Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 08:48 (GMT +7)
Cục Thú y khuyến cáo người chăn nuôi không bán lợn bệnh
Thứ 4, 20/02/2019 | 22:44:32 [GMT +7] A A
Do bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh mới, không lây lan sang người nên Cục Thú y cũng khuyến cáo người chăn nuôi không bán lợn bệnh và cần bình tĩnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch...
Liên quan đến bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, đến thời điểm này cơ quan chuyên môn đã cơ bản khống chế được các ổ dịch. Do đây là bệnh mới, không lây lan sang người nên Cục Thú y cũng khuyến cáo người chăn nuôi không bán lợn bệnh và cần bình tĩnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch... Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để làm rõ vấn đề này.
Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông khuyến cáo người dân không bán lợn bệnh. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN |
Phóng viên:Xin ông cho biết đâu là nguyên nhân dẫn đến việc các ổ dịch được phát hiện lại nằm sâu trong nội địa, trong khi đó các tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc là nơi có nguy cơ cao lại không xuất hiện dịch?
Ông Phạm Văn Đông: Trên thế giới, trong những năm vừa qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã lây lan rất nhanh từ nước này qua nước khác. Ví dụ như dịch bệnh đã xảy ra tại Liên bang Nga, sau đó đã được phát hiện mầm bệnh, ổ dịch tại các nước và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Mông Cổ, nên nguy cơ dịch bệnh lây lan sang Việt Nam và các nước khác là rất cao; có thể thông qua vật chủ trung gian như chim di cư tiếp xúc với lợn chết, có mầm bệnh được mang từ nơi này, nơi khác.
Bên cạnh đó, yếu tố con người và phương tiện vận chuyển đi từ nơi này, sang nơi khác cũng là nguyên nhân. Bên cạnh đó, là tình trạng buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; tần suất vận chuyển lợn, sản phẩm lợn gia tăng mạnh vào các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.
Ngoài ra, cư dân biên giới giữa Việt Nam và các nước có nhiều hoạt động giao thương, đặc biệt tại một số địa phương như Quảng Ninh, có ngày có trên 10.000 lượt người qua lại ở biên giới Việt Nam-Trung Quốc; lượng phương tiện vận chuyển cũng được người dân Việt Nam và các nước sử dụng nhiều nên rất có thể mang theo mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam.
Mặt khác, lượng khách đi du lịch từ các nước qua đường bộ, đường hàng không và đường biển vào Việt Nam rất lớn, nhất là khách từ các nước châu Á thường có thói quen mang theo thực phẩm có chứa thịt lợn nên có thể là nguyên nhân đưa mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam (tương tự như đã phát hiện tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan...).
Phóng viên: Vậy ông cho biết các dấu hiệu nhận biết của bệnh dịch tả lợn châu Phi?
Ông Phạm Văn Đông: Qua kiểm tra thực tế và các khuyến cáo thì dịch bệnh có các dấu hiệu sau: lợn có biểu hiện sốt rất cao trên 40 độ. Đối với một số bệnh khác thì chỉ xảy ra trên một số loại lợn, nhưng đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi thì xảy ra với tất cả các loại lợn (nái, đực, con, choai); tỷ lệ chết rất cao vì chưa có vắc xin điều trị. Đó là 3 dấu hiệu đặc trưng để người chăn nuôi nhận biết.
Phóng viên: Ông có khuyến cáo gì cho người chăn nuôi về bệnh dịch này?
Ông Phạm Văn Đông: Đối với các hộ chăn nuôi, gia trại cần thường xuyên vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh; đồng thời có các biện pháp ngăn chặn các loại côn trùng, gặm nhấm vì chúng có thể mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác; không tham gia mua bán, vận chuyển, tiêu thụ bất kỳ lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh, các loại sản phẩm thịt lợn bệnh; tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho đàn vật nuôi.
Người chăn nuôi cũng cần mua con giống có nguồn gốc rõ ràng. Đặc biệt khi phát hiện lợn bệnh, nghi bị bệnh tuyệt đối không bán chạy lợn bệnh, không vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường vì đây chính là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan rộng. Đồng thời, do bệnh này chưa có vắc xin điều trị nên người chăn nuôi tuyệt đối không tự điều trị cho lợn nuôi nhiễm bệnh.
Đối với các trang trại, cơ sở chăn nuôi có quy mô lớn cần tăng cường các biện pháp an toàn sinh học; thường xuyên tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng khu vực nuôi, khu vực xung quanh; trên các tuyến đường trong và từ ngoài đi vào trại.
Đặc biệt, khi có lợn bệnh, nghi bị bệnh phải báo chính quyền địa phương và thú y cơ sở để lấy mẫu xác định nguyên nhân. Đồng thời, tổ chức tiêu huỷ ngay đàn vật nuôi nhiễm bệnh theo đúng quy định.
Ngoài ra, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người chăn nuôi hiểu rõ về sự nguy hiểm của dịch bệnh cũng như các quy định hỗ trợ của nhà nước đối với đàn vật nuôi bị tiêu huỷ...
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về năng lực xét nghiệm của các phòng thí nghiệm thuộc Cục Thú y hiện nay?
Ông Phạm Văn Đông: Với 8 phòng thí nghiệm của Cục Thú y hiện nay hoàn toàn đáp ứng rất tốt việc chuẩn đoán xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Bởi, các phòng thí nghiệm của Cục Thú y vẫn thường xuyên thực hiện xét nghiệm các loại dịch bệnh khác quan trọng; trong đó có cả các dịch bệnh lây sang người như cúm gia cầm, bệnh dại....
Hệ thống các phòng thí nghiệm đã được đầu tư với các trang thiết bị hiện đại có thể cho kết qủa sau từ 3 - 5 tiếng. Ngoài ra, Cục còn được sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế thường xuyên có mặt tại các phòng thí nghiệm.
Hiện mỗi phòng thí nghiệm cũng có thể xét nghiệm hàng trăm mẫu, đảm bảo độ chính xác cao bằng kỹ thuật Real-time PCR.
Phóng viên: Các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi cần phải triển khai ngay trong thời gian này là gì, thưa ông?
Ông Phạm Văn Đông: Khi phát hiện ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tuyệt đối người nuôi không điều trị lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh. Đối với các địa phương lần đầu tiên phát hiện lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy toàn đàn trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh dịch. Việc tiêu hủy cũng được áp dụng với các đàn lợn liền kề đối với đàn lợn dương tính nhưng chưa được lấy mẫu xét nghiệm.
Tại vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, trong vòng 48 giờ việc tiêu hủy được áp dụng với đàn lợn bị bệnh có triệu chứng lâm sàng của dịch tả lợn châu Phi mà không nhất thiết phải chờ có kết quả xét nghiệm nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát tán, lây lan diện rộng.
Đối với các trang trại chăn nuôi với số lượng lớn có nhiều dãy chuồng riêng biệt thì tiêu hủy toàn bộ lợn trong chuồng, dãy chuồng có lợn bệnh. Các dãy chuồng còn lại áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và lấy mẫu giám sát định kỳ. Nếu phát hiện dương tính hoặc xét thấy có nguy cơ lây nhiễm cao thì tiêu hủy toàn trang trại.
Bên cạnh đó, các trang trại thực hiện khoanh vùng ổ dịch như: tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2 - 3 tuần tiếp theo; đồng thời theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút dịch tả lợn châu Phi.
Các địa phương nghiêm cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp. Căn cứ tình hình thực tế, cơ quan chuyên môn thú y cấp tỉnh điều chỉnh, xác định vùng bị dịch uy hiếp phù hợp để áp dụng giải pháp dừng vận chuyển.
Về phía ngành nông nghiệp tăng cường chỉ đạo chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; xây dựng cơ sở, chuỗi cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh. Đồng thời định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất. Bên cạnh đó, hàng ngày sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch.
Cuối cùng, các địa phương cần phải có kế hoạch phòng, chống dịch bệnh; bố trí kinh phí cho việc chống dịch; cử cán bộ thú y đến xử lý ngay và dứt điểm các ổ dịch; đặc biệt là không được giấu dịch...
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!./.
Theo Thành Trung/BNEWS/TTXVN (Thực hiện) [links()]
Liên kết website
Ý kiến ()