Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:53 (GMT +7)
"Cú huých" lớn tại các khu kinh tế
Thứ 4, 19/03/2014 | 13:09:44 [GMT +7] A A
Với những tiềm năng, thế mạnh trong việc phát triển thương mại dịch vụ và giao thương vùng biên, huyện Vân Đồn và TP Móng Cái đã được tỉnh Quảng Ninh tập trung xây dựng và phát triển thành các khu kinh tế lớn và đề xuất với Chính phủ thông qua một số cơ chế riêng biệt nhằm tạo ra bước đột phá khi các KKT này đi vào hoạt động.
Sản xuất sợi tại Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật TexHong Ngân Long ở KCN Hải Yên (TP Móng Cái). Ảnh: Bá Khang |
Đi từ tiềm năng, lợi thế...
Nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Quảng Ninh, huyện đảo Vân Đồn được hợp thành bởi 2 quần đảo: Kế Bào và Vân Hải với tổng diện tích hơn 2.170km2. Trong đó, diện tích đất tự nhiên hơn 550km2, phần vùng biển rộng tới 1.620km2, bao gồm 600 hòn đảo lớn nhỏ thuộc Vịnh Bái Tử Long nằm kề Vịnh Hạ Long. Huyện có hơn 20 đảo đất có dân cư sinh sống, trong đó đảo Cái Bầu là đảo lớn nhất với diện tích hơn 300km2. Với những lợi thế cả về vùng biển và đất liền, Vân Đồn đã được nhiều chuyên gia kinh tế nhận định đang sở hữu lợi thế về thiên nhiên mà không vùng kinh tế ven biển nào có được. Về nguồn hải sản khá phong phú cả về số lượng và chủng loại với sản lượng khai thác thuỷ sản hàng năm đạt khoảng 20.000 tấn. Bên cạnh đó, địa hình vừa có rừng, vừa có biển giúp cho địa bàn dễ dàng phát triển du lịch sinh thái và sau này là du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Địa bàn này qua các năm đều tăng trưởng lượng khách tới tham quan, du lịch. Chỉ tính riêng trong năm 2013, tổng lượng khách đến địa bàn huyện đạt 526.500 lượt người, trong đó khách quốc tế ước đạt 12.075 lượt người, tăng 38% so với năm 2012. Doanh thu từ du lịch đóng góp rất lớn cho ngân sách tại địa phương.
Còn đối với “nét chấm đầu tiên trên bản đồ Việt Nam”, TP Móng Cái có tới 72km đường biên với nước bạn Trung Quốc. Điều đã giúp cho TP Móng Cái duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế rất tốt. Trong 5 năm trở lại đây (2008-2013), tổng giá trị hàng hoá hai chiều qua cửa khẩu Móng Cái đạt 18.070 triệu USD, tăng bình quân 26,25%/năm, chiếm 95,7% tổng kim ngạch hàng hoá qua các cửa khẩu biên giới đất liền của tỉnh và chiếm trên 40% tổng kim ngạch hàng hoá XNK qua cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc (Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng). Thu thuế XNK qua cửa khẩu Móng Cái chiếm 85,3% tổng thu qua các cửa khẩu biên giới của tỉnh và chiếm 28,5% tổng thu XNK qua cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc.
Từ những tiềm năng, lợi thế của mình, TP Móng Cái và huyện Vân Đồn đã được tỉnh Quảng Ninh xác định là một những trung tâm kinh tế của tỉnh, giữ vị trí quan trọng trong trục kinh tế trọng điểm “Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh”. Đặc biệt trong lĩnh vực giao thương, hai địa bàn này có vị trí rất quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế: “Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) - Côn Minh (Trung Quốc)”; đồng thời tiếp tục mở rộng ra tuyến vành đai kinh tế khu vực Vịnh Bắc Bộ (các tỉnh duyên hải miền Nam Trung Quốc và các tỉnh ven Vịnh Bắc Bộ Việt Nam). Với lợi thế đó, cùng với hướng phát triển kinh tế được coi là đã định hình rõ nét, việc kết nối KKT với thị trường Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung khá thuận lợi.
Tới những quy hoạch chiến lược
Không để tiềm năng lợi thế “ngủ quên”, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực nghiên cứu, tập trung xây dựng các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển KKT tại hai địa bàn quan trọng là TP Móng Cái và huyện đảo Vân Đồn. Theo đó, tại TP Móng Cái, địa phương đang khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội KKT với đơn vị tư vấn McKinsey - một trong những tên tuổi hàng đầu thế giới trong lĩnh vực quy hoạch. Bản quy hoạch này đã được tỉnh phê duyệt đề cương, nhiệm vụ lập quy hoạch. Hiện UBND thành phố đang trong giai đoạn đàm phán, thương thảo hợp đồng với tư vấn McKinsey để triển khai những kế hoạch tiếp theo. Song song với đó, trong giai đoạn 2013-2015, Móng Cái là một trong 8 KKT cửa khẩu được Chính phủ chỉ đạo tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước nhằm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng các KKT cửa khẩu. Mới đây nhất, Chính phủ cũng đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu Móng Cái tại Quyết định 2629/QĐ-TTg ngày 31-12-2013. Việc đồng ý về mặt chủ trương cũng như việc xây dựng lộ trình phát triển KKT cửa khẩu là nền tảng quan trọng giúp cho khu vực vùng biên này phát triển bền vững và hiệu quả hơn.
Còn đối với huyện đảo Vân Đồn, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch khu kinh tế, đến nay Quảng Ninh đang thuê tư vấn nước ngoài phản biện điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn và triển khai quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 các phân khu chức năng như: Hệ thống đảo từ khu kinh tế đến huyện Hải Hà; khu đô thị Cái Rồng; khu cảng - đô thị phía Bắc đảo Cái Bầu, khu vực đảo Minh Châu - Quan Lạn và khu vực đảo Ngọc Vừng. Quy hoạch xây dựng Đặc khu kinh tế Vân Đồn đảm bảo không gian phát triển bền vững, tầm nhìn dài hạn, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, đô thị quốc tế, khai thác hiệu quả tài nguyên đất - địa hình - cảnh quan, môi trường sống văn minh, hiện đại; không gian phát triển theo định hướng phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ với bảo đảm an ninh quốc phòng. Đặc biệt, đối với dự án cảng hàng không tại Vân Đồn, là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với KKT Vân Đồn, cũng như tỉnh Quảng Ninh để tạo dựng đầu mối giao thông quan trọng. Dự án được xác định có tính chất động lực để phát triển KKT. Đến nay quy hoạch xây dựng cảng hàng không đã được phê duyệt, được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương cho phép đầu tư theo hình thức BOT, hoặc các hình thức thích hợp khác.
Hồng Nhung
Liên kết website
Ý kiến ()