pháp hạn chế mới. Theo đài TA3, Chính phủ Slovakia vừa phê chuẩn áp phong tỏa 2 tuần để kiểm soát tình trạng gia tăng ca mắc mới thuộc hàng nhanh nhất thế giới.
Trước đó, Áo đã bước vào đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ 4, kéo dài ít nhất 10 ngày tính từ hôm 22/11. Đây là quốc gia EU đầu tiên phải tái triển khai các biện pháp hạn chế như vậy. Nhà chức trách cũng yêu cầu toàn bộ người dân phải tiêm phòng kể từ ngày 1/2.
Hôm 24/11, Chính phủ Italia đã công bố các biện pháp ứng phó mới, cấm người chưa chủng ngừa tới nhiều địa điểm kể cả rạp chiếu phim, nhà hàng và các nơi tổ chức sự kiện thể thao. Nhà chức trách cũng mở rộng lệnh tiêm phòng bắt buộc và triển khai tiêm nhắc lại cho mọi công dân trưởng thành. Những quy định mới sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 6/12.
Chính phủ Hà Lan dự kiến cũng công bố các biện pháp siết chặt hạn chế vào ngày 25/11.
Nga mời người chống tiêm phòng tham quan "vùng đỏ" trong viện
Lãnh đạo của hơn 12 bệnh viện điều trị Covid-19 lớn ở nhiều thành phố Nga, kể cả Moscow, St. Petersburg và Sochi ngày 24/11 đã gửi thư ngỏ tới một số chính khách và nhân vật nổi tiếng từng công khai bày tỏ hoài nghi đối với vắc xin, để mời họ tới tham quan các phòng hồi sức tích cực cũng như nhà xác của bệnh viện.
Các chuyên gia y tế giải thích, họ muốn những người phản đối tiêm chủng tận mất chứng kiến sự sống bên trong các "vùng đỏ" bệnh viện để hiểu rõ sức tàn phá khủng khiếp của dịch bệnh. Điện Kremlin bày tỏ sự ủng hộ đối với sáng kiến.
Theo báo RT, Nga đang điêu đứng vì làn sóng lây nhiễm thứ 4 với hơn 1.000 bệnh nhân tử vong mỗi ngày trong hơn một tháng qua. Xứ sở bạch dương hiện là "ổ dịch" lớn thứ 5 thế giới với 9,4 triệu ca mắc, gần 268.000 trường hợp thiệt mạng.
Dù là nước đầu tiên thế giới phê duyệt vắc xin ngừa Covid-19, nhưng tỷ lệ tiêm phòng ở Nga hiện thấp hơn mức trung bình của châu Âu. Cho đến nay, mới gần 58 triệu người trong tổng số 146 triệu dân toàn quốc, tương đương chưa đầy 40% dân số hoàn thành tiêm chủng.
Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:
- Theo trang Worldometers, tính đến sáng sớm 25/11 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 222 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho gần 259,3 triệu người, xấp xỉ 5,2 triệu ca tử vong. Song, gần 234,6 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.
- Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì Covid-19 với hơn 48,8 triệu ca mắc, 796.319 bệnh nhân không qua khỏi. Hơn 59% người dân ở xứ sở cờ hoa đã hoàn thành tiêm chủng và 11% được tiêm mũi vắc xin tăng cường.
- New Zealand thông báo chưa mở cửa đón du khách ngoại quốc trong ít nhất 5 tháng nữa, dù nước này đang từng bước nới lỏng một vài trong số những biện pháp phòng dịch tại biên giới nghiêm ngặt nhất thế giới. Nhà chức trách sẽ cho phép người từ Australia và có thẻ cư trú tại New Zealand có thể nhập cảnh từ giữa tháng 1/2022, trong khi những người từ các quốc gia khác thuộc nhóm đối tượng này sẽ được cấp phép kể từ ngày 13/2 năm sau. Công dân New Zealand tại các nước trên đã hoàn thành tiêm chủng khi trở về nước sẽ không phải cách ly bắt buộc.
- Hàn Quốc hôm 24/11 ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao kỷ lục kể từ đầu dịch, lên tới 4.116 ca. Số trường hợp nguy kịch và tử vong cũng ở mức cao chưa từng thấy, lần lượt là 586 ca và 35 ca. Giới chức y tế cho biết, tới 83,3% giường bệnh dành cho các bệnh nhân nghiêm trọng tại Seoul và khu vực lân cận đã không còn chỗ trống.
- Theo khảo sát của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, tới 1/4 số người trưởng thành ở nước này có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 đã phớt lờ các quy định tự cách ly. Anh hiện là "ổ dịch" lớn thứ 4 thế giới với hơn 9,9 triệu ca mắc, 144.137 bệnh nhân thiệt mạng.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()