Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 19:33 (GMT +7)
COVID-19 tới 6h sáng 2/8: Mỹ sẽ không đóng cửa trở lại; Iran lây nhiễm số 2 thế giới
Thứ 2, 02/08/2021 | 08:48:50 [GMT +7] A A
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 450.000 ca nhiễm và trên 7.000 ca tử vong. Ấn Độ và Iran trở lại dẫn đầu thế giới về ca lây nhiễm trong khi chuyên gia Fauci tuyên bố nước Mỹ sẽ không đóng cửa trở lại.
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 2/8 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 198.962.946 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.239.474 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 454.388 và 7.035 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 179.587.396 người, 15.136.076 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 90.175 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ lại dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới, với 40.784 ca; tiếp theo là Iran (32.511 ca) và Indonesia (30.738 ca); Indonesia dẫn đầu về số ca tử vong mới với ngày kỷ lục 1.604 người chết, tiếp theo là Nga (789 ca) và Ấn Độ (424 ca).
Tuy thứ tự các nước có ca lây nhiễm và tử vong mới đã đổi vị trí, nhưng Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 35.766.674 người, trong đó có 629.380 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 31.695.368 ca nhiễm, bao gồm 424.808 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 19.938.358 ca bệnh và 556.834 ca tử vong.
Nước Mỹ sẽ không đóng cửa trở lại để ngăn chặn COVID-19
Chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm Tiến sĩ Anthony Fauci cho biết, nước Mỹ sẽ không đóng cửa một lần nữa để ngăn chặn COVID-19, nhưng "mọi thứ đang xấu đi" do biến thể Delta gây ra làn sóng lây nhiễm mới, chủ yếu trong những người chưa tiêm vaccine.
Phát biểu trên chương trình This Week của đài ABC, ông Fauci cho biết, một tỉ lệ đáng kể người Mỹ cần phải được tiêm chủng để tránh những quyết định đóng cửa. "[Tỉ lệ tiêm chủng] Không đủ để dập đợt dịch này, nhưng tôi tin đủ để không khiến chúng ta rơi vào tình trạng mà chúng ta đã trải qua trong mùa đông năm ngoái", ông Fauci nhận định.
Trước sự trở lại nhanh chóng của làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta, chính quyền các tiểu bang tại Mỹ tái áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong khi Nhà Trắng và Lầu Năm Góc yêu cầu nhân sự phải tiêm vaccine phòng COVID-19. Các quan chức y tế liên bang tuyên bố ngay cả những người từng tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 vẫn nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Họ cũng kiến nghị tất cả học sinh trong các trường công lập nên đeo khẩu trang, gây tranh luận sôi nổi trên khắp nước Mỹ.
Đây là thay đổi mạnh mẽ so với đầu tháng 7 khi Tổng thống Joe Biden cam kết với nười dân Mỹ rằng một cuộc sống bình thường hơn sẽ sớm trở lại từ ngày Độc lập (4/7), ngày ông tuyên bố là khởi đầu của “mùa Hè tự do”.
Iran: Lây nhiễm vọt trở lại, Bộ trưởng Y tế kêu gọi quân đội hỗ trợ phong toả
Bộ trưởng Y tế Iran ngày 1/8 kêu gọi quân đội thực thi các lệnh đóng cửa phòng dịch, đồng thờiBộ trưởng Y tế nước này cảnh báo hệ thống y tế của Iran có thể sụp đổ trong bối cảnh COVID tăng cao 'thảm khốc'.
Theo tờ Al Jazeera, Bộ trưởng Y tế Iran Saeed Namaki đã kêu gọi các lực lượng vũ trang và cơ quan thực thi pháp luật thực thi hai tuần đóng cửa để hạn chế sự gia tăng nhanh chóng đáng báo động của các lây nhiễm COVID-19 trên khắp đất nước.
Ông Namaki cho biết làn sóng dịch thứ năm lần này do biến thể Delta thống trị thậm chí có thể trở nên "thảm khốc" hơn và "không thể cứu vãn" nếu không làm gì cả.
Bộ Y tế Iran cho biết thêm 366 người Iran đã tử vong trong ngày 1/8 trong khi ca tử vong trong tuần đã tăng 38% so với một tuần trước đó. Hơn 32.500 ca nhiễm mới được xác nhận trong cùng ngày, ở mức cao số 2 thế giới và tăng 32% so với một tuần trước.
Anh tiêm vaccine mũi 3 cho 32 triệu dân
Kể từ đầu tháng tới, Anh sẽ triển khai tiêm vaccine tăng cường phòng COVID-19 cho 32 triệu người dân, với sự tham gia của 2.000 nhà thuốc.
Theo tờ Daily Telegraph, chiến dịch này sẽ bắt đầu từ ngày 6/9 và kết thúc vào đầu tháng 12.
Trong diễn biến khác, giới chức y tế Anh khuyến cáo các thai phụ cần nhanh chóng tiêm vaccine phòng COVID-19 do biến thể Delta có thể khiến họ có nguy cơ cao hơn xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng.
Bà Jacqueline Dunkley-Bent, quan chức y tế vùng England, dẫn các số liệu nghiên cứu mới nhất cho thấy số các thai phụ mắc bệnh COVID-19 phải nhập viện với những triệu chứng nặng gia tăng đáng kể. Trong khi đó, Giáo sư Marian Knight, Đại học Oxford, nhấn mạnh dường như biến thể Delta khiến tình trạng bệnh của họ nghiêm trọng hơn. Trước thực tế này, giới chức cho rằng các thai phụ cần nhanh chóng tiêm vaccine phòng bệnh để bảo vệ chính mình và đứa con trong bụng.
Nghiên cứu của Đại học Oxford cho thấy tỷ lệ phụ nữ mang thai phải nhập viện với tình trạng bệnh từ trung bình đến nghiêm trọng tăng đáng lo ngại sau khi Delta trở thành biến thể lây nhiễm phổ biến tại Anh trong tháng 5. Các nhà khoa học còn phát hiện các nữ bệnh nhân nhập viện trong làn sóng dịch do biến thể Delta có nhiều nguy cơ bị viêm phổi và hơn 33% trong số này cần hỗ trợ hô hấp.
Trung Quốc: Trịnh Châu bất ngờ trở thành ổ dịch lớn
Phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh dẫn trang mạng Thời báo Hoàn Cầu đêm 31/7 cho biết, tính đến 18h chiều cùng ngày, thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc đã báo cáo 11 trường hợp được xác nhận nhiễm COVID-19 và 16 trường hợp không có triệu chứng. Diễn biến này khiến Trịnh Châu bất ngờ trở thành một thành phố khác của Trung Quốc có số ca mắc COVID-19 tăng cao, sau thành phố Nam Kinh ở tỉnh miền Đông Giang Tô.
Thành phố Trịnh Châu đã báo cáo ca nhiễm không triệu chứng đầu tiên vào ngày 30/7. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh thành phố Trịnh Châu Vương Tùng Giang cho biết, hầu hết những người bị nhiễm bệnh đều ở Bệnh viện Nhân dân số 6 của thành phố, liên quan đến các nhân viên vệ sinh, nhân viên y tế và bệnh nhân nội trú. Điều này cho thấy những lỗ hổng tại bệnh viện.
Hiện Trịnh Châu đang phải đối mặt với những thách thức lớn, khi thành phố này vừa phải hứng chịu đợt lũ lụt kinh hoàng, khiến 51 người chết tính đến ngày 23/7 và ít nhất 99 người chết trên toàn tỉnh Hà Nam tính đến 29/7.
Ông Lâu Dương Sinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam ngày 31/7 đã thúc giục áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan rộng hơn. Ông Lâu Dương Sinh cũng yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra toàn diện và kỹ lưỡng nhằm phát hiện nguồn gốc và quỹ đạo lây truyền virus càng sớm càng tốt. Người dân không được phép rời khỏi tỉnh Hà Nam trừ khi cần thiết.
Cùng ngày, Trung Quốc ghi nhận 75 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 53 ca lây nhiễm trong cộng đồng mới được ghi nhận ở 8 tỉnh, tăng so với số ca nhiễm cộng đồng mới được công bố trước đó một ngày là 30 ca. Đáng chú ý, một ổ dịch liên quan một sân bay miền Đông nước này hiện được cho là đã làm lây lan ra hơn 20 thành phố và hơn 10 tỉnh. Các thành phố của Trung Quốc đã triển khai xét nghiệm quy mô lớn đối với hàng triệu người và áp đặt hạn chế đi lại mới trong bối cảnh các cơ quan y tế đang gồng mình ngăn chặn tình trạng bùng phát dịch COVID-19 lan rộng nhất ở nước này trong nhiều tháng qua.
Hàn Quốc: Làn sóng thứ 4 chưa có dấu hiệu chậm lại
Tại Hàn Quốc, số ca mắc mới ở Hàn Quốc đã giảm xuống còn 1.400 ca ngày 1/8 do có ít xét nghiệm hơn vào cuối tuần, song làn sóng lây nhiễm lần thứ tư chưa có dấu hiệu chậm lại dù chính phủ nước này đã áp dụng mức giãn cách xã hội cao nhất ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết có 1.386 ca lây nhiễm trong nước, nâng tổng số ca nhiễm lên 199.787 ca. Số ca bệnh mới đã giảm so với con số 1.710 ca ghi nhận ngày 30/7 và 1.539 ca ngày 31/7.
Cũng theo KDCA, đã có thêm 3 ca tử vong, nâng số người tử vong bởi đại dịch ở Hàn Quốc lên 2.098 người. Tỷ lệ tử vong hiện là 1,05%. Số bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch lên đến 324 người, tăng 7 người so với ngày 31/7. Các cơ quan y tế Hàn Quốc đang xem xét những biện pháp bổ sung để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ tư khi số ca bệnh mới tiếp tục gia tăng trên khắp đất nước, bất chấp nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. KDCA đã gia hạn thời gian giãn cách xã hội mức cao nhất (cấp độ 4) ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận cho đến ngày 8/8 tới, đồng thời đang nỗ lực thúc đẩy hoạt động tiêm chủng bằng cách mở rộng chiến dịch tiêm chủng sang nhóm dân số trẻ hơn.
Pfizer và Moderna nâng giá vaccine tại thị trường EU
Tờ The Financial Times ngày 1/8 đưa tin hai công ty dược phẩm Pfizer và Moderna của Mỹ đã nâng giá bán vaccine ngừa COVID-19 trong các hợp đồng cung cấp gần đây nhất cho Liên minh châu Âu (EU).
Báo trên dẫn các điều khoản trong hợp đồng cho thấy giá mới cho một liều vaccine của Pfizer là 19,50 euro (23,15 USD), cao hơn so với mức giá 15,50 euro trước đó. Trong khi đó, một quan chức thạo tin cho hay vaccine của Moderna cũng tăng lên thành 25,5 USD/liều, so với 19 euro trong hợp đồng mua sắm đầu tiên, song vẫn thấp hơn mức 28,5 USD đã thỏa thuận trước đó vì đơn đặt hàng đã tăng lên.
Hiện Pfizer và Moderna chưa đưa ra bình luận về thông tin trên. EU đang trên đà đạt được mục tiêu tiêm có ít nhất 70% dân số trưởng thành được tiêm phòng đầy đủ vào cuối mùa Hè này. Hiện Cơ quan Dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) đã cấp phép sử dụng cho 4 loại vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Johnson&Johnson. Hồi tháng 5, EU cho biết vào cuối tháng 9 tới sẽ có thể nhận được hơn một tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 từ 4 hãng dược phẩm này.
Pakistan tăng đột biến các trường hợp nhiễm mới
Trong ngày 1/8, Pakistan đã thông báo ghi nhận 5.026 trường hợp mới mắc COVID-19. Đây là số ca mắc mới hằng ngày cao nhất trong ba tháng qua.
Bộ Y tế Pakistan cho biết 62 người đã tử vong do dịch COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng số người chết do COVID-19 lên 23.422 người. Tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Pakistan là 1.034.837 ca. Lần gần đây nhất khi số ca mắc mới hằng ngày vượt qua con số 5.000 là vào ngày 29/4 với 5.113 ca. Cho đến nay, Chính phủ Pakistan đã tiêm hơn 29,64 triệu liều vaccine cho người dân nước này.
Campuchia tiêm trộn vaccine mũi thứ ba
Ngày 1/8, Thủ tướng Campuchia Hun Sen thông báo chính phủ nước này quyết định tiêm mũi thứ ba với vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca để tăng kháng thể cho những người đã tiêm hai mũi trước bằng vaccine của Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc.
Phát biểu tại lễ phát động chiến dịch tiêm chủng cho thanh thiếu niên tại Cung Hòa Bình ở Phnom Penh, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh lực lượng tuyến đầu chống dịch vào khoảng 500.000 đến 1 triệu người, đặc biệt là tuyến đầu ở biên giới Thái Lan - nơi dịch COVID-19 đang lây lan mạnh, sẽ được ưu tiên tiêm phòng mũi thứ ba. Sau đó, 9 triệu người khác đã tiêm hai mũi vaccine của Sinopharm và Sinovac sẽ được tiêm nhắc lại. Ông cũng đề nghị tiểu ban phòng chống dịch nghiên cứu sử dụng loại vaccine phù hợp để tiêm mũi thứ ba cho những người đã tiêm hai mũi vaccine của AstraZeneca.
Cùng ngày 1/8, Campuchia đã triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, bắt đầu ở thủ đô Phnom Penh và 3 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh gồm Kandal, Koh Kong và Preah Sihanouk.
Tính đến ngày 31/7, hơn 7,3 triệu người trưởng thành tại Campuchia đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và trong số này hơn 4,7 triệu người đã hoàn thành đủ hai mũi tiêm.
Thái Lan: Có thể có 40.000 ca nhiễm/ngày
Ngày 1/8, các nguồn tin chính phủ cho biết Thái Lan đã gia hạn các biện pháp ngăn chặn COVID-19 siết chặt hơn ở thủ đô Bangkok và các tỉnh có nguy cơ cao cho đến cuối tháng 8 nhằm làm chậm sự lây lan của dịch bệnh khi nước này đối phó với đợt bùng phát lớn nhất cho đến nay.
Theo nguồn tin trên, những hạn chế, bao gồm hạn chế đi lại, đóng cửa trung tâm mua sắm và áp đặt giờ giới nghiêm, sẽ được mở rộng đối với 29 tỉnh, so với 13 tỉnh trước đây. Các nhà hàng trong trung tâm mua sắm sẽ chỉ được phép mở cửa để giao đồ ăn mang đi.
Theo dự báo của Bộ Y tế Thái Lan, nước này có thể chứng kiến hơn 40.000 ca nhiễm mới và 500 ca tử vong mỗi ngày, đạt đỉnh điểm vào giữa tháng 9 tới, nếu các quy định phong tỏa hiện tại không được tuân thủ.
Thái Lan đã áp dụng lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối đến 4 giờ sáng và nhiều hạn chế khác kể từ ngày 19/7 tại Bangkok, Nonthaburi, Samut Prakan, Samut Sakhon, Pathum Thani, Nakhon Pathom, cũng như các tỉnh cực Nam là Narathiwat, Pattani, Songkhla và Yala.
Các hạn chế bao gồm việc đóng cửa tất cả các cửa hàng trong trung tâm thương mại vào lúc 8 giờ tối ngoại trừ các nhà bán lẻ được coi là cần thiết, chẳng hạn như siêu thị, thiết bị y tế. Lệnh cấm ăn uống tại các quán ăn vẫn tiếp tục, trong khi các nhà hàng, chợ ẩm thực và cửa hàng tiện lợi phải đóng cửa từ 8 giờ tối đến 4 giờ sáng. Không có phương tiện giao thông công cộng nào hoạt động từ 9 giờ tối đến 4 giờ sáng.
Indonesia gia hạn hạn chế phòng dịch bên ngoài đảo Java
Chính phủ Indonesia đã quyết định gia hạn các hạn chế ngăn chặn đại dịch bên ngoài đảo Java thêm một tuần trong nỗ lực kiểm soát lây lan.
Theo tờ Straits Times, các hạn chế mức độ cao nhất, "Cấp 4", được gia hạn đến ngày 9/8 với các khu vực bên ngoài đảo Java. Theo đó người lao động trong các ngành không thiết yếu sẽ tiếp tục làm việc tại nhà, các trung tâm mua sắm tiếp tục đóng cửa.
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang hứng chịu một trong những làn sóng dịch tồi tệ nhất châu Á, với tổng ca nhiễm đã vượt 3,44 triệu người và trên 95.000 người thiệt mạng.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()