Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 03:18 (GMT +7)
Nhiều cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững
Thứ 4, 08/02/2023 | 19:37:20 [GMT +7] A A
Ngày 8/2, tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị tổng kết 2 chương trình mục tiêu quốc gia lớn là chương trình xây dựng NTM và chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2010-2012. Tham gia hội nghị, các đại biểu phát biểu đều bày tỏ sự ấn tượng trước những thành tựu của tỉnh đối với 2 chương trình này. Trong đó, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, lấy hạnh phúc của người dân là mục tiêu cuối cùng.
Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã ghi lại ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị.
Ông Hầu A Lềnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG Trung ương: "Quảng Ninh có nhiều cách làm sáng tạo, đột phá trong xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững"
Tôi rất ấn tượng với những kết quả của tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay. Quảng Ninh hết sức năng động, sáng tạo trong việc cụ thể hóa nghị quyết của trung ương trong điều kiện của tỉnh qua từng giai đoạn; ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh; ưu tiên dành nguồn lực tập trung cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn, miền núi, hải đảo. Bên cạnh việc bố trí ngân sách địa phương, Quảng Ninh cũng sáng tạo trong việc huy động nguồn lực xã hội.
Cùng với đó, tỉnh huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lồng ghép khéo léo giữa các chương trình mục tiêu ở từng địa bàn; có cơ chế để phát huy vai trò, tinh thần nỗ lực của người dân tự vươn lên thoát nghèo. Với những cách làm như vậy, kết quả đã minh chứng Quảng Ninh có nhiều mô hình hay được trung ương, các tỉnh ghi nhận, đến học tập trong xây dựng NTM. Trong giảm nghèo bền vững, tỷ lệ giảm nghèo của tỉnh thời gian qua ấn tượng, hiện còn chưa đầy 1%. Đây là sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của tỉnh Quảng Ninh.
Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương: "Ghi nhận sự chủ động tích cực của chính quyền và người dân"
Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Chúng tôi đánh giá cao các cách làm của Quảng Ninh, trong đó có sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, huy động cả hệ thống chính trị một cách đồng bộ quyết liệt. Bên cạnh đó, tỉnh có những cách làm sáng tạo, thực hiện hiệu quả các chính sách của trung ương cũng như ban hành các chính sách riêng có để tạo động lực, khuyến khích người dân cùng các đơn vị chung tay xây dựng NTM. Đặc biệt, chúng tôi ghi nhận sự chủ động, lấy người dân làm chủ thể của chương trình. Với những cách làm sáng tạo, người dân đã hiểu được ý nghĩa của chương trình, hưởng ứng tích cực. Đây là một trong những yếu tố tiên quyết để tạo nên những kết quả đáng mừng của Quảng Ninh như ngày hôm nay.
Thời gian tới, để sức lan tỏa của chương trình trở nên rộng khắp và mạnh mẽ hơn, tỉnh cần có sự phối hợp với trung ương để triển khai, thực hiện bền vững các tiêu chí và chỉ tiêu của chương trình. Đặc biệt, tiếp tục đảm bảo và nâng cao mức thu nhập cho người dân nông thôn để thu hẹp khoảng cách vùng, miền. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế - xã hội phải đi đôi với bảo vệ môi trường, cảnh quan... Chúng tôi tin rằng, với việc lấy người dân làm trung tâm và theo đuổi mục tiêu vì hạnh phúc của người dân, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục thực hiện thành công và hiệu quả chương trình, từ đó đảm bảo cuộc sống cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Bí thư Huyện ủy Bình Liêu: "Từ xuất phát điểm thấp, Bình Liêu dồn mọi nguồn lực để vươn lên thoát nghèo"
Bình Liêu triển khai xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp. Bình quân các xã mới đạt 2/19 tiêu chí, 4/39 chỉ tiêu theo bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2010-2015; tỷ lệ hộ nghèo trên 60%; các xã, thôn đều thuộc diện đặc biệt khó khăn; kinh tế chậm phát triển, văn hóa lạc hậu, kết cấu hạ tầng yếu kém. Nhưng được sự quan tâm của trung ương, của tỉnh với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù và các nguồn lực, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị và người dân vào cuộc; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nỗ lực vươn lên để thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng; đẩy mạnh các phong trào thi đua...
Giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 43,27% còn 7,8%; giai đoạn 2016-2020 giảm từ 44,31% còn 3,06%. Giai đoạn 2021-2025, huyện tiếp tục tập trung dồn lực cho công tác giảm nghèo, thực hiện mục tiêu về đích NTM năm 2022. Trong đó, đã huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ 211 nhà ở cho hộ nghèo, 1.171 nhà tiêu hợp vệ sinh; giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân; tạo điều kiện cho người dân vay vốn phát triển sản xuất; triển khai đồng bộ các giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội với tinh thần quyết tâm, quyết liệt. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo hết năm 2022 của huyện giảm còn 1,96%. Kết quả đó đã góp phần quan trọng để Bình Liêu đủ điều kiện đạt chuẩn NTM trong năm 2022.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TX Đông Triều: “Thành công trong xây dựng NTM là nhờ sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị”
Một trong những bài học kinh nghiệm của TX Đông Triều là nhờ có sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị với nhiều biện pháp được triển khai đồng bộ. Trong đó, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động, thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng xây dựng NTM kiểu mẫu. Đông Triều chú trọng tạo sự thống nhất về nhận thức và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị; thường xuyên phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu tại địa phương. Đồng thời triển khai nâng cao hiệu quả các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung đối với cây trồng, vật nuôi chủ lực của các địa phương...
Ông Lưu Minh Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ: “Quyết liệt rà soát, xác định nguyên nhân nghèo để có hướng hỗ trợ phù hợp, hiệu quả"
Để xã đạt chuẩn NTM năm 2022, Đồn Đạc xác định tiêu chí khó thực hiện nhất là tiêu chí số 11 (giảm nghèo đa chiều). Vì vậy địa phương đã quyết liệt rà soát, xác định nguyên nhân nghèo, mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản của từng hộ nghèo, hộ cận nghèo; phân công các thành viên phụ trách đến từng thôn để giúp đỡ; rà soát nhu cầu học nghề của lao động, cơ hội bố trí việc làm sau đào tạo; tuyên truyền, vận động người dân tự vươn lên thoát nghèo, tham gia phát triển sản xuất, tăng thu nhập... Với các giải pháp quyết liệt, năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã giảm sâu, chỉ còn có 14 hộ nghèo, chiếm 0,95%; 26 hộ cận nghèo, chiếm 1,7%.
Mặc dù vậy, xã nhận thấy còn tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo. Vì vậy trong năm 2023 và những năm tiếp theo, xã sẽ tập trung củng cố, nâng cao chất lượng giảm nghèo, nâng cao đời sống cho các hộ đã thoát nghèo năm 2022; tiếp tục tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân về công tác giảm nghèo để tự lực vươn lên; thực hiện tốt chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác cũng như công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động nông thôn. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả đề án trồng rừng gỗ lớn, đạt và vượt chỉ tiêu huyện giao; huy động nguồn lực xã hội hoá để hỗ trợ người dân thực hiện các tiêu chí thiếu hụt, tạo thêm động lực cho người dân thoát nghèo.
Bà Lê Thị Bảy, Giám đốc HTX Cam mùng 10/10, huyện Vân Đồn: "Sự hỗ trợ của địa phương là động lực để HTX tiếp tục đầu tư, phát triển thương hiệu nông sản"
Cam Vân Đồn được xác định là cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao. Vì vậy, trong những năm qua, địa phương đã tập trung xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Đến nay, sản phẩm cam Vân Đồn đã được gắn nhãn mác, bao bì OCOP, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Xã hiện có trên 180ha cam, trong đó diện tích được thu hoạch trên 30ha, sản lượng bình quân đạt 120 tấn/năm, tổng thu nhập của toàn HTX bình quân khoảng 3 tỷ đồng/năm. HTX chú trọng việc xây dựng, nâng cao chất lượng vườn cam, sản xuất cam theo hướng VietGAP, xây dựng cảnh quan vườn cam…, tạo cơ sở phát triển du lịch trải nghiệm, thu hút đông đảo khách tham quan vườn cam, hiện đạt 5.000-6.000 lượt/năm.
Thời gian tới, HTX mong muốn chính quyền tiếp tục quan tâm hỗ trợ người dân nguồn vốn đầu tư mở rộng diện tích trồng; tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, phát triển vườn cam như một sản phẩm du lịch trải nghiệm... Từ đó, tạo điều kiện để người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Bà Chìu Thị Huệ, thôn Phú Cường, xã Yên Than, huyện Tiên Yên: “Người dân được hưởng nhiều lợi ích từ chương trình xây dựng NTM”
Thực hiện chương trình xây dựng NTM, diện mạo nông thôn của xã ngày càng sạch, đẹp, đời sống của người dân ngày một nâng cao. Người dân tích cực sản xuất tập trung, áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi một số mô hình trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng dược liệu, cây giống… Người dân rất phấn khởi khi đường giao thông tại các thôn, bản được bê tông hóa, được sử dụng điện lưới quốc gia, được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế... Phong trào xây dựng NTM luôn được người dân hưởng ứng tích cực, sẵn sàng tham gia ý kiến, trí tuệ, công sức, tiền của... để mang lại lợi ích chung cho cộng đồng.
Sự thay đổi rõ nét nhất chính là nhận thức của người dân. Chỉ vài năm về trước, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, ngại thoát nghèo vẫn còn trong nhiều người. Bằng sự chỉ đạo quyết liệt của địa phương, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đa dạng hình thức tuyên truyền, người dân đã từng bước loại bỏ tư tưởng ỷ lại. Cùng sự hỗ trợ về nhà ở, đất ở và phát triển kinh tế của chính quyền và các nguồn lực khác, đến nay Yên Than không còn hộ nghèo. Hy vọng thời gian tới, tỉnh và huyện tiếp tục có các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo động lực cho người dân phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập.
Thu Chung - Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()