Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 19:32 (GMT +7)
Cung cấp thông tin cho báo chí
Thứ 6, 20/06/2008 | 07:39:36 [GMT +7] A A
Vai trò và chức năng của báo chí là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội; là diễn đàn của nhân dân.
Báo chí cung cấp thông tin, vậy ai cung cấp thông tin cho báo chí?
Việc cung cấp thông tin cho báo chí đã được quy định rõ tại Điều 7, Luật Báo chí: “Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, giúp báo chí thông tin chính xác, kịp thời và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin. Đối với vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trướcpháp luật”.
Để tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí, trong đó có công tác cung cấp thông tin cho báo chí, tại Thông báo kết luận số 41/TB-TW, ngày 11-10-2006 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “Đi đôi với việc tăng cường và chủ động hơn nữa trong việc cung cấp thông tin, cần phải khẩn trương chấn chỉnh việc cung cấp thông tin cho báo chí. Chính phủ quy định rõ cơ chế, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị nhà nước trong việc cung cấp kịp thời, đầy đủ những thông tin cần thiết theo quy định cho báo chí và cho xã hội; quy định rõ chức năng, quyền hạn, trách nhiệm người phát ngôn của các cơ quan, tổ chức”. Tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Thông báo kết luận 162/TB-TW của Bộ Chính trị về công tác lãnh đạo và quản lý báo chí tại TP Hạ Long, ngày 9-1-2007, đồng chí Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu: “Đổi mới việc cung cấp thông tin cho báo chí; quy định rõ cơ chế, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị nhà nước trong việc cung cấp thông tin cho báo chí và xã hội, trách nhiệm, quyền hạn của người phát ngôn của các cơ quan, tổ chức để tăng cường và chủ động hơn nữa trong việc cung cấp thông tin cho báo chí”.
Tuy nhiên, trong thực tế, do việc cung cấp thông tin của các cơ quan có trách nhiệm đôi khi không kịp thời nên đối với một số vụ việc báo chí đã không định hướng tốt được dư luận. Báo cáo của Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) nhìn lại hai năm thực hiện Thông báo kết luật 162/TB-TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ những yếu kém, sơ hở trong việc cung cấp thông tin cho báo chí: “Các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể, đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc quy chế người phát ngôn, chưa tạo điều kiện để người phát ngôn hoạt động đúng theo chức năng, nhiệm vụ. Nhiều khi một sự việc, hiện tượng của ngành, địa phương, đơn vị được báo chí thông tin theo những nội dung và số liệu khác nhau. Việc rò rỉ thông tin quan trọng, phức tạp, nhạy cảm của các vụ án lớn từ phía cơ quan điều tra và các cơ quan liên quan ngày càng gia tăng. Tình trạng đó vừa dẫn đến những sai sót của nhà báo và cơ quan báo chí, làm cho dư luận xã hội phân tâm, lo lắng, vừa gây khó khăn lớn cho các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí.”
Các nhà báo chỉ được tạo thuận lợi trong hành nghề khi việc cung cấp thông tin cho báo chí của các tổ chức, cơ quan nhà nước được làm tốt. Nhà báo và người phát ngôn của các tổ chức, cơ quan phải thực sự trách nhiệm, chia sẻ để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân.
Liên kết website
Ý kiến ()